Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2020 về đẩy mạnh công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Phú Yên

Số hiệu 01/CT-UBND
Ngày ban hành 17/01/2020
Ngày có hiệu lực 17/01/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Phạm Đại Dương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Phú Yên, ngày 17 tháng 01 năm 2020

 

CHỈ THỊ

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIA ĐÌNH VÀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

Trong những năm qua công tác gia đình nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức về công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình đã có chuyển biến tích cực, số vụ bạo lực gia đình trên toàn tỉnh giảm đáng kể; công tác giáo dục đời sống, truyền thống gia đình, bảo vệ trẻ em, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, bình đẳng giới được quan tâm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển ngày càng sâu rộng, tỷ lệ gia đình văn hóa được nâng cao về chất và số lượng; bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; các hủ tục lạc hậu trong đời sống, sinh hoạt gia đình đang dần được loại bỏ; các chính sách giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công, người cao tuổi được quan tâm thực hiện. Kinh tế gia đình không ngừng phát triển, sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao đã góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương, số vụ bạo lực gia đình tuy có giảm nhưng tính chất ngày càng phức tạp; mô hình gia đình truyền thống dần bị mai một, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của từng gia đình và xã hội. Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống ích kỷ, vô cảm đang có biểu hiện gia tăng ở một bộ phận người dân, nhất là trong giới trẻ tình trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, sống chung không đăng ký kết hôn... có chiều hướng gia tăng, tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình. Gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp về công tác gia đình; các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình chưa được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đã được triển khai nhưng một số nơi còn hình thức, chưa mang lại hiệu quả cao. Nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đảng viên và Nhân dân về công tác gia đình, bình đẳng giới còn hạn chế. Việc chăm sóc giáo dục và bảo vệ các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi; vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình, giáo dục trước và sau hôn nhân về kiến thức làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được chú trọng, số vụ ly hôn ngày càng gia tăng. Cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu và hạn chế về năng lực; nhiều vấn đề bức xúc trong các gia đình chưa được phát hiện xử lý kịp thời.

Để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững; Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cấp chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn có trách nhiệm:

- Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/5/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 Hội nghị ln thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” ban hành kèm theo Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 08/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tư 07/2017/TT-BVHTTDL, ngày 29/12/2017 về Quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc tổ chức thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Tập trung các giải pháp duy trì, phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống; khắc phục, ngăn chặn những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống từ trong gia đình; tích cực bảo vệ trẻ em, chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, người già cô đơn không nơi nương tựa.

- Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình với nhiều hình thức phong phú; nâng cao nhận thức cán bộ, nhân dân về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình tiêu biểu, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng gia đình lễ phép, hòa thuận, thương yêu nhau, kính trên nhường dưới, chăm học, chăm làm.

- Lồng ghép công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó nâng cao chất lượng xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, buôn, khu phố văn hóa”; các loại hình phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phát huy, đề cao các chuẩn mực đạo đức về gia đình truyền thống, quan tâm giáo dục đời sống gia đình, giữ gìn các nét đẹp của dòng họ, cộng đồng, nêu cao tinh thần tương thân tương trợ, tình làng nghĩa xóm... nhằm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm đảm bảo thực hiện hiệu quả và bền vững chương trình giảm nghèo nhất là đối với khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

- Bố trí nguồn lực đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu trong việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn tổ chức cán bộ làm công tác gia đình các cấp; đảm bảo về kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác gia đình.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác gia đình trên địa bàn tỉnh. Kịp thời biểu dương những gương điển hình về người tốt, việc tốt trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình, kinh phí tổ chức triển khai các hoạt động công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; hướng dẫn việc thu thập tổng hợp, báo cáo số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, việc tư vấn về gia đình ở cơ sở; theo dõi, đôn đốc công tác triển khai thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

3. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các hoạt động “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình. Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động tín dụng dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng các mô hình hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai việc lồng ghép vào các chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa trong trường học những nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, ứng xử tốt đẹp trong gia đình; kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tuyên truyền bình đẳng giới bảo vệ chăm sóc trẻ em cho học sinh các cấp học.

5. Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định. Đối với các huyện, thị xã, thành phố kinh phí thực hiện công tác gia đình thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành theo Công văn số 355/BTC-HCSN, ngày 10/01/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế và định mức tài chính thực hiện công tác gia đình.

6. Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch lồng ghép tuyên truyền công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các hoạt động tuyên truyền của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

7. Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình.

8. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan truyền thông, hệ thống truyền thanh cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền phổ biến pháp luật về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, lồng ghép nêu gương người tốt, việc tốt trong hoạt động công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tổ chức thực hiện lồng ghép nội dung công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào nội dung tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi; phòng, chống các tệ nạn xã hội vào các chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, giảm nghèo nhanh và bền vững, hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề. Hướng dẫn trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở bảo trợ xã hội... Thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, hành vi bạo lực; kịp thời hỗ trợ tư vấn, tham vấn giúp đỡ nạn nhân nơi trú ẩn an toàn tại các cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định.

10. Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân theo đúng quy định của pháp luật.

11. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Phú Yên xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tăng cường thời lượng đưa tin, phát sóng về công tác gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; ý nghĩa, tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước.

12. Tỉnh đoàn Phú Yên tiếp tục phát động phong trào “Thanh niên Phú Yên sống đẹp, sống có ích”. Triển khai phát động xây dựng gia đình trẻ no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; gia đình trẻ sống tôn trọng, lễ phép, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi. Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Xây dựng lớp thanh niên ứng xử văn hóa trong gia đình, cộng đồng ngoài xã hội với thái độ đúng mực; tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình. Tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trong thanh niên.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân, nhất là đoàn viên, hội viên nam giới thực hiện tốt công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình. Lồng ghép tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới vào các hoạt động của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

14. Hàng năm Ủy ban nhân dân các cấp bố trí kinh phí cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Đưa nội dung công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương.

15. Chế độ thông tin, báo cáo.

- Định kỳ 6 tháng (trước ngày 25 tháng 6), cuối năm (trước ngày 25 tháng 12) các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Chỉ thị về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để tổng hợp.

[...]