Chế độ số 254-TCTK/TN về việc báo cáo tổng kiểm kê tồn kho hàng hóa hàng năm vào 0 giờ ngày 01 tháng 01 và 0 giờ ngày 01 tháng 7 do Tổng cục Thống kê ban hành

Số hiệu 254-TCTK/TN
Ngày ban hành 22/03/1967
Ngày có hiệu lực 01/04/1967
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tổng cục Thống kê
Người ký Nguyễn Quang Hiền
Lĩnh vực Thương mại,Kế toán - Kiểm toán

TỔNG CỤC THỐNG KÊ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 254-TCTK/TN

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 1967

 

CHẾ ĐỘ

BÁO CÁO TỔNG KIỂM KÊ TỒN KHO HÀNG HÓA HÀNG NĂM VÀO 0 GIỜ NGÀY 01 THÁNG 01 VÀ 0 GIỜ NGÀY 01 THÁNG 7

Căn cứ nghị định số 27-CP ngày 22-2-1962 của Hội đồng Chính phủ quy định các nguyên tắc về việc lập và ban hành các chế độ, biểu mẫu báo cáo thống kê và phương án điều tra;
Căn cứ nghị quyết số 86-CP ngày 9-5-1966 của Hội đồng Chính phủ về việc nắm chắc hàng hóa tồn kho;
Căn cứ chỉ thị số 150-TTg/TN ngày 8-12-1965 và chỉ thị số 95-TTg/TN ngày 7-6-1966 về việc tổng kiểm kê tồn kho vật tư, hàng hoá vào 0 giờ ngày 01 tháng 01 và 0 giờ ngày 01 tháng 7 năm 1966;
Căn cứ chỉ thị số 203-TTg/TN ngày 21-11-1966 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiến hành hàng năm 2 cuộc tổng kiểm kê tồn kho vật tư hàng hoá vào thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 01 và 0 giờ ngày 01 tháng 7.

Nay Tổng cục Thống kê ban hành chế độ biểu mẫu báo cáo tổng kiểm kê tồn kho hàng hóa vào 0 giờ ngày 01 tháng 01 và 0 giờ ngày 01 tháng 7 hàng năm cho các ngành làm nhiệm vụ kinh doanh thương nghiệp từ trung ương đến cơ sở.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA CHẾ ĐỘ BÁO CÁO TỔNG KIỂM KÊ TỒN KHO HÀNG HOÁ

Nắm chắc được lực lượng hàng hóa tồn kho một cách cụ thể và chính xác để có kế hoạch dự trữ, điều hoà phân phối hàng hóa phục vụ kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu và đảm bảo đời sống nhân dân. Đồng thời cũng có những căn cứ để lập các kế hoạch sản xuất ở trong nước và xuất, nhập khẩu.

Tăng cường công tác bảo quản kho tàng, bảo vệ hàng hoá, quản lý chặt chẽ vốn của Nhà nước ngăn ngừa tình trạng để tài sản bị hư hại, thất lạc, đánh cắp, hoặc bị tổn thất vì địch hoạ, thiên tai, tai nạn bất ngờ do thiếu trách nhiệm, tổ chức bảo quản không chu đáo; khắc phục hiện tượng ứ đọng hoặc thiếu vốn trong kinh doanh.

Thúc đẩy việc tăng cường công tác hạch toán và thống kê về tình hình hàng hóa đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ báo cáo thống kê về tồn kho hàng hóa.

II. NỘI DUNG TỔNG KIỂM KÊ

Qua cuộc tổng kiểm kê tồn kho hàng hoá định kỳ 6 tháng và hai năm phải phản ánh được các chỉ tiêu sau đây:

1. Tổng trị giá hàng hóa tồn kho.

2. Số lượng tồn kho của những mặt hàng chủ yếu,

3. Chất lượng hàng hoá tồn kho.

4. Hàng hóa ứ đọng;

5. Hàng hóa đang trên đường đi,

6. Chênh lệch giữa tồn kho thực tế và tồn kho trên sổ sách.

7. Đối chiếu giữa trị giá hàng hóa tồn kho thực tế với số tiền vốn dự trữ hàng hoá đã được Nhà nước cấp và cho vay.

