ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
|
Số:
27/BC-UBND
|
Thanh
Hóa, ngày 11 tháng 05 năm 2016
|
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
THANH HÓA
Thực hiện Công văn số 772/VPQH-GS ngày
13/4/2016 của Văn phòng Quốc hội về việc Đoàn giám sát của UBTVQH giám sát
chuyên đề “Việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu
ngành nông nghiệp” tại tỉnh Thanh Hóa; ý kiến kết luận của đồng chí Nguyễn Văn
Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, Trưởng đoàn
giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh
Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo hoàn chỉnh tình hình, kết quả thực hiện Chương
trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu
ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, như sau:
Tỉnh Thanh Hóa nằm ở vùng Bắc Trung bộ,
có diện tích tự nhiên 11.129,48 km2 (đứng thứ 5 cả nước); có 27 đơn vị hành
chính cấp huyện, gồm: 01 thành phố, 02 thị xã và 24 huyện với 635 xã, phường,
thị trấn, trong đó có 573 xã thực hiện xây dựng NTM; dân số trên 3,5 triệu người
(đứng thứ 3 cả nước); địa hình chia làm 3 vùng rõ rệt: Vùng miền núi, đồng bằng
và ven biển. Thanh Hóa có vị trí khá thuận lợi và có đủ các loại hình giao
thông, như: Đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không;
Diện tích đất sản xuất nông, lâm, thủy
sản 846.909 ha, chiếm 76,1% diện tích tự nhiên, trong đó: Đất nông nghiệp
247.526 ha, đất lâm nghiệp 585.592 ha; vùng lãnh hải rộng hơn 1,7 vạn km2,
với bờ biển dài 102 km, trên 8.000 ha bãi triều, dọc ven biển có
hơn 5.000 ha nước mặn ở vùng quanh đảo Mê, đảo Nẹ.
Những đặc điểm nêu trên tạo cho Thanh
Hóa những thuận lợi cơ bản, có khả năng và điều kiện vươn lên trở thành một địa
phương có nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản
xuất hàng hóa lớn, sản phẩm đa dạng, phong phú.
A. ĐÁNH GIÁ TÌNH
HÌNH BAN HÀNH VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
MTQG XÂY DỰNG NTM GIAI ĐOẠN 2010-2015 GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP.
I. Tình hình triển
khai.
1. Thành lập, kiện toàn bộ máy chỉ
đạo thực hiện Chương trình.
Ngay sau khi Chương trình MTQG xây dựng
NTM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thanh Hóa đã thành lập BCĐ từ tỉnh đến
cơ sở do Bí thư cấp ủy làm trưởng ban; các xã đồng thời thành lập Ban quản lý
xây dựng NTM xã do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; các thôn, bản thành lập Ban
phát triển thôn, bản do Bí thư Chi bộ làm trưởng ban. Hàng năm, BCĐ các cấp được
kiện toàn, củng cố kịp thời để lãnh đạo, chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tại
cơ sở.
BCĐ các cấp đã ban hành Quy chế hoạt động
và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên BCĐ phụ trách các tiêu chí theo lĩnh
vực chuyên môn, theo đó, thành viên BCĐ các cấp đã chủ động chỉ đạo, nắm bắt
tình hình, động viên và giúp đỡ kịp thời các địa phương tháo gỡ khó khăn, bất cập
trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đến nay, ngoài việc thành lập Văn
phòng Điều phối chuyên trách cấp tỉnh, đã có 26/27 huyện thành lập Văn phòng Điều
phối cấp huyện và 573 xã đã có cán bộ theo dõi xây dựng NTM. Việc thành lập Văn
phòng Điều phối cấp tỉnh, huyện và phân công phụ trách NTM của các xã đã tạo điều
kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình từ tỉnh đến
cơ sở.
2. Về ban hành các văn bản hướng dẫn,
chỉ đạo.
Bám sát mục tiêu, nội dung Chương
trình MTQG xây dựng NTM và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm
kỳ 2010-2015, Tỉnh ủy đã ban hành: Quyết định số 197-QĐ/TU về Chương trình Phát
triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, đây là một trong 5
chương trình trọng tâm của tỉnh; Chỉ thị số 10-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ
đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2015; Nghị
quyết số 09-NQ/TU ngày 14/11/2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác giảm nghèo nhanh và bền vững các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm
2020;
UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án tổng thể
xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến 2030; ban
hành Kế hoạch số 44/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn
2012-2015; Quyết định số 1457/QĐ-UBND về hướng dẫn lập quy hoạch xã NTM (quy hoạch
3 trong 1); Quyết định số 1666/QĐ-UBND về hướng dẫn quy trình đánh giá xã đạt
các tiêu chí NTM phục vụ công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án và kế hoạch xây
dựng NTM của các địa phương; Quyết định 4296/2013/QĐ-UBND về ban hành tiêu chí
công nhận xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh; Quyết định 145/2013/QĐ-UBND quy định
về trình tự, thủ tục xét, công nhận và tổ chức công bố “Xã đạt chuẩn NTM”; Quyết
định số 3655/2013/QĐ-UBND về quy trình lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người
dân trong xây dựng NTM; Quyết định số 717/2014/QĐ-UBND về tiêu chí, trình tự,
thủ tục hồ sơ xét, công nhận và tổ chức công bố thôn, bản đạt chuẩn NTM trên địa
bàn tỉnh; Quyết định 1901/QĐ-UBND ngày 19/6/2014 phê duyệt thiết kế mẫu Trụ sở
xã, Trạm y tế xã; Hội trường văn hóa đa năng thuộc Chương trình MTQG xây dựng
NTM.
Các sở, ngành cấp tỉnh, theo chức
năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành các văn bản hướng dẫn các nội dung thực hiện
và đánh giá kết quả đạt được của các tiêu chí do từng ngành phụ trách; các huyện
đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, Kế hoạch cụ thể để chỉ đạo thực hiện xây dựng
NTM tại địa phương.
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg
ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành
nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Chỉ thị
số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về triển khai Đề án
tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ngày 20/4/2015, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị
quyết số 16-NQ/TU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm
2025. Để triển khai Nghị quyết số 16-NQ/TU, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số
107-KH/TU ngày 15/7/2015 về tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 16-NQ/TU
của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số
2320/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 về Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện
Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015; Quyết định số 4407/QĐ-UBND ngày
30/10/2015 về kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, giai
đoạn 2015-2020.
3. Công tác tuyên truyền, đào tạo,
tập huấn:
Công tác tuyên truyền, vận động thực
hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đã được triển khai toàn diện, rộng khắp và
bằng nhiều hình thức từ tỉnh đến cơ sở; nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lần
đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/02/1947 - 20/02/2012), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ
tỉnh đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM”
xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.
Giai đoạn 2011 - 2015, Đài Phát thanh,
Truyền hình tỉnh đã phát sóng 471 chuyên mục “xây dựng NTM”, lồng ghép tuyên
truyền về NTM trên 70 chuyên mục truyền hình và 64 chuyên mục trên sóng phát
thanh;
Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức
thành viên đã xây dựng 354 cụm pano, trên 170 ngàn băng zôn, cấp phát 1.720 cuốn
tài liệu tuyên truyền về xây dựng NTM; Văn phòng Điều phối tỉnh đã phối hợp Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Thanh Hóa xuất bản ấn phẩm “Gương sáng trong xây dựng
NTM”, phát hành 43.000 cuốn “Bản tin xây dựng NTM”.
Các tổ chức chính trị - xã hội, các sở,
ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền
như: Tổ chức các cuộc thi viết, sân khấu hóa và hàng ngàn buổi sinh hoạt các
câu lạc bộ, ký kết Chương trình phối hợp trong công tác tuyên truyền về xây dựng
NTM...
Cùng với công tác tuyên truyền, trong
5 năm qua, đã tổ chức 75 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 11.362 lượt đối tượng là
cán bộ các ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, thành viên BCĐ cấp huyện, xã và cán bộ
thôn, bản các kiến thức về xây dựng NTM; Văn phòng Điều phối phối hợp với Trường
Chính trị tỉnh tổ chức 05 Hội thảo về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của
cấp ủy, chính quyền cấp xã trong xây dựng NTM”, thu hút 1.800 đối tượng là
Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã tham gia; đào
tạo nghề cho 8.337 lao động nông thôn, thời gian dưới 3 tháng; tập huấn nâng
cao năng lực cho 2.100 cán bộ quản lý HTX.
II. Tình hình thực
hiện các chính sách của Trung ương và ban hành, thực hiện các chính sách của tỉnh.
1. Tình hình thực hiện các chính
sách của Trung ương
(1). Chính sách hỗ trợ phát triển sản
xuất theo Chương trình MTQG giảm nghèo nhanh bền vững theo Nghị quyết số
30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày
04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135.
Nhìn chung, nội dung hỗ trợ đa dạng, mặc
dù mức hỗ trợ còn thấp, nhưng đã đáp ứng một phần nhu cầu trong phát triển kinh
tế của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ dân thuộc vùng đặc biệt khó khăn,
vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản
xuất đa số còn dàn trải, các nội dung hỗ trợ chưa thực sự tạo ra được những
chuyển biến rõ nét. Kinh phí hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
(2). Hỗ trợ phát triển sản xuất và
ngành nghề nông thôn thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo Quyết
định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ
Trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã phân bổ
73.522 triệu đồng để thực hiện 784 mô hình Phát triển sản xuất và ngành nghề
nông thôn ở các địa phương.
Việc hỗ trợ các mô hình phát triển sản
xuất và ngành nghề nông thôn đáp ứng được yêu cầu thực tế, ứng dụng tiến bộ
khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ và năng lực sản xuất, góp phần giải quyết
việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, nguồn
kinh phí và định mức hỗ trợ xây dựng các mô hình còn thấp, nên việc triển khai
và nhân rộng các mô hình gặp khó khăn, nhất là đối với các mô hình ứng dụng tiến
bộ khoa học kỹ thuật cao.
(3). Chính sách quản lý, sử dụng đất
trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ
Từ năm 2012-2015, toàn tỉnh được hỗ trợ
461.000 triệu đồng; hỗ trợ cho người trực tiếp sản xuất lúa 230.500 triệu đồng;
hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (xây dựng kênh mương, giao thông nội đồng), mua máy
thu hoạch lúa, hỗ trợ khai hoang cải tạo đồng ruộng, hỗ trợ phát triển làng nghề
nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới 230.500 triệu đồng. Tuy nhiên, chính
sách hỗ trợ cho người trực tiếp sản xuất lúa chưa đem lại hiệu quả cao, vì định
mức hỗ trợ còn rất thấp.
(4). Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất
sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày
15/10/2010
Đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT
Thanh Hóa đã cho 56 tổ chức, cá nhân vay 10.629 triệu đồng, tổng lãi suất hỗ trợ
739,5 triệu đồng để mua máy móc, thiết bị, chủ yếu là máy gặt đập liên hợp và
máy làm đất, số máy phục vụ trong chế biến nông sản rất hạn chế.
Chính sách đã được thay thế bằng Quyết
định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
(5). Chính sách phát triển rừng sản
xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ
Chính sách đã khuyến khích người dân
tích cực tham gia trồng rừng sản xuất, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ
môi trường, cung cấp nguồn nước, hạn chế thiên tai, lũ lụt, chống biến đổi khí
hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; giai đoạn
2011-2015, trồng mới 53,4 nghìn ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ từ 49% năm 2010 lên
52% năm 2015. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ còn ít so với nhu cầu trồng rừng
của nhân dân.
(6). Chính sách hỗ trợ rủi ro do
thiên tai
Thực hiện Quyết định số
142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ
trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại
do thiên tai, dịch bệnh đã góp phần giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân khi
có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, nhanh chóng ổn định và phát triển sản xuất. Tuy
nhiên, mức hỗ trợ thấp, thủ tục hỗ trợ rườm rà.
(7). Chương trình đào tạo nghề cho
lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng
Chính phủ
Qua 5 năm thực hiện, có 29.116 người
lao động nông thôn được học nghề (11.059 người học nghề phi nông nghiệp, 11.107
người học nghề nông nghiệp), với tổng kinh phí là 161 tỷ đồng. Lao động học nghề
nông nghiệp xong có thể áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất,
nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Đối với nghề phi nông nghiệp, người lao
động có thể bắt tay vào sản xuất và có sản phẩm ngay, góp phần tăng thu nhập
cho gia đình. Chính sách được các địa phương hưởng ứng thực hiện mang lại hiệu
quả; một số địa phương đã gắn chương trình xây dựng NTM với đào tạo nghề, từng
bước chuyển dịch dần một bộ phận lao động nông nghiệp sang làm việc ở các ngành
nghề phi nông nghiệp.
(8). Chính sách khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Thực hiện Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày
04/6/2010 của Chính phủ, hàng năm, Thanh Hóa đã bố trí từ 5-7 tỷ đồng để thực
hiện chính sách này, song vẫn không giải ngân được, nguyên nhân một mặt là do
chưa có doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của Nghị định; mặt khác, mức ưu đãi, hỗ
trợ đầu tư quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP nhìn chung còn thấp, trong
khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có độ rủi ro cao nên chưa thực sự hấp dẫn
các doanh nghiệp. Quy trình, thủ tục để được nhận các khoản hỗ trợ đầu tư từ
Ngân sách Nhà nước còn phức tạp.
Ngày 19/12/3013, Chính phủ đã ban hành
Nghị định số 210/2013/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, đến nay, tỉnh
đã thực hiện hỗ trợ cho Công ty cổ phần nông nghiệp Tiến Nông 5 tỷ đồng với dự
án Phát triển SX lúa, gạo tại Thanh Hóa; đang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân
đối nguồn vốn để hỗ trợ cho Công ty cổ phần đầu tư Vitha Milk với dự án Trang
trại chăn nuôi bò sữa tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn và Trang trại chăn nuôi
bò sữa tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam
VinaMilk, đồng thời, đang tập hợp hồ sơ của một số công ty đã được chấp thuận địa
điểm đầu tư, đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư
xem xét, hỗ trợ.
(9). Chính sách tín dụng phục vụ
phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày
12/4/2010 của Chính phủ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có
327.000 lượt khách hàng được vay vốn theo chính sách trên để đầu tư vào sản xuất,
chế biến, kinh doanh dịch vụ thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển
ngành nghề nông thôn, trong đó: khách hàng là cá nhân, hộ gia đình 317.400 lượt,
khách hàng là chủ trang trại 1.274 lượt và khách hàng là các hợp tác xã 117 lượt,
các doanh nghiệp 4.600 lượt với tổng dư nợ cho vay là 6.611 tỷ đồng.
(10). Một số chính sách phát triển
thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ và Chính
sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết
định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014.
Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP
ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến hết
tháng 3/2016, Thanh Hóa đã phê duyệt danh sách 65 chủ tầu cá đủ điều kiện đóng
mới tàu khai thác xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá (25 tầu vỏ gỗ và 38 tàu
vỏ thép); đã ký hợp đồng tín dụng với 28 chủ tầu với tổng số tiền cam kết cho
vay là 292,2 tỷ đồng, đã giải ngân được 123 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh
đã hạ thủy được 07 tầu (06 tầu vỏ gỗ và 01 tầu vỏ thép).
Đối với chính sách chăn nuôi nông hộ,
năm 2016, tỉnh đã bố trí 20 tỷ đồng vốn đối ứng, cùng với nguồn vốn của Trung
ương đã được cân đối, hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện.
(11). Việc thực hiện các Nghị quyết,
Quyết định của Trung ương về Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị
lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các
Quyết định số 800/QĐ-TTg, số 491/QĐ-TTg, số 695/QĐ-TTg, số 498/QĐ-TTg... của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở các văn bản, hướng dẫn của các bộ,
ngành Trung ương, Thanh Hóa đã chủ động triển khai, quán triệt nghiêm túc trong
cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Theo đó, đã có sự tập
trung chỉ đạo quyết liệt, tạo được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị
và sự đồng tình, hưởng ứng của người dân; Trong quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh
luôn bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương và thực tế của địa phương để
thực hiện, với tinh thần quyết tâm trong ý chí, quyết liệt trong chỉ đạo, không
chần chừ, chờ đợi nhưng cũng không nóng vội, chạy theo thành tích; xây dựng lộ
trình, kế hoạch thực hiện phù hợp, hiệu quả; Trên cơ sở tiêu chí thôn, bản NTM,
triển khai thực hiện xây dựng NTM từ thôn, bản đối với những xã khó khăn, chưa
có điều kiện thực hiện xây dựng NTM quy mô xã; thực hiện tốt từ công tác chỉ đạo,
điều hành, tuyên truyền, tập huấn, lập quy hoạch đến xây dựng đề án, với phương
châm, vừa chỉ đạo thực hiện điểm, vừa triển khai trên diện rộng, vừa xây dựng
xã NTM, vừa xây dựng thôn, bản NTM; phân định rõ việc gì hộ gia đình làm, việc
gì thôn, bản, xã làm, việc gì nhà nước cần định hướng và hỗ trợ. Phát huy dân
chủ trong xây dựng mục tiêu và huy động nguồn lực để xây dựng NTM, không ép buộc
hoặc huy động quá sức dân; công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện; thông
qua kết quả bỏ phiếu về sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả xây dựng
NTM của các địa phương.
