Chỉ thị 01/CT-UB năm 1998 về tăng cường quản lý hoạt động tư vấn, dịch vụ pháp lý trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Số hiệu | 01/CT-UB |
Ngày ban hành | 08/01/1998 |
Ngày có hiệu lực | 08/01/1998 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Trần Văn Cồn |
Lĩnh vực | Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UB |
Bến Tre, ngày 08 tháng 01 năm 1998 |
CHỈ THỊ
“V/V TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN, DỊCH VỤ PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE”
Trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, yêu cầu tư vấn pháp luật là nhu cầu khách quan và ngày càng phát triển. Để đáp ứng nhu cầu đó, Nhà nuớc ta đã cho phép thành lập Đoàn luật sư theo Pháp lệnh tổ chức Luật sư và ngày 06 tháng 9 năm 1997 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số: 739/TTg “ V/v thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp”.
Đối với các tổ chức tư vấn pháp luật, ngày 24 tháng 12 năm 1997 Bộ Tư pháp có Thông tư số 1119/PLTPR “Hướng dẫn về thủ tục thành lập, tiêu chuẩn người làm dịch vụ pháp lý” với tính chất hoạt động mang tính phục vụ. Khi bước sang cơ chế thị trường, những tổ chức tư vấn pháp luật cũng chuyển sang kinh doanh và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, trong khi đó Nhà nước ta lại chưa có những qui định mới điều chỉnh kịp thời về tổ chức và hoạt động nên ngày 29-9-1995 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 620/TTg “V/v tăng cường quản lý hoạt động tư vấn pháp luật” trong khi đó chỉ đạo: “Tạm ngưng việc cấp giấy phép thành lập công ty luật, văn phòng tư vấn pháp luật, và các tổ chức tư vấn pháp luật khác…”
Đối với việc hoạt động tư vấn pháp luật của cá nhân: Từ trước đến nay Nhà nước ta chưa có văn bản nào qui định cho phép cá nhân hành nghề tư vấn pháp luật.
Tại tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Đoàn luật sư năm 1998 và chuẩn bị cho ra đời Trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí Nhà nước thuộc Sở Tư pháp để đi vào hoạt động từ năm 1998. Còn các tổ chức cá nhân khác hoạt động tư vấn pháp luật đều chưa được UBND tỉnh cho phép. Nhưng trong thực tế, thời gian qua tại tỉnh Bến Tre đã có một số cá nhân không thuộc tổ chức nào đã công nhiên hành nghề tư vấn pháp luật dưới danh nghĩa luật gia. Số người này vừa làm tư vấn, vừa làm dịch vụ pháp lý và cả hợp thức hoá thủ tục để thực hiện bào chữa trước toà án.
Việc hành nghề tư vấn pháp luật không có sự quản lý của Nhà nước đã dẫn đến những vấn đề như: Nhà nước không kiểm soát được trình độ pháp lý, phẩm chất đạo đức, ý thức tôn trọng pháp luật của người làm tư vấn pháp luật. Giá cả đặt ra tuỳ tiện, quyền lợi của khách hàng không được bảo vệ khi tư vấn sai hoặc tư vấn không hiệu quả. Đồng thời đã có hiện tượng lợi dụng tư vấn pháp luật để làm những việc có tính chất môi giới, xúi giục kiện tụng, lừa đảo khách hàng, mua chuộc cán bộ để thu lợi bất chính. Tình trạng này gây thiệt thòi cho người dân và ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan Nhà nuớc.
Để tăng cường quản lý hoạt động tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh, đảm bảo trật tự quản lý Nhà nước trong hoạt động này, UBND tỉnh chỉ thị:
1) Ngành Tư pháp tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan và các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến, hướng dẫn rộng rãi về thủ tục thẩm quyền giải quyết các vụ việc hành chính, dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hộ tịch, hộ khẩu, công chứng, thi hành án, giám định tư pháp, lý lịch tư pháp…cho nhân dân nắm để khi có công việc đến liên hệ trực tiếp các cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết, giải quyết không phải qua trung gian tư vấn, dịch vụ. Tránh phiền hà, tốn kém cho người dân.
2) Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Sở Tư pháp và các cơ quan hữu quan nhanh chóng tạo điều kiện để Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đi vào hoạt động sớm để đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp lý cho nhân dân. Cần tuyên truyền rộng rãi về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và phuơng thức trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước cho nhân dân biết để liên hệ yêu cầu giúp đỡ về mặt pháp lý.
3) Cá nhân tổ chức khi chưa có giấy phép hoạt động tư vấn pháp luật thì không được hành nghề tuỳ tiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre .
Cơ quan và cán bộ nhân viên có thẩm quyền giải quyết các công việc cho cá nhân, tổ chức cần phải giải quyết yêu cầu trực tiếp của đương sự và người đại diện hợp pháp, không phải giải quyết công việc thông qua người môi giới, trung gian làm dịch vụ pháp lý.
Nếu tổ chức hoặc cá nhân nào có trách nhiệm giải quyết công việc cho nhân dân mà tạo điều kiện cho người làm dịch vụ pháp lý trái phép thì cơ quan chủ quản kiên quyết kiểm điểm xử lý.
4) Các cơ quan, tổ chức có chức năng giải quyết các yêu cầu của công dân như: UBND các cấp, Thanh tra, Xây dựng, Nhà đất, Địa chính, Công chứng hộ tịch v.v… cố gắng cải tiến phương thức làm việc, hướng dẫn đầy đủ thủ tục cho nhân dân, niêm yết công khai thủ tục, mức thu lệ phí (nếu cơ quan Nhà nước có thu lệ phí) của từng loại vụ việc để tránh gây phiền hà khó khăn cho người dân.
5) Sở Tư pháp cần tăng cường theo dõi, nắm tình hình nếu phát hiện trường hợp hành nghề tư vấn trái phép cần lập hồ sơ báo cáo cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý.
- Những trường hợp lợi dụng có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tiền bạc của nhân dân đều phải chuyển cho cho cơ quan pháp luật xử lý nghiêm.
- Chính quyền, đoàn thể xã, phường, thị trấn, tổ chức nhân dân tự quản cần tăng cường công tác hoà giải, tuyên truyền giáo dục cho người dân ở cơ sở đoàn kết thiện chí để giải quyết những mâu thuẫn, tôn trọng pháp luật. Những trường hợp cần chuyển hồ sơ vụ việc về cấp trên giải quyết, nên hướng dẫn giúp đỡ cho đương sự đi đúng cơ quan cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền giải quyết.
Khi phát hiện có trường hợp móc nối làm dịch vụ, xúi giục thưa kiện thiếu căn cứ cần có biện pháp ngăn chặn ngay.
Trên đây là một số vấn đề UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan tổ chức các cấp và nhân dân trong tỉnh thực hiện trong khi pháp luật chưa có những qui định đầy đủ về hoạt động tư vấn pháp lý để tránh những thiệt thòi cho nhân dân khi có yêu cầu giải quyết công việc. Đồng thời đây cũng là một yêu cầu của công tác cải cách thủ tục hành chính tỉnh nhà./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |