Báo cáo 8321/BC-BKHĐT về kết quả Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok (Liên bang Nga) từ ngày 10 đến 13 tháng 9 năm 2023

Số hiệu 8321/BC-BKHĐT
Ngày ban hành 06/10/2023
Ngày có hiệu lực 06/10/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Đỗ Thành Trung
Lĩnh vực Thương mại

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8321/BC-BKHĐT

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2023

 

BÁO CÁO

VỀ KẾT QUẢ ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ THAM DỰ DIỄN ĐÀN KINH TẾ PHƯƠNG ĐÔNG TẠI VLADIVOSTOK (LIÊN BANG NGA) TỪ NGÀY 10 ĐẾN 13 THÁNG 9 NĂM 2023

Kính gửi: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Thực hiện nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao tại văn bản số 3133/VPCP-QHQT ngày 01 tháng 9 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Đoàn công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok (Liên bang Nga) từ ngày 10 đến 13 tháng 9 năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin báo cáo Phó Thủ tướng kết quả chuyến công tác như sau:

1. Mục đích, nội dung làm việc và thành phần Đoàn công tác

Diễn đàn Kinh tế Phương Đồng là một sự kiện kinh tế quan trọng của Liên bang Nga được tổ chức thường niên tại thành phố Vladivostok từ năm 2015 với mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển kinh tế vùng Viễn Đông Nga. Đây là sự kiện có quy mô lớn, thu hút hàng nghìn đại biểu lãnh đạo các nước và doanh nghiệp trên khắp thế giới tham dự.

Năm nay, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 (EEF 2023) được tổ chức từ ngày 10 đến 13 tháng 9 năm 2023 với chủ đề “Con đường dẫn tới mối quan hệ đối tác, hòa bình và thịnh vượng”. Diễn đàn đã thu hút hơn 7.000 đại biểu từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 1.700 đại biểu doanh nghiệp. Hơn 100 sự kiện đã được tổ chức với hơn 750 diễn giả. Một số lượng kỷ lục các thỏa thuận đầu tư, biên bản ghi nhớ và thỏa thuận về ý định hợp tác đã được ký kết tại Diễn đàn. Tổng cộng, 296 thỏa thuận đã được ký kết với tổng trị giá 3 nghìn 272 tỷ rúp, bao gồm các thỏa thuận về các dự án cơ sở hạ tầng và giao thông, khai thác các mỏ khoáng sản lớn, cũng như trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp. (Chi tiết về Diễn đàn tại Phụ lục đính kèm).

Việc Việt Nam cử lãnh đạo tham dự Diễn đàn đã được cam kết tại Biên bản kỳ họp Ủy ban liên chính phủ Việt - Nga lần thứ 24 tổ chức vào tháng 4 năm 2023 tại Hà Nội. Mục đích chính của Đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn là: (1) Tham gia các hội thảo/thảo luận có nội dung liên quan đến hợp tác đầu tư giữa Nga với khu vực ASEAN, phiên họp toàn thể; (2) Trao đổi, chia sẻ thông tin và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tìm hiểu môi trường, chính sách và cơ hội hợp tác đầu tư với vùng Viễn Đông Nga; (3) Trao đổi, tiếp xúc với cơ quan chính quyền địa phương để tạo quan hệ và tìm kiếm khả năng hợp tác đầu tư.

Để chuẩn bị cho chuyến công tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi, phối hợp Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok và Thương vụ Việt Nam tại Vladivostok để xây dựng chương trình làm việc, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung làm Trưởng đoàn với sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cán bộ Lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok và Thương vụ Việt Nam tại Vladivostok cùng tham gia các hoạt động của Đoàn.

2. Kết quả làm việc của Đoàn công tác

2.1. Tham dự các cuộc thảo luận, hội thảo, phiên họp toàn thể

a. Phiên toàn thể:

Phiên toàn thể họp vào chiều ngày 12 tháng 9 với sự hiện diện và phát biểu của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và sự tham dự của lãnh đạo các nước. Phát biểu tại phiên toàn thể, Tổng thống Putin cho biết vùng Viễn Đông chiếm khoảng 40% lãnh thổ Nga, gần một nửa tài nguyên rừng và vàng, hơn 70% sản lượng cá, tài nguyên kim cương và hơn 30% các kim loại titan, đồng... Các doanh nghiệp, cảng biển, tuyến đường sắt chiến lược đặc biệt quan trọng đều đặt tại đây. Vai trò của vùng Viễn Đông đối với quốc gia, vị thế của Nga trên thế giới trong tương lai là rất lớn, do đó, khẳng định việc phát triển khu vực này là ưu tiên của Chính phủ Nga trong thế kỷ 21, là trách nhiệm của toàn bộ chính quyền và cả các doanh nghiệp lớn của Nga (cả tư nhân và nhà nước).

