Báo cáo 436/BC-CP năm 2017 về thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện do Chính phủ ban hành

Số hiệu 436/BC-CP
Ngày ban hành 13/10/2017
Ngày có hiệu lực 13/10/2017
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 436/BC-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2017

 

BÁO CÁO

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 62/2013/QH13 NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2013 CỦA QUỐC HỘI VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, VẬN HÀNH KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN
(Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV)

Kính gửi: Quốc hội Khóa XIV.

Thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội Khóa XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện (sau đây gọi tắt là NQ62 của Quốc hội), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2014 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ62 (sau đây gọi tắt là NQ11 của Chính phủ). Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong NQ62 của Quốc hội một cách đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, Chính phủ đã báo cáo kết quả thực hiện NQ62 tại các kỳ họp Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV trong lĩnh vực thủy điện (sau đây gọi tắt là NQ33 của Quốc hội), Chính phủ xin báo cáo Quốc hội việc triển khai thực hiện như sau:

I. Các nhiệm vụ chính

Theo NQ33 của Quốc hội, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2017, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp thứ 2, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau. Theo đó, đối với lĩnh vực thủy điện cần tiếp tục thực hiện tổng rà soát, đánh giá quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các công trình thủy điện theo đúng yêu cầu của NQ62, gắn phát triển thủy điện với thủy lợi; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật.

Để thực hiện tốt các nội dung yêu cầu trên của Quốc hội, tại NQ11 của Chính phủ đã cụ thể hóa các nội dung bằng chương trình hành động với các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và phương pháp tổ chức thực hiện NQ62 của Quốc hội một cách cụ thể, thống nhất và đồng bộ từ các Bộ, ngành Trung ương đến các địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện. Cụ thể như sau:

- Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, các công trình thủy điện đang vận hành khai thác, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân; nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch; tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ quy hoạch thủy điện trong tổng thể quy hoạch phân ngành năng lượng.

- Bảo đảm bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn lưu vực sông của các công trình thủy điện. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng hạ tầng kỹ thuật công trình thủy điện để chặt, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép. Thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật về dịch vụ môi trường rừng.

- Tập trung hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện và việc ban hành chính sách ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai các đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư dự án thủy điện.

- Tăng cường năng lực quản lý lưu vực sông, điều phối, giám sát việc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa bậc thang, bảo đảm không để xảy ra tình trạng vận hành hồ chứa gây lũ kép; giải quyết các vấn đề liên ngành, liên địa phương trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể quy định dòng chảy tối thiểu sau các đập thủy điện.

- Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn; mô hình tính toán, dự báo lưu lượng nước đến hồ trong mùa lũ và mùa cạn; hệ thống viễn thông, quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước trên các hệ thống sông lớn. Xây dựng đầy đủ phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du và cơ chế giám sát của cộng đồng đối với việc xả lũ của các hồ chứa.

- Tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước và thực thi các quy định pháp luật của các cơ quan, đơn vị liên quan về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các dự án/công trình thủy điện, bảo đảm việc phát triển thủy điện an toàn, bảo vệ môi trường - xã hội và đạt hiệu quả khai thác tổng hợp.

- Quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân trong quá trình chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ, củng cố lực lượng cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác công trình thủy điện.

II. Tình hình triển khai thực hiện

1. Bộ Công Thương

a) Các nhiệm vụ chính

Ngày 10 tháng 02 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Quyết định số 396/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV trong lĩnh vực thủy điện với những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì thực hiện tại NQ11 của Chính phủ.

- Rà soát, đánh giá tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, Quy chuẩn kỹ thuật, Tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng, chất lượng công trình, vận hành, khai thác, an toàn đập thủy điện. Từ đó, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo tuân thủ pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý chất lượng các dự án/công trình thủy điện từ giai đoạn quy hoạch đến khi nghiệm thu đưa vào vận hành khai thác của các cơ quan, đơn vị liên quan (cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư dự án, các nhà thầu tham gia thực hiện dự án...). Trong đó, cần đánh giá tình hình bố trí nhân lực thực hiện nhiệm vụ này của Sở Công Thương các tỉnh liên quan; việc chấp hành các quy định liên quan của Chủ đầu tư các dự án thủy điện; đánh giá các tồn tại, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ chất lượng công trình thủy điện.

- Rà soát kỹ nội dung các Quy trình vận hành (QTVH) hồ chứa thủy điện để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; đánh giá tình hình thực hiện các quy định tại QTVH liên hồ chứa trên lưu vực sông, QTVH hồ chứa của Chủ đập thủy điện và các cơ quan, đơn vị liên quan; tổng hợp thông tin về các hồ chứa chưa tuân thủ quy định về việc lập, trình phê duyệt QTVH; đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan tại QTVH hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, chủ động giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết nhằm đảm bảo vận hành khai thác các công trình thủy điện an toàn, bảo vệ môi trường - xã hội, đạt hiệu quả khai thác tổng hợp, phù hợp với điều kiện khí tượng, thủy văn, địa hình, hiện trạng hành lang thoát lũ, bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật ...vùng hạ du đập.

- Tổ chức thực hiện, tổng hợp tình hình thực hiện và đánh giá kỹ nội dung các Phương án: Phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn đập, Phòng, chống lũ lụt vùng hạ du do xả lũ và vỡ đập và Bảo vệ đập tại các công trình thủy điện; rà soát, đánh giá khó khăn, vướng mắc tại các đập thủy điện chưa lập, trình duyệt các Phương án nêu trên. Trong đó, cần đánh giá việc quan trắc khí tượng, thủy văn tại công trình và trên lưu vực của Chủ đập; việc bảo vệ, tình hình xâm phạm hành lang thoát lũ ở hạ du các đập thủy điện; việc lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập; công tác diễn tập Phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập... Từ đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung các Phương án nêu trên; thực hiện các biện pháp khả thi đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn đập, đặc biệt là tại các công trình thủy điện khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

- Rà soát, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về điều kiện cấp và duy trì Giấy phép hoạt động điện lực (HĐĐL) của các nhà máy thủy điện. Trong đó, cần đánh giá việc thực hiện xả dòng chảy tối thiểu, cung cấp nước cho hạ du; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng, phòng chống cháy nổ, quản lý chất lượng công trình, an toàn đập, vận hành hồ chứa; việc đáp ứng yêu cầu điều kiện của cán bộ vận hành,...Từ đó, thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo các nhà máy thủy điện chấp hành đầy đủ quy định pháp luật liên quan.

- Tổ chức phổ biến đầy đủ kiến thức, quy định pháp luật liên quan đến việc chỉ huy, thực hiện lệnh vận hành hồ chứa thủy điện (đặc biệt trong mùa mưa, lũ) cho các tỉnh, các nhà máy thủy điện còn những vấn đề tồn tại, hạn chế liên quan.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, chức năng của các công trình thủy điện; nội dung QTVH hồ chứa thủy điện; các quy định về an toàn đập và công tác phòng, chống lụt bão của công trình thủy điện.

b) Tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết

[...]