2. Về ban hành, thực hiện các cơ chế,
chính sách của tỉnh.
2.1. Cơ chế, chính sách khuyến
khích phát triển trồng trọt
(1) Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản
xuất hạt giống lúa lai F1, giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số
270/2011/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 của UBND tỉnh:
Từ năm 2011-2015, Ngân sách tỉnh đã hỗ
trợ 34.070 triệu đồng với tổng diện tích được hưởng chính sách giai đoạn
2011-2015 là 3.462 ha.
Việc thực hiện chính sách đã hình
thành vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1 hàng hóa ổn định, tập trung tại các
huyện Yên Định, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa; thu hút các doanh nghiệp vào đầu
tư cùng với các Hợp tác xã và hộ nông dân; hình thành các Liên minh sản xuất,
chế biến và tiêu thụ hạt giống lúa theo chuỗi liên kết; mang lại lợi ích cho cả
nông dân, HTX và doanh nghiệp.
(2) Cơ chế, chính sách xây dựng
vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, giai đoạn 2009-2013
theo Quyết định số 1304/2009/QĐ-UBND ngày 29/4/2009 của UBND tỉnh và được kéo
dài thời gian thực hiện đến 31/12/2015 theo Quyết định số 1415/2014/QĐ-UBND
ngày 16/5/2014 của UBND tỉnh.
Từ năm 2009-2015, ngân sách tỉnh đã hỗ
trợ 324.976,9 triệu đồng cho diện tích 61.873 ha vùng lúa thâm canh năng suất,
chất lượng, hiệu quả cao, nhờ đó, đã kiên cố hóa 636 km kênh mương, 965 km đường
giao thông, mua 602 máy gặt đập liên hợp.
Thông qua thực hiện chính sách, hiệu
quả trong sản xuất lúa gạo được nâng lên rõ rệt, trình độ thâm canh và ý thức sản
xuất lúa gạo hàng hóa của nhân dân được nâng cao. Chính sách đã huy động được
đáng kể nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất
theo hình thức cơ giới hóa đồng bộ.
(3) Cơ chế, chính sách khuyến khích
phát triển cây cao su tiểu điền, giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số
269/2011/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 của UBND tỉnh.
Từ năm 2011-2015, Ngân sách tỉnh đã hỗ
trợ 64.876,1 triệu đồng, nâng tổng diện tích cao su lên 18.650 ha; chính sách
đã khuyến khích nông dân miền núi khai thác quỹ đất, lao động và nguồn vốn cùng
với chính sách của tỉnh để đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng có giá trị kinh
tế thấp sang trồng cao su.
(4) Cơ chế, chính sách phát triển sản
xuất rau an toàn tập trung, giai đoạn 2013-2015 theo Quyết định số
618/2013/QĐ-UBND ngày 19/02/2013.
Ngân sách tỉnh đã hỗ trợ từ năm
2011-2015 là 33.800 triệu đồng, nhờ đó, đã xây dựng vùng tập trung chuyên canh
rau đạt 112,3 ha, sản xuất từ 3-4 vụ/năm; xây dựng 51.500 m2 nhà lưới đảm bảo sản
xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
2.2. Cơ chế, chính sách khuyến
khích phát triển chăn nuôi
(1) Cơ chế, chính sách hỗ trợ giống
gốc vật nuôi theo Quyết định số 1745/2011/QĐ-UBND ngày 03/6/2011 của UBND tỉnh.