III. PHẠM VI TỔNG KIỂM KÊ

1. Chế độ báo cáo tổng kiểm kê tồn kho hàng hóa 6 tháng và năm áp dụng cho tất cả các Bộ, Tổng cục có kinh doanh thương nghiệp, các tổ chức thương nghiệp ở các cấp từ trung ương đến cơ sở thuộc khu vực kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh và hợp tác xã mua bán, cụ thể là kiểm kê toàn bộ hàng hóa tồn kho ở các kho của Nhà nước, kho gửi trong nhân dân, ở các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, trạm thu mua, các cơ sở gia công tự sản xuất chế biến, các trại chăn nuôi (cả lợn ký gửi trong nhân dân) và hàng hóa đang trên đường đi của các ngành thương nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã mua bán và dược xá ở xã (chỉ kiểm kê hàng hóa do hợp tác xã mua bán xã làm đại lý bán lẻ hàng công nghiệp và nhận ủy thác thu mua nông sản cho mậu dịch quốc doanh) thuộc các ngành nội thương, ngoại thương, lương thực, y tế, tư liệu sản xuất nông nghiệp và văn hóa.

2. Không thuộc phạm vi tổng kiểm kê, những hàng hóa tự kinh doanh tồn kho của hợp tác xã mua bán xã, những hàng hóa tồn kho của thương nghiệp tư nhân và của các cơ quan, đơn vị tiêu dùng.

IV. PHƯƠNG PHÁP TỔNG KIỂM KÊ

Thống nhất áp dụng phương pháp kiểm kê thực tế, nghĩa là phải trực tiếp cân, đong, đo, đếm lại.

Riêng đối với những hàng hóa cồng kềnh như lương thực, muối,… mà những kho lớn còn nguyên vẹn và sổ sách ghi chép tốt thì không cần đong lại toàn bộ mà phải kiểm tra tại chỗ, bảo đảm tồn kho thực tế.

Đối với những hàng hóa khác còn nguyên đai, nguyên kiện, nguyên hòm… mà ngành thương nghiệp mới nhập kho, không có nghi ngờ gì thì có thể kiểm tra điển hình (khoảng 5% khối lượng hàng hóa tồn kho đó), để đánh giá số lượng và phẩm chất cho chính xác.

Để tránh trùng sót trong lúc kiểm kê, ghi báo, hàng hóa thuộc thẩm quyền sở hữu (kể cả hàng ký gửi) của ngành, đơn vị nào, thì ngành, đơn vị đó chịu trách nhiệm theo dõi kiểm kê và ghi báo. Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt chú trọng hàng hóa còn đang trên đường đi (số lượng hàng hiện đang trên đường đi rất lớn) nằm rải rác ở các trạm trung chuyển, các bến ga, bến cảng, ở đoàn vận tải chủ lực, ở hệ thống giao thông vận tải…

Đối với hàng hóa đang trên đường đi, nếu bên bán gửi hàng cho bên mua, nhưng chưa nhận được điện báo nhận hàng của bên mua, thì bên bán phải ghi là hàng đang trên đường đi. Trường hợp nếu là hàng hoá mà bên mua phải ghi báo là hàng đang trên đường đi của mình. Trong điều kiện chiến sự, giao thông vận chuyển khó khăn, hai bên mua bán phải liên hệ chặt chẽ với các cơ quan vận tải để nắm kịp thời số hàng hóa đang trên đường đi bị thiệt hại về chiến tranh.

Các Bộ, các ngành, các đơn vị cơ sở mua bán với nhau cũng phải tăng cường liên hệ chặt chẽ với nhau để tránh trùng, sót trong lúc kiểm kê và ghi báo.

Các đơn vị vận tải có nhiệm vụ điện báo gấp số hàng bị thiệt hại do địch phá hoại cho đơn vị gửi hàng. Các đơn vị mua hàng khi nhận được hàng có nhiệm vụ điện báo gấp cho đơn vị bán hàng để tránh trùng, sót trong lúc kiểm kê và ghi báo. Nếu đơn vị bán nhận được điện chậm ngày thì cũng phải báo cáo cho cơ quan quản lý cấp trên biết để điều chỉnh số liệu.

[...]