b. Phiên thảo luận với chủ đề: Vùng Viễn Đông mở trong nền kinh tế thế giới: Các thành tựu và kế hoạch tương lai

Phiên thảo luận có bài phát biểu chào mừng của ông Andrey Bystritskiy, Chủ tịch điều hành Quỹ Phát triển và hỗ trợ Valdai Discussion Club1[1], người điều hành là ông Timofei Bordachev, Giám đốc chương trình của Valdai Discussion Club với sự tham dự của các diễn giả/khách mời đến các cơ quan chính phủ của Nga, Mông Cổ, chính quyền vùng Viễn Đông, viện nghiên cứu của Trung Quốc... Nội dung thảo luận tập trung vào việc đánh giá những thành tựu đã đạt được của vùng Viễn Đông, vai trò và sự tham gia của Nga vào môi trường kinh tế châu Á, cùng với những cơ hội mới và tiềm năng hợp tác phát triển của các vùng ở Nga và khu vực châu Á.

Kỷ nguyên mới chứng kiến sự gia tăng chưa từng có về quy mô và cường độ các quan hệ kinh tế và thương mại của Nga với các nước châu Á. Quá trình này được xúc tác bởi những biến động về kinh tế - chính trị ở châu Âu. Tuy nhiên, nguyên nhân chính và đảm bảo thành công cho quan hệ Nga - Châu Á là kết quả tích lũy của chính sách “xoay trục về phía Đông” của Nga, một chiến lược quốc gia lâu dài nhằm củng cố chính sách theo hướng châu Á-Thái Bình Dương, phát triển đối thoại chính trị với các nước trong khu vực và thúc đẩy đầu tư và thương mại lẫn nhau. Nga đã theo đuổi kế hoạch này kể từ đầu thập kỷ vừa qua và Vùng Viễn Đông là trung tâm của chính sách này. Trong những năm qua Nga đã thực hiện một loạt chương trình nhằm phát triển vùng Viễn Đông, Siberia và Bắc Cực, nhằm thu hút các nhà đầu tư Nga và quốc tế, để tạo ra một hệ thống vận tải và hậu cần hiện đại và kết nối khu vực với phần bên Châu Âu cũng như các đối tác gần gũi trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là nền tảng để thiết lập mối quan hệ toàn diện hoàn toàn mới so với trước đây giữa Nga với nền kinh tế toàn cầu, dựa trên nền tảng sự tin cậy và hợp tác cùng có lợi.

b. Đối thoại kinh doanh Nga - ASEAN:

Cuộc đối thoại do ông Ivan Polyakov, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Nga - ASEAN điều hành với sự tham dự của các diễn giả/khách mời đến từ các viện nghiên cứu, cơ quan chính phủ của Nga, Philippines, Lào, Myanmar. Nội dung thảo luận tập trung vào việc nhận diện những thách thức hiện nay trong việc phát triển thương mại và hợp tác kinh tế giữa Nga và các nước thành viên ASEAN; cơ chế tốt nhất để hiện thực hóa tiềm năng hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư giữa hai bên; tương lai mối quan hệ Nga - ASEAN đến năm 2030; Những lĩnh vực và dự án tại vùng Viễn Đông được đối tác ASEAN quan tâm nhất.

Năm 2023 là năm kỷ niệm 5 năm ngày Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN. Trong bối cảnh phục hồi sau COVID-19 và sự chuyển đổi của hệ thống kinh tế toàn cầu, Nga đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra các động lực bổ sung để tăng cường và đa dạng hóa thương mại, hợp tác kinh tế với các nước trong ASEAN. Các ưu tiên bao gồm đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, nền kinh tế tuần hoàn và các vấn đề môi trường, số hóa kinh tế, phát triển các thành phố thông minh và tăng cường hợp tác trong khoa học và giáo dục. Các vùng Viễn Đông của Nga có lợi thế cạnh tranh nhờ vào vị trí địa lý và tiềm năng lớn về phát triển nhiều ngành công nghiệp, thông qua sự hợp tác chặt chẽ hiện có với các nước Đông Nam Á để thúc đẩy hợp tác phát triển trong các lĩnh vực tiềm năng như kinh tế, khoa học và giáo dục.

c. Đối thoại về Giải pháp số cho ngành logisitics quốc tế và nội địa:

Cuộc đối thoại do bà Polina Davidova, Giám đốc Hiệp hội Vận tải và Logistics điều hành với sự tham dự của các diễn giả/khách mời đến từ các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp của Nga (Bộ Giao thông, các doanh nghiệp trong lĩnh vực đường sắt, cảng biển, vận tải...) Nội dung thảo luận tập trung vào các nội dung: Hiệu quả của việc áp dụng các dịch vụ kỹ thuật số trong việc vận chuyển hàng hóa trong và ngoài Nga; triển vọng phát triển việc quản lý tài liệu điện từ trong ngành vận tải; một số kết quả ban đầu của hệ thống xếp hàng điện tử; hiệu quả của việc sử dụng niêm phong định vị điện tử (electronic navigation seals).