Ngân sách tỉnh đã hỗ trợ từ năm
2011-2015 là 15.943 triệu đồng. Hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT ký hợp đồng sản
xuất giống lợn với 7 cơ sở để cung cấp giống lợn bố mẹ, nhờ đó, đã chủ động sản
xuất đàn lợn giống bố mẹ tại chỗ có chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý, đáp ứng
nhu cầu chăn nuôi của nhân dân trong tỉnh; ký hợp đồng với Công ty CP giống và
phát triển gia cầm Thanh Hóa cung cấp giống gia cầm bố mẹ đạt tiêu chuẩn cho
nhân dân để phát triển đàn gia cầm trên toàn tỉnh.
(2) Cơ chế, chính sách phát triển
chăn nuôi gia súc, gia cầm theo Quyết định số 271/2011/QĐ-UBND ngày 21/1/2011 của
UBND tỉnh.
Ngân sách tỉnh đã hỗ trợ từ năm
2011-2015 là 29.020 triệu đồng; Hàng năm đã thụ tinh nhân tạo cho trên 40.000
con trâu, bò cái, đưa tỷ trọng bò lai lên 60,2% trên tổng đàn, tạo bước chuyển
biến mạnh về số lượng và chất lượng đối với đàn trâu, bò.
Ngoài ra, từ năm 2011-2015, ngân sách
tỉnh đã hỗ trợ 20.192 triệu đồng, tiêm phòng cho 116.000 con trâu, bò và
141.000 con lợn, tạo cho các hộ nghèo yên tâm chăn nuôi.
Từ năm 2011-2015, tỉnh đã hỗ trợ 107.595 triệu đồng để phát triển 527 trang trại theo tiêu
chí mới, trong đó có 71 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, đảm bảo an
toàn dịch bệnh.
(3) Cơ chế, chính sách phát triển
trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số
2009/2012/QĐ-UBND ngày 28/6/2012.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển
khai thực hiện các Chương trình phát triển Bò sữa gồm:
- Chương trình phát triển Bò sữa của
Vinamilk: Công ty Sữa Việt Nam đã xây dựng Trại bò Thanh Hóa 2 tại xã Phú Nhuận,
huyện Như Thanh quy mô 2.000 con; đến nay, tổng đàn của Trại đạt hơn 3.000 con.
Dự án phát triển Trung tâm các trang trại bò sữa, quy mô 16.000 con tại Thống
nhất, Công ty Sữa Việt Nam đã hoàn tất thủ tục thành lập Công ty TNHH bò sữa Thống
nhất Thanh Hóa.
- Chương trình phát triển Bò sữa của
TH True Milk với quy mô 20.000 con: Công ty CP ứng dụng công nghệ cao Nông nghiệp
và thực phẩm sữa TH tại Thanh Hóa đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư
ngày 21/10/2013; UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án chăn
nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại Quyết định số 4519/QĐ-UBND ngày 17/12/2014.
Các doanh nghiệp không tham gia hưởng
chính sách theo Quyết định 2009/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh, hiện đang lập hồ sơ
đề nghị hưởng chính sách theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của
Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông
thôn.
2.3. Cơ chế, chính sách khuyến
khích xây dựng NTM ban hành theo Quyết định số 728/2013/QĐ-UBND ngày 01/3/2013
và Quyết định số 3301/2015/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh.
(1) Hỗ trợ xây dựng công trình
Từ năm 2013-2015, tỉnh đã phân bổ
368,993 tỷ đồng, hỗ trợ cải tạo và xây mới 55 Trụ sở xã; xây mới và cải tạo 24
Trạm y tế và 77 Trung tâm văn hóa - thể thao xã. Việc hỗ trợ từ chính sách đã
giúp các xã có thêm nguồn lực, đồng thời kích thích huy động nguồn đối ứng được
280 tỷ đồng (tương ứng 43% tổng vốn xây dựng) để xây dựng công trình, đáp ứng
yêu cầu các tiêu chí NTM.
(2) Hỗ trợ xã đạt chuẩn NTM.
Đến hết năm 2015, tỉnh đã hỗ trợ 46,5 tỷ
đồng từ ngân sách tỉnh cho 45 xã đạt chuẩn NTM, nhờ đó, đã động viên kịp thời
các xã có nỗ lực cao trong xây dựng NTM; tạo động lực và khí thế thi đua giữa
các xã trong việc phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM. Giúp các xã có thêm nguồn lực
để thanh toán các hạng mục đã đầu tư, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu
chí.
(3) Cơ chế hỗ trợ cho các xã mua xi
măng.
