Chỉ thị 01/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu | 01/CT-UBND |
Ngày ban hành | 08/01/2021 |
Ngày có hiệu lực | 08/01/2021 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Kon Tum |
Người ký | Lê Ngọc Tuấn |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND |
Kon Tum, ngày 08 tháng 01 năm 2021 |
Hiện nay, tình trạng nắng nóng, khô hanh xảy ra diện rộng trên địa bàn tỉnh, đây cũng là thời kỳ người dân trên địa bàn tiến hành các hoạt động sản xuất nương rẫy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt là đối với diện tích rừng mới trồng, vườn cây cao su. Bên cạnh đó tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) ngay từ đầu năm 2021; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
I. Về nhiệm vụ phát triển rừng:
1. Về mục tiêu trồng mới 3.000 ha rừng theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung rà soát, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất lâm nghiệp phù hợp, xây dựng kế hoạch cụ thể trồng rừng hoặc hỗ trợ trồng rừng theo diện tích đã đăng ký để thực hiện; quyết tâm hoàn thành cao nhất mục tiêu đã đề ra.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ nêu trên; hoàn thành trong tháng 01 năm 2021.
2. Về mục tiêu trồng cây phân tán tăng tối thiểu 1,5 lần so với năm 2020 theo Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ:
- Thủ trưởng các Sở, ban ngành và các đơn vị chủ rừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đăng ký số lượng cây trồng phân tán năm 2021, trong đó loài cây trồng thuộc Danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp tại Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các loài cây bản địa khác phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương; kết quả gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 01 năm 2021 để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trong tháng 02 năm 2021.
- Liên ngành: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (chủ trì) - Sở Tài chính - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét nguồn kinh phí mua cây giống hỗ trợ các địa phương thực hiện.
3. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ và chủ động hướng dẫn, xử lý các khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét.
II. Về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng:
1. Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các kết luận, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng(1); nhất là Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" trên địa bàn tỉnh và Thông báo số 364/TB-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết luận của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo; đồng thời tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý hoặc để xảy ra việc các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Kịp thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy rừng đến các tầng lớp Nhân dân; vận động toàn dân tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; khuyến khích động viên Nhân dân tham gia đấu tranh, ngăn chặn và tố giác các hành vi vi phạm trong lƿnh vực lâm nghiệp; chú trọng việc phát hiện, nêu gương điển hình trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.
- Nghiêm túc thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên: quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; hành động nhất quán của các cấp, các ngành; đồng thời quan tâm tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chủ rừng khi thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên.
- Kiểm tra, rà soát việc thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức thực hiện công tác tu sửa hoặc làm mới đường băng cản lửa và có phương án chữa cháy rừng cụ thể, phù hợp với từng khu vực, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; trường hợp đám cháy vượt quá khả năng kiểm soát, báo cáo về Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo (Chi cục Kiểm lâm)(2) để báo cáo cấp thẩm quyền huy động lực lượng ứng cứu kịp thời.
- Đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng; phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Thủ trưởng các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh:
- Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; tổ chức lực lượng tuần tra đủ mạnh để trấn áp các đối tượng vi phạm. Định kỳ hàng quý, lựa chọn thời điểm phù hợp để tổ chức các đợt ra quân tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; trước mắt trong quý I năm 2021 tổ chức ra quân trước, trong và sau dịp Tết nguyên đán và kéo dài đến hết tháng 02 năm 2021. Bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ tại các vị trí ra vào rừng, các kho bãi và xưởng chế biến gỗ trên địa bàn quản lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 10 tháng 3 năm 2020.
- Tổ chức rà soát, lập chốt, trạm bảo vệ rừng ở các vùng, khu vực xung yếu, tuyến biên giới, tuyến giao thông trọng điểm thường xảy ra vi phạm nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn. Khuyến khích tiếp tục chủ động, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, khu vực; giảm đến mức thấp nhất số vụ và mức độ thiệt hại.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, truy quét, triệt phá các tụ điểm phá rừng, khai thác rừng trái phép trên địa bàn, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp; kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.
- Quán triệt, nghiêm túc tổ chức xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân trực thuộc khi để xảy ra các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng trên địa bàn quản lý; đặc biệt là việc buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và tiếp tay cho các đối tượng phá rừng trái phép.
3. Công an tỉnh:
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án khởi tố hình sự trong lƿnh vực lâm nghiệp để sớm đưa ra xét xử theo quy định, tăng cường tính răn đe, giáo dục của pháp luật và phòng ngừa tội phạm.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch chuyên đề xử lý dứt điểm tình trạng các đối tượng sử dụng phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện lưu hành (kể cả đường thủy và đường bộ), xe độ chế tham gia vận chuyển lâm sản trái phép; mục tiêu đến hết năm 2021 không còn tình trạng xe độ chế vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan khẩn trương thống kê, đánh giá tình hình hoạt động của các xưởng chế biến, các cơ sở mộc dân dụng trên địa bàn, xây dựng lộ trình di dời toàn bộ các cơ sở này vào hoạt động tập trung trong các khu, cụm công nghiệp theo quy định.