Thời gian qua, các công ty vận tải và logistics phải đối mặt với những thách thức mới khi các luồng logistics đang được phân bổ lại, các hành lang giao thông mới được hình thành và các hành lang giao thông hiện có được hiện đại hóa. Hơn nữa, hiện nay thế giới đang phụ thuộc nhiều hơn vào các giải pháp kỹ thuật số có khả năng tối ưu hóa tất cả các liên kết của chuỗi vận tải và là một công cụ không thể thiếu của ngành logistics, đặc biệt là đối với các công ty sử dụng đồng thời nhiều phương thức vận tải như đường biển, đường sắt, đường bộ. Nhìn chung, các giải pháp kỹ thuật số mang lại kết quả tốt nhất xét về tỷ lệ đầu tư và hiệu quả đạt được. Các giải pháp này bao gồm hài hòa việc quản lý tài liệu điện tử đa phương thức với các nước đối tác, niêm phong định vị điện tử và xếp hàng điện tử tại các cửa khẩu biên giới. Những dịch vụ này cho phép các công ty tăng hiệu quả hoạt động còn Chính phủ giúp nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng.

2.2. Về gặp gỡ, tiếp xúc bên lề Diễn đàn

Đoàn công tác đã có buổi tiếp xúc với Lãnh đạo nước Cộng hòa Sakha (Yakutia) để thảo luận về quan hệ kinh tế thương mại, sự tham gia của Cộng hòa Sakha (Yakutia) tại Vietnam Expo, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương trong thời gian tới.

Cộng hòa Sakha là nước thuộc Liên bang Nga, diện tích lớn (3 triệu ki-lô-mét vuông, gần bằng Ấn Độ), dân số ít (hơn 950 nghìn người), khí hậu lạnh, khắc nghiệt, có nhiều tiềm năng về khoáng sản, năng lượng, nông nghiệp..., là nguồn dự trữ tài nguyên lớn (dầu, chất khí, than, kim cương, vàng, bạc, thiếc, vonfram...). Trong thời gian qua Cộng hòa Sakha đã thiết lập một số quan hệ thương mại với Việt Nam, đặc biệt là cung cấp khoáng sản (than đá) cho Việt Nam. Tập đoàn vận tải FESCO đã khai trương tuyến vận tải biển thường xuyên kết nối các cảng của Việt Nam với Vladivostok vào tháng 5/2022. Tuyến vận tải biển này được kỳ vọng sẽ góp phần làm tăng kim ngạch giữa Việt Nam và Viễn Đông trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đã chia sẻ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua cũng như giới thiệu về môi trường đầu tư và định hướng hợp tác đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới. Để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch 10 năm 2021 - 2030, nhu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng, nguyên vật liệu, khoáng sản phục vụ phát triển sản xuất là rất lớn và là lĩnh vực có tiềm năng hợp tác. Ngoài ra, về du lịch, Cộng hòa Sakha có nhiều điểm du lịch nổi tiếng được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa Thế giới, cùng với vẻ đẹp thiên nhiên đặc thù của Bắc Cực hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam, thích hợp với du lịch khám phá cho người Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam với nhiều điểm du lịch biển nổi tiếng, khí hậu ấm áp, ẩm thực đa dạng... hy vọng sẽ thu hút được nhiều du khách từ Cộng hòa Sakha. Tuy nhiên hiện nay, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa Cộng hòa Sakha với Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai bên.

Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn có thể tăng cường hợp tác với Cộng hòa Sakha trong một số lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau như: công nghiệp, khai khoáng, du lịch, khoa học, giáo dục, xuất nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam và thị trường Nga qua Vùng Viễn Đông. Phía Việt Nam đã đề nghị chính quyền Cộng hòa Sakha nghiên cứu, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok sớm tổ chức các đoàn hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư sang khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác giữa hai bên và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Cộng hòa Sakha, đồng thời cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Cộng hòa Sakha sang Việt Nam triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, bền vững và lâu dài.

[...]