Từ năm 2012, tỉnh đã chủ trương sử dụng
vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM cho các xã
mua xi măng xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương nội
đồng...
Giai đoạn 2012-2015 đã hỗ trợ 258,76 tỷ
đồng cho các xã mua 222.482 tấn xi măng. Từ nguồn xi măng được hỗ trợ, các địa
phương đã huy động thêm vốn đối ứng gấp 5-7 lần vốn hỗ trợ để đầu tư cải tạo,
nâng cấp, làm mới 1.142 km giao thông nông thôn, 399 km giao thông nội đồng,
196 km kênh mương, 269 nhà văn hóa thôn,... Đây là chủ trương được các địa
phương, nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ.
Giai đoạn 2016 - 2020, cơ chế, chính
sách trên tiếp tục được thực hiện theo Quyết định số 3301/2015/QĐ-UBND ngày
31/8/2015 của UBND tỉnh.
2.4. Cơ chế để lại nguồn thu từ đấu
giá cấp quyền sử dụng đất
Ngày 19/12/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa
ban hành Quyết định số 4259/2011/QĐ-UBND về việc điều chỉnh tỷ lệ phần trăm
phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách tỉnh Thanh Hóa giai
đoạn 2012-2015, quy định tỉ lệ phân chia nguồn thu từ đấu giá cấp quyền sử dụng
đất trên địa bàn các huyện: ngân sách huyện 70%, ngân sách xã 30%; các xã điểm
xây dựng NTM được hưởng 100%.
Giai đoạn 2011-2015, ngân sách cấp xã
đã thu từ đấu giá cấp quyền sử dụng đất khoảng 2.650 tỷ đồng (bình quân 4,6 tỷ
đồng/xã). Đây là một cơ chế hiệu quả, phù hợp, giúp các xã chủ động được nguồn
lực trong thực hiện các tiêu chí NTM.
2.5. Cơ chế, chính sách khuyến
khích phát triển GTNT.
Giai đoạn 2013 - 2015, tổng kinh phí hỗ
trợ khuyến khích phát triển GTNT là 285 tỷ đồng. Qua đó, đã cải tạo, nâng cấp,
cứng hóa 693,4 km mặt đường, gồm: 109,6 km đường xã; 583,8 km đường thôn (bản);
Xây dựng 254 công trình trên đường. Thông qua việc thực hiện chính sách, hệ thống
giao thông nông thôn đã được thông suốt quanh năm, cơ bản đáp ứng được yêu cầu
phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn vừa qua.
Ngoài các cơ chế, chính sách đã được
ban hành và thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 nêu trên, giai đoạn 2016 -
2020, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, thúc
đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, gồm: Cơ chế, chính sách khuyến khích thực
hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Quyết định số 5643/QĐ-UBND ngày
31/12/2015; Cơ chế, chính sách thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống
cây trồng, vật nuôi tại Quyết định số 5637/QĐ-UBND ngày 31/12/2015. Các cơ chế,
chính sách này hiện nay đang được triển khai thực hiện, ngay trong năm kế hoạch
2016, tỉnh đã bố trí gần 150 tỷ đồng để thực hiện các nội dung hỗ trợ của 02
chính sách trên.
B. KẾT QUẢ THỰC
HIỆN.
1. Công tác lập quy hoạch, đề án
xây dựng NTM.
Xác định công tác quy hoạch phải đi
trước một bước, cùng với việc sáng tạo trong hướng dẫn, quyết liệt trong chỉ đạo,
tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực hỗ trợ để các xã thực hiện lập quy hoạch. Đến cuối
tháng 9/2012, 100% số xã đã phê duyệt xong quy hoạch xây dựng NTM và thực hiện
công bố, cắm mốc quy hoạch chung, triển khai lập các quy hoạch chi tiết theo lộ
trình thực hiện xây dựng NTM. Hiện nay các địa phương đang tiếp tục rà soát các
quy hoạch để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch ngành, vùng và quy
hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Trên cơ sở quy hoạch được
duyệt, các xã đã triển khai lập đề án xây dựng xã NTM và đã hoàn thành từ quý
I, năm 2013.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình
Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp,
giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đã hoàn thành việc rà soát và xây dựng mới các
quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp; quy hoạch khu nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng; quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn
tập trung; quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công
nghiệp; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