Chỉ thị 02/1999/CT-NHNN5 về Ngân hàng Quốc doanh tham gia góp vốn và cử người quản trị, kiểm soát, điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 02/1999/CT-NHNN5
Ngày ban hành 12/04/1999
Ngày có hiệu lực 27/04/1999
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Trần Minh Tuấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư,Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/1999/CT-NHNN5

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NGÂN HÀNG QUỐC DOANH THAM GIA GÓP VỐN VÀ CỬ NGƯỜI QUẢN TRỊ, KIỂM SOÁT, ĐIỀU HÀNH CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN

Trong thời gian qua, nhiều Tổ chức tín dụng, đặc biệt là các Ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ. Vì vậy, một số Ngân hàng hiện đang gặp khó khăn và có nguy cơ đổ vỡ, làm ảnh hưởng tới sự an toàn của cả hệ thống. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do hầu hết các Ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay là các đơn vị được điều chỉnh từ các tổ chức tín dụng ra đời trước các pháp lệnh về Ngân hàng với nhiều tồn tại: vốn tự có còn quá nhỏ, năng lực quản trị, điều hành của bộ máy lãnh đạo còn bất cập, thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên chưa đáp ứng được yêu cầu về hoạt động ngân hàng và đòi hỏi của nền kinh tế thị trường. Luật các Tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/1998 cũng đã quy định "tổ chức tín dụng cổ phần của Nhà nước và nhân dân". Tuy nhiên, hiện nay nhiều Ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn góp của các Doanh nghiệp Nhà nước và vốn góp của các Ngân hàng quốc doanh. Để khắc phục những tồn tại, yếu kém của các Ngân hàng thương mại cổ phần và duy trì sự an toàn, ổn định trong hoạt động của toàn hệ thống Ngân hàng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, xã hội, Bộ chính trị và Chính phủ đã có Thông báo số 144/TB-TW ngày 3/6/1998 và Quyết định số 96/1998-TTg ngày 19/5/1998 về công tác chấn chỉnh, củng cố, sắp xếp lại các Ngân hàng thương mại cổ phần và chỉ đạo các Ngân hàng quốc doanh tham gia góp vốn, quản trị, điều hành, kiểm soát hoạt dộng đối với hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần.

Để thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ chính trị và Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Ngân hàng quốc doanh tổ chức thực hiện việc góp vốn và cử người tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần theo một số nội dung cụ thể như sau:

1. Các ngân hàng quốc doanh tham gia góp vốn và cử người quản trị, điều hành các Ngân hàng thương mại cổ phần, gồm:

- Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam;

- Ngân hàng Công thương Việt Nam,

- Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam;

- Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

2. Các Ngân hàng thương mại cổ phần thuộc diện được Ngân hàng quốc doanh góp vốn, gồm:

- Các Ngân hàng thương mại cổ phần (đô thị và nông thôn) chưa có vốn góp cổ phần của Ngân hàng quốc doanh.

- Ngân hàng thương mại cổ phần được một Ngân hàng quốc doanh tham gia góp vốn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở phù hợp với nguyên tắc nêu tại điểm 5.1 Chỉ thị này.

3. Từng Ngân hàng quốc doanh cần chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tình hình hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính, khả năng phát triển của các Ngân hàng thương mại cổ phần mà đơn vị dự định mua cổ phần. Trên cơ sở đó, bàn bạc thống nhất với lãnh đạo Ngân hàng cổ phần xây dựng phương án góp vốn và đăng lý với Ngân hàng Nhà nưóc về thời điểm, mức vốn mua cổ phần vào từng Ngân hàng thương mại cổ phần để Thống đốc Ngân hàng Nhà nưóc xem xét, chấp thuận.

4. Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển xem xét, quyết định việc góp vốn và cử người tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần đô thị; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định tham gia đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn.

5. Nguồn vốn và tỷ lệ tham gia mua cổ phần:

5.1 Việc Ngân hàng quốc doanh góp vốn mua cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần trong Chỉ thị này được thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đủ khả năng tài chính và đảm bảo an toàn cho Ngân hàng có vốn góp.

- Chỉ sử dụng vốn tự có để tham gia góp vốn mua cổ phần.

- Tổng số vốn sử dụng hùn vốn, liên doanh, mua cổ phần và thành lập Công ty con của từng Ngân hàng quốc doanh không được vượt mức quy định.

- Số vốn tham gia mua cổ phần của từng Ngân hàng quốc doanh không qua 10% vốn điều lệ của từng Ngân hàng thương mại cổ phần dự định tham gia.

- Một hoặc một số Ngân hàng quốc doanh có thể cùng tham gia mua cổ phần của một Ngân hàng thương mại cổ phần.

- 5.2 Trong trường hợp đặc biệt, xét thấy cần phải góp vốn nhưng do thiếu nguồn vốn hoặc vượt quá tỷ lệ cho phép, Ngân hàng quốc doanh phải có tờ trình báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nưóc để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

6. Về việc cử người tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành tại Ngân hàng thương mại cổ phần:

6.1 Các Ngân hàng quốc doanh phải cử cán bộ có trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức và có trình độ chuyên môn làm người đại diện cho Ngân hàng mình để tham gia ứng cử vào các chức danh thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần.

6.2 Người được cử làm đại diện tại Ngân hàng thương mại cổ phần không vi phạm các điều 37, 38, 39, 40 Luật các Tổ chức tín dụng và các quy định hiện hành có liên quan khác.

6.3 Người đại diện của Ngân hàng quốc doanh tại Ngân hàng cổ phần chịu trách nhiệm báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình hoạt động, việc chấp hành các quy định pháp luật của Ngân hàng thương mại cổ phần và đề xuất những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn số vốn góp của Ngân hàng quốc doanh lên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng quốc doanh.

7. Thanh tra Ngân hàng, Vụ các Ngân hàng và chi nhánh Ngân hàng Nhà nưóc (nơi có Ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính) có trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng quốc doanh tìm hiểu, đánh giá đúng thực trạng Ngân hàng cổ phần dự định góp vốn.

Thủ trưởng các Vụ có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nưóc Trung ương; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nưóc tỉnh, thành phố; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng thương mại cổ phần phải nghiêm túc thực hiện chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, mọi vướng mắc phải được phản ảnh, báo cáo kịp thời bằng văn bản lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nưóc để có chủ trương, biện pháp giải quyết.

 

 

Trần Minh Tuấn

(Đã ký)