Báo cáo số 85/BC-CP về việc giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do Chính phủ ban hành

Số hiệu 85/BC-CP
Ngày ban hành 31/05/2008
Ngày có hiệu lực 31/05/2008
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/BC-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2008

 

BÁO CÁO GIẢI TRÌNH VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG

(tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII)

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thưa đồng bào cả nước,

Thay mặt Chính phủ, tôi chân thành cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội, đồng chí, đồng bào, các cơ quan thông tin đại chúng đã bày tỏ sự nhất trí với báo cáo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc thêm thực trạng tình hình và nguyên nhân, chỉ rõ thêm nhiệm vụ và nêu thêm những biện pháp cụ thể. Một số ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ trong quản lý điều hành; yêu cầu Chính phủ trình bày rõ thêm cơ sở của việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng và lạm phát; tiết kiệm chi tiêu ngân sách, cắt giảm đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư; giảm nhập siêu; chính sách tiền tệ và quản lý ngân hàng thương mại; làm rõ việc các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước đầu tư kinh doanh ngoài chức năng chính; việc bảo đảm an ninh lương thực và cải thiện đời sống nông dân; điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu; việc bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội cho người nghèo, người lao động và cán bộ, nhân viên có thu nhập thấp; cải cách hành chính và chống tham nhũng...

Chính phủ xin trân trọng tiếp thu những ý kiến rất xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, của đồng chí, đồng bào. Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện có kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội thông qua.

Tại kỳ họp này đã có 132 đại biểu Quốc hội gửi 297 chất vấn đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao trả lời bằng văn bản tất cả các chất vấn và gần 2 ngày qua đã có 5 vị Bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội tại hội trường. Thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo giải trình thêm về một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng chí, đồng bào cả nước quan tâm, chất vấn.

I. MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 5 VÀ 5 THÁNG ĐẦU NĂM

Kinh tế tháng 5 tiếp tục đà phát triển khá, một số lĩnh vực có tiến bộ. Vụ lúa Đông Xuân phía Nam thu hoạch tăng cả về năng suất (3,7%) và sản lượng (5,8%); lúa Đông Xuân phía Bắc đang phát triển tốt; diện tích cây lương thực và rau màu cả nước tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn giảm 3% do dịch tai xanh, nhưng đàn bò đã tăng 3%, đàn gia cầm tăng 6%. Sản lượng thuỷ sản tháng 5 tăng 8,1% so với cùng kỳ. Giá trị sản lượng công nghiệp tháng 5 tăng khoảng 3,4% so với tháng 4, tính chung 5 tháng đầu năm tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2007. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao; có 130 dự án được cấp phép với tổng số vốn đăng ký trên 7,4 tỷ USD, đưa tổng số dự án được cấp phép 5 tháng đầu năm nay lên 324 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 14,7 tỷ USD, tăng 160% so với 5 tháng đầu năm 2007. Giá trị xuất khẩu 5 tháng của hầu hết mặt hàng đều tăng, tổng kim ngạch ước đạt 23,4 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu tháng 5 ước giảm trên 200 triệu USD so với tháng 4, nên nhập siêu tháng 5 là 55,3%, tuy vẫn cao nhưng đã giảm so với mức nhập siêu tháng 4 (64,7%). Dịch vụ, du lịch cũng đạt mức tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 5 tháng tăng 29,7% so với cùng kỳ.

Các hoạt động khoa học công nghệ, văn hoá xã hội, xoá đói giảm nghèo tiếp tục được triển khai theo đúng tiến độ chương trình, kế hoạch cả năm.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn nổi lên 2 vấn đề lớn; một là, giá tiêu dùng tăng cao, làm cho đời sống của người nghèo, người có thu nhập thấp khó khăn, thiếu đói ở một số địa phương tăng lên; hai là, nhập siêu vẫn còn lớn, đe doạ sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Về giá cả thị trường trong nước: hầu hết giá các nhóm hàng hoá và dịch vụ tháng 5 đã giảm nhẹ hoặc chỉ tăng ở mức 0,3% đến dưới 2%, riêng giá lương thực tăng đột biến tới 22,19%, làm cho giá tiêu dùng tháng 5 tăng cao trở lại (3,91%) sau 2 tháng đã giảm nhẹ (tháng 3: 2,99%, tháng 4: 2,2%) và giá tiêu dùng 5 tháng tăng 19,09% so với cùng kỳ. Giá lương thực tăng cao chủ yếu do giá lương thực thế giới tăng mạnh, kéo theo giá trong nước tăng lên; ngoài ra, những thông tin thất thiệt và hiện tượng đầu cơ trong những ngày cuối tháng 4 ở một số địa phương cũng góp phần làm giá lương thực tăng đột biến.

Về tình hình thiếu đói: theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 21 tháng 5 năm 2008, cả nước có 181.600 hộ thiếu đói, với 766.900 nhân khẩu, chiếm 1,6% số hộ, 1,5% số nhân khẩu nông nghiệp cả nước, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do hậu quả của bão lũ cuối năm 2007, của rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm 2008 và nay đang là thời điểm giáp hạt. Đã chuyển 23 nghìn tấn lương thực và 9,3 tỷ đồng tới các hộ thiếu đói. Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình này, tập trung đẩy nhanh việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất kết hợp với hỗ trợ thiết thực, kiên quyết không để người dân nào bị đói.

Bằng những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong 5 tháng đầu năm tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung vẫn ổn định, một số mặt đạt được kết quả khá. Những kết quả của 5 tháng đầu năm nay tạo thêm cho chúng ta lòng tin để phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

II. VỀ ĐIỀU CHỈNH CHỈ TIÊU TĂNG TRƯỞNG GDP VÀ CHỈ SỐ LẠM PHÁT NĂM 2008

1. Về điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP

Như đã báo cáo trước Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm cho thấy, việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 8,5 - 9% và phấn đấu cao hơn đã đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 là không hiện thực. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2008 là khoảng 7%. Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc điều chỉnh này, nhưng kiến nghị làm rõ căn cứ xác định mức điều chỉnh cụ thể; một số ý kiến đề nghị giữ nguyên chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm. Chính phủ xin trình bày thêm như sau:

- Tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu tổng hợp, đo lường kết quả phát triển kinh tế trong kỳ kế hoạch. Đây là chỉ tiêu định hướng, nhưng là căn cứ quan trọng để xác định chính sách, phân bổ nguồn lực và để tính toán các chỉ tiêu khác trong kế hoạch phát triển, do vậy là cơ sở quan trọng trong điều hành kinh tế - xã hội của đất nước. 

- Thực hiện nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, chúng ta phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt (hạn chế mức tăng của tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng); rà soát điều chỉnh đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và tiết kiệm chi tiêu ngân sách; dành thêm ngân sách cho các nhiệm vụ an sinh xã hội. Những biện pháp này làm giảm nguồn lực cho tăng trưởng. Ngoài ra, do giá cả thị trường thế giới tăng cao làm chi phí đầu vào tăng lên trong khi giá đầu ra chưa tăng tương ứng; kinh tế của các đối tác thương mại chính của Việt Nam suy giảm làm cho xuất khẩu của ta gặp khó khăn, đầu tư gián tiếp từ nước ngoài có phần giảm sút..., cũng làm giảm mức tăng trưởng. Mặc dù GDP quý I tăng 7,4% nhưng tốc độ tăng đã chậm lại và thấp hơn nhiều so với nhiệm vụ kế hoạch. Từ tình hình trên, việc giảm tốc độ tăng trưởng là một yêu cầu thực tế và cần thiết.

- Để xác định cụ thể chỉ tiêu tăng trưởng năm 2008 theo tinh thần kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng bền vững, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương) phối hợp với một số cơ quan trong nước và tổ chức quốc tế tính toán các khả năng tăng trưởng theo 3 phương án. Kết quả: mức tăng trưởng theo phương án cơ bản là 7,2%, phương án cao là 7,6% và phương án thấp là 6,7%. 

Sau khi cân nhắc các mặt, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét chấp nhận mức tăng GDP năm 2008 khoảng 7%. Mức tăng này cũng tương đương với dự báo của một số tổ chức quốc tế về tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước ta năm 2008 và phù hợp với xu thế giảm chỉ tiêu tăng trưởng ở nhiều nước trên thế giới từ 0,5 đến 2% trước tình hình lạm phát và giá cả thế giới tăng cao như hiện nay.

Điều quan trọng, như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp này là: trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải thường xuyên theo dõi tình hình, cập nhật đầy đủ thông tin, bình tĩnh, thận trọng, phân tích, đánh giá để có phản ứng chính sách thích hợp nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực do những khó khăn mới nẩy sinh; mặt khác, phải nhanh nhạy tận dụng có hiệu quả thời cơ mới xuất hiện để phát huy tốt tiềm năng tăng trưởng của đất nước.

2. Về xác định chỉ số lạm phát năm 2008

Khi thảo luận về tình hình và chỉ tiêu lạm phát năm 2008, nhiều đại biểu đặt ra hai vấn đề lớn: một là, tại sao cùng chịu tác động của thiên tai dịch bệnh, của tăng giá dầu mỏ, tăng giá lương thực, giá các nguyên liệu khác… nhưng lạm phát ở Việt Nam lại cao hơn so với nhiều nước khác; hai là, vì sao Chính phủ đề nghị: tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các giải pháp tổng hợp đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần mà không xác định con số cụ thể. Đây là những câu hỏi quan trọng và rất xác đáng.

- Về những nguyên nhân lạm phát và lạm phát ở nước ta cao hơn nhiều nước, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp này. Tôi xin trình bày thêm như sau:

Một là, do đầu tư kém hiệu quả, làm cho sức cạnh tranh của sản phẩm và của nền kinh tế thấp. Đây là nguyên nhân sâu xa gây lạm phát và đã tồn tại nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.

[...]