Báo cáo số 687/BC-VTLTNN về tình hình thực hiện Nghị định 110/2004/NĐ-CP, Nghị định 111/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 05/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác văn thư, lưu trữ do Cục Văn thư Lưu trữ và Nhà nước ban hành

Số hiệu 687/BC-VTLTNN
Ngày ban hành 06/08/2009
Ngày có hiệu lực 06/08/2009
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước
Người ký Vũ Thị Minh Hương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
CỤC VĂN THƯ VÀ LƯU TRỮ
NHÀ NƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 687/BC-VTLTNN

Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2009

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 110/2004/NĐ-CP, NGHỊ ĐỊNH 111/2004/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHỈ THỊ 05/2007/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC VĂN THƯ, LƯU TRỮ
(Trình bày tại Hội nghị tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngày 23 tháng 7 năm 2009)

Thực tiễn công cuộc bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đặt ra yêu cầu phải tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Cùng với sự đổi mới toàn diện của đất nước, công tác văn thư, lưu trữ trong những năm gần đây đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo từ việc ban hành chủ trương, đường lối đến việc thể chế hóa thành hệ thống pháp luật và triển khai thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Để tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, khó khăn nhằm đề ra phương hướng, giải pháp công tác văn thư, lưu trữ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới, được sự đồng ý của Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư (sau đây gọi tắt là Nghị định 110), Nghị định số 111/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị định 111) và 2 năm thực hiện Chỉ thị 05/2007/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 05) đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91 (sau đây gọi tắt là các Bộ, ngành trung ương).

Chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã có Công văn số 384/VTLTNN-NVTW ngày 20 tháng 5 năm 2009 đề nghị các Bộ, ngành trung ương báo cáo tình hình 5 năm thực hiện Nghị định 110, Nghị định 111 và sơ kết 2 năm Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về văn thư, lưu trữ. Kết quả đã có 44 Bộ, ngành trung ương gửi báo cáo về Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước. Căn cứ các báo cáo nhận được và thực tế quản lý, chỉ đạo trong thời gian qua, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổng hợp thành Báo cáo trình bày trước Hội nghị.

Phần 1.

KẾT QUẢ CÔNG TÁC VĂN THƯ, LƯU TRỮ TỪ NĂM 2004 ĐẾN NAY

I. TẠI CỤC VĂN THƯ VÀ LƯU TRỮ NHÀ NƯỚC

1. Thực hiện quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về văn thư, lưu trữ

Ngay sau khi Nghị định 110, 111 được ban hành năm 2004 và Chỉ thị số 05/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 02 tháng 3 năm 2007, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức các Hội nghị phổ biến đối với các Bộ, ngành trung ương và địa phương.

Hàng năm, được sự đồng ý của Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đều tổ chức hội nghị tập huấn triển khai các văn bản mới ban hành và tổng kết định kỳ công tác văn thư, lưu trữ; thường xuyên cử cán bộ trực tiếp phổ biến văn bản pháp luật về văn thư, lưu trữ tại các Bộ, ngành (từ năm 2004 đến nay đã tập huấn 49 lượt Bộ, ngành; riêng trong năm 2007, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã trực tiếp phổ biến Chỉ thị 05 tại 12 Bộ, ngành trung ương).

Đồng thời, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tích cực tuyên truyền Pháp lệnh, Nghị định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Báo Nhân dân, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, Website Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

b) Ban hành văn bản quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ văn thư, lưu trữ

Thực hiện Nghị định số 110, 111 của Chính phủ và Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã soạn thảo và trình Bộ Nội vụ ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 2 Quyết định, 4 Thông tư và 1 Thông tư liên tịch hướng dẫn, quy định: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức văn thư, lưu trữ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ và Ủy ban nhân dân; chế độ báo cáo thống kê công tác văn thư, lưu trữ, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; quản lý tài liệu khi chia, tách, sáp nhập cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính và tổ chức lại, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp nhà nước; xác định cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử các cấp; kho lưu trữ chuyên dụng; trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư về chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ và Quyết định ban hành bảng giá dịch vụ chỉnh lý tài liệu lưu trữ nền giấy tiếng Việt.

Góp phần vào việc triển khai thực hiện pháp luật về văn thư, lưu trữ, từ năm 2004 đến nay, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp bách về chuyên môn như: chỉnh lý tài liệu hành chính; giao nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử các cấp; xây dựng Quy chế công tác văn thư và lưu trữ cơ quan; quản lý văn bản đi, văn bản đến; quản lý văn bản đi, văn bản đến và lập hồ sơ trong môi trường mạng; tổ chức tiêu hủy tài liệu hết giá trị; Danh mục số 1 các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia … Đặc biệt trong 2 năm 2007-2008, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã ban hành và sửa đổi nhiều quy trình nghiệp vụ về: giải mật tài liệu lưu trữ; chỉnh lý tài liệu giấy, tài liệu ghi âm; phục vụ độc giả và cấp bản sao, chứng thực lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia; lập Danh mục tài liệu hạn chế sử dụng của một phông lưu trữ, …, trong đó một số quy trình đã theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000.

c) Chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về văn thư, lưu trữ.

Để các Bộ, ngành trung ương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác văn thư, lưu trữ được thuận lợi, hàng năm, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đều ban hành văn bản hướng dẫn phương hướng nhiệm vụ công tác văn thư, lưu trữ.

Từ năm 2004 đến nay, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ tại 19 Bộ, ngành và tham dự kiểm tra, hướng dẫn ở nhiều cơ quan. Được sự ủy quyền của Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức thanh tra tại 10 Bộ, ngành; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức 2 đợt kiểm tra chéo công tác văn thư, lưu trữ tại các Bộ, ngành trung ương và các đơn vị trực thuộc.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã góp phần đưa công tác văn thư, lưu trữ ở các Bộ, ngành trung ương đi vào nề nếp, đồng thời Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước có căn cứ để điều chỉnh, bổ sung kịp thời trong việc tham mưu giúp Bộ Nội vụ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý nhà nước về văn thư, lưu trữ.

d) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ

Góp phần vào việc đưa Lưu trữ Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với Lưu trữ quốc tế, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước không ngừng tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi nghiệp vụ với chuyên gia lưu trữ các nước. Từ năm 2004 đến nay, Cục đã tổ chức 8 hội nghị khoa học và tập huấn nghiệp vụ với sự tham gia của các đồng nghiệp đến từ các nước Singapore, Malaysia, Liên bang Nga, Cu Ba, Úc, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc …; tổ chức nhiều đoàn đi dự hội nghị, học tập, tham quan, khảo sát công tác văn thư, lưu trữ tại các nước.

Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước còn tham gia tích cực các hoạt động của các Tổ chức lưu trữ quốc tế mà Việt Nam là thành viên gồm: Hội đồng Lưu trữ quốc tế (ICA), Chi nhánh khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Lưu trữ quốc tế (SARBICA) và Hiệp hội Lưu trữ các nước có sử dụng tiếng Pháp (AIAF). Năm 2004 đã tổ chức thành công Hội nghị toàn thể lần thứ 14 của Chi nhánh khu vực Đông Nam Á (SARBICA). Ngoài ra, Lưu trữ Việt Nam đã thiết lập quan hệ song phương với nhiều nước như: Cu Ba, Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

2. Quản lý tài liệu tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia

a) Về thu thập, chỉnh lý tài liệu

Từ năm 2004 đến nay, các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia đã thu được 4.334 mét giá tài liệu, trong đó, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II thu được 675,5m, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III thu được 3.658,5m, hơn 19.000 ảnh, 1.858 cuộc băng cassette, 11 cuộn phim điện ảnh và 146.311 tấm phim, một số đĩa VCD, CD và băng video.

Nhìn chung, công tác thu thập, bổ sung tài liệu vào các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia đã có những chuyển biến tích cực: tài liệu thu về ngày càng có chất lượng; thành phần tài liệu đa dạng, phong phú, ngoài tài liệu hành chính còn thu được tài liệu khoa học kỹ thuật, tài liệu nghe nhìn và tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu. Tuy nhiên, công tác thu thập, bổ sung tài liệu vẫn còn hạn chế, đó là chưa thu được dứt điểm toàn bộ tài liệu đã đến hạn giao nộp từ các nguồn nộp lưu; các loại hình tài liệu nghe nhìn, tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ thu được còn ít so với tiềm năng hiện có.

Về chỉnh lý tài liệu, để giải quyết cơ bản tình trạng tài liệu bó gói lộn xộn thu được qua nhiều năm trước khi ban hành Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia, được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, từ năm 2004 đến nay, các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia tiếp tục được Nhà nước cấp kinh phí thực hiện một số đề án chuyên môn như Đề án “Chống nguy cơ hủy hoại tài liệu …” và Đề án “Xử lý tài liệu Địa bạ - Hán nôm”, đã tiến hành chỉnh lý, xác định giá trị, thống kê, lập cơ sở dữ liệu, tạo điều kiện cho việc quản lý, phục vụ tra tìm và khai thác sử dụng tài liệu hiệu quả hơn.

[...]