Các tuyên bố và các quyết định của các bộ trưởng

Số hiệu Khôngsố3
Ngày ban hành 22/02/1994
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại

CÁC TUYÊN BỐ VÀ CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA CÁC BỘ TRƯỞNG

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CÁC BIỆN PHÁP ƯU ĐÃI CHO CÁC NƯỚC CHẬM PHÁT TRIỂN NHẤT

Các Bộ trưởng,

Thừa nhận hoàn cảnh khó khăn của các nước chậm phát triển nhất và sự cần thiết đảm bảo việc tham gia có hiệu quả của họ vào hệ thống thương mại thế giới, và thực hiện tiếp các biện pháp nhằm cải thiện các cơ hội thương mại của họ;

Thừa nhận những nhu cầu cụ thể của các nước kém phát triển nhất trong lĩnh vực tiếp cận thị trường khi việc tiếp cận thị trường một cách ưu đãi vẫn còn là cách cần thiết để cải thiện các cơ hội thương mại của họ.

Khẳng định lại những cam kết của mình thực hiện đầy đủ các điều khoản liên quan đến các nước chậm phát triển nhất được đề cập trong đoạn 2(d), 6, 8 của quyết định ngày 28.11.79 về Sự Đãi ngộ Khác biệt và Thuận lợi hơn, tương hỗ và Sự Tham gia Đầy đủ hơn của các Nước Đang Phát triển;

Chú trọng đến cam kết của các bên tham gia như được nêu trong Mục B (vii) Phần I của Tuyên bố Punta del Este của các Bộ trưởng;

1. Quyết định rằng, nếu như chưa có quy định trong những văn kiện đã được đàm phán trong tiến trình của Vòng Uruguay, cho dù họ đã chấp thuận những văn kiện này, các nước chậm phát triển nhất, và chừng nào mà họ vẫn còn thuộc nhóm những nước chậm phát triển, trong khi tuân thủ các qui tắc chung trong các văn kiện đã nói ở trên, sẽ chỉ bị yêu cầu thực hiện các cam kết và nhượng bộ trong phạm vi phù hợp với sự phát triển của từng nước, với các nhu cầu thương mại và tài chính, hoặc năng lực thể chế và quản lý hành chính của họ. Các nước chậm phát triển nhất sẽ được gia hạn thêm một năm từ ngày 15/4/1994 để đệ trình các danh mục của họ theo yêu cầu ở Điều XI của Hiệp định Thành lập WTO.

2. Thoả thuận rằng:

(i) Sẽ đảm bảo khẩn trương thực hiện tất cả các biện pháp khác biệt và đặc biệt ưu đãi dành cho các nước chậm phát triển nhất, gồm cả các biện pháp được thoả thuận Vòng Uruguay, thông qua, trong nhiều biện pháp khác, việc rà soát thường xuyên.

(ii) Trong phạm vi có thể, các nhượng bộ MFN về các biện pháp thuế quan và phi thuế quan đã thoả thuận trong vòng đàm phán Uruguay đối với các sản phẩm được các nước chậm phát triển quan tâm xuất khẩu nhất có thể được thực hiện một cách chủ động, tiến hành trước hạn và không đợi đến giai đoạn. Sẽ cân nhắc nhằm cải thiện hơn nữa hệ thống ưu đãi phổ cập và những chương trình ưu đãi khác đối với các sản phẩm xuất khẩu được các nước chậm phát triển nhất đặc biệt quan tâm.

(iii) Các quy tắc được quy định trong các hiệp định và văn kiện và điều khoản chuyển tiếp trong Vòng Uruguay sẽ được áp dụng một cách có tính hậu thuẫn và linh hoạt với các nước chậm phát triển nhất. Với ý định đó, cần xem xét một cách cảm thông đối với các mối quan tâm đặc thù và có động cơ được các nước chậm phát triển nhất nêu lên trong các Uỷ ban và Hội đồng thích hợp.

(iv) Trong việc áp dụng các biện pháp giảm nhẹ gánh nặng nhập khẩu và các biện pháp khác đã được đề cập đến trong đoạn 3(c) của Điều XXXVII của GATT 1947 và điều khoản tương ứng của GATT 1994, cần cân nhắc đặc biệt đến các lợi ích xuất khẩu của các nước chậm phát triển nhất.

(v) Các nước chậm phát triển sẽ được hưởng sự trợ giúp kỹ thuật nhiều hơn nữa trong việc phát triển, tăng cường và đa dạng hóa sản xuất và cơ sở xuất khẩu, kể cả các cơ sở xuất khẩu dịch vụ, cũng như trong xúc tiến thương mại, để họ có thể tối đa hóa các lợi ích từ việc tự do tiếp cận các thị trường.

3. Thoả thuận duy trì việc rà soát các nhu cầu riêng của các nước chậm phát triển nhất và tiếp tục tìm cách áp dụng các biện pháp tích cực để tạo thuận lợi cho việc phát triển các cơ hội thương mại ưu đãi cho các nước đó.

TUYÊN BỐ

VỀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI VÀO VIỆC ĐẠT ĐƯỢC SỰ NHẤT QUÁN HƠN TRONG HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH KINH TẾ TOÀN CẦU

1. Các Bộ trưởng thừa nhận rằng toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đã dẫn tới sự tương tác ngày càng tăng giữa các chính sách kinh tế riêng của mỗi nước, kể cả sự tương tác giữa các khía cạnh về cấu trúc, kinh tế vĩ mô, thương mại, tài chính và khía cạnh phát triển của việc hoạch định chính sách kinh tế. Nhiệm vụ trong việc đạt được sự hài hoà giữa các chính sách này trước tiên thuộc về các chính phủ ở tầm quốc gia, nhưng sự nhất quán trên phương diện quốc tế là yếu tố quan trọng và có giá trị làm tăng hiệu quả của những chính sách này ở tầm quốc gia. Những Hiệp định đạt được tại Vòng Uruguay cho thấy rằng tất cả các chính phủ tham gia thừa nhận sự đóng góp của các chính sách thương mại thông thóang với sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh nền kinh tế của chính mình và nền kinh tế thế giới nói chung.

2. Sự hợp tác thành công trong lĩnh vực chính sách kinh tế sẽ đóng góp vào sự tiến bộ của những lĩnh vực khác. Sự ổn định hơn của tỉ giá hối đoái, dựa trên các điều kiện kinh tế và tài chính có trật tự hơn, sẽ góp phần vào việc mở rộng thương mại, tăng trưởng và phát triển bền vững, và điều chỉnh sự mất cân bằng đối ngoại. Cũng còn có nhu cầu về đầu tư tài chính có ưu đãi và không ưu đãi, thích hợp và đúng lúc và với nguồn đầu tư thực tế cho các nước đang phát triển và nhu cầu tiếp tục cố gắng để giải quyết vấn đề nợ, để góp phần đảm bảo tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tự do hóa thương mại tạo nên nhân tố ngày càng quan trọng trong sự thành công của những chương trình điều chỉnh đang được nhiều nước thực hiện, thường làm phát sinh chi phí xã hội chuyển đổi lớn. Ngoài ra, các Bộ trưởng ghi nhận vai trò của Ngân hàng Thế giới và Quĩ tiền tệ quốc tế trong việc hỗ trợ sự điều chỉnh hướng tới tự do hóa thương mại, bao gồm cả việc hỗ trợ các nước đang phát triển thuần nhập khẩu lương thực đang phải đối mặt với các chi phí ngắn hạn phát sinh từ các cải cách thương mại trong nông nghiệp.

3. Kết quả tích cực của Vòng đàm phán Uruguay là đóng góp quan trọng cho sự nhất quán và hoàn thiện hơn nữa các chính sách kinh tế quốc tế. Các kết quả của Vòng Uruguay đảm bảo mở rộng việc tiếp cận thị trường có lợi cho tất cả các nước, cũng như đảm bảo có một khung khổ vững mạnh hơn của các nguyên tắc thương mại đa biên. Các kết quả đó cũng đảm bảo rằng chính sách thương mại sẽ được tiến hành một cách minh bạch hơn và cùng với nhận thức rõ hơn các lợi ích của một môi trường thương mại mở với năng lực cạnh tranh quốc nội. Hệ thống thương mại đa biên vững mạnh hơn xuất hiện từ Vòng Uruguay có khả năng tạo ra một diễn đàn tốt hơn cho tiến trình tự do hóa, góp phần giám sát có hiệu quả hơn, và đảm bảo sự tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc và các qui tắc đa biên đã được thoả thuận. Những cải thiện này có nghĩa là trong tương lai chính sách thương mại có thể đóng một vai trò quan trọng hơn nữa trong việc đảm bảo sự nhất quán của việc hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu.

4. Tuy nhiên, các Bộ trưởng thừa nhận rằng những khó khăn có nguồn gốc nằm ngoài lĩnh vực thương mại không thể giải quyết được thông qua các biện pháp được thực hiện trong lĩnh vực thương mại mà thôi. Điều này làm giảm tầm quan trọng của các nỗ lực nhằm cải thiện các yếu tố khác của việc hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu để bổ xung cho việc thực hiện hữu hiệu những kết quả đã đạt được tại Vòng đàm phán Uruguay.

5. Mối liên hệ giữa các khía cạch khác nhau của chính sách kinh tế đòi hỏi các thiết chế quốc tế có trách nhiệm trong mỗi lĩnh vực cần tuân theo các chính sách nhất quán và tương hỗ. Do đó, Tổ chức Thương mại Thế giới nên theo đuổi và phát triển sự hợp tác với các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính và tiền tệ, trong khi phải tôn trọng thẩm quyền, những yêu cầu về giữ bí mật và quyền tự chủ cần thiết trong thủ tục ban hành quyết định của mỗi tổ chức, và tránh áp đặt với các chính phủ các điều kiện chéo và điều kiện bổ xung. Các Bộ trưởng mời Tổng Giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới cùng với Giám đốc Điều hành của Quĩ tiền tệ quốc tế và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, rà soát về trách nhiệm của Tổ chức Thương mại Thế giới đối với sự hợp tác với các thiết chế thuộc hệ thống Bretton Wood, cũng như hình thức hợp tác cần tiến hành đó, nhằm mục đích đạt được sự nhất quán hơn nữa trong hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu.

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CÁC THỦ TỤC THÔNG BÁO

Các Bộ trưởng,

 Quyết định khuyến nghị Hội nghị các Bộ trưởng thông qua các với quyết định về việc bổ xung và rà soát lại các thủ tục thông báo được trình bày dưới đây:

Các Thành viên,

 Mong muốn cải tiến hoạt động tác nghiệp trong thủ tục thông báo theo Hiệp định Thành lập WTO (dưới đây gọi là Hiệp định WTO), và bằng cách đó góp phần làm minh bạch các chính sách thương mại của các Thành viên và giám sát có hiệu qủa các thoả thuận được lập ra nhằm mục đích đó;

 Khẳng định lại các nghĩa vụ theo Hiệp định WTO phải công bố và thông báo, kể cả những nghĩa vụ cam kết theo các điều kiện của nghị định thư gia nhập cụ thể, miễn trừ, và các hiệp định khác mà các Thành viên đã tham gia.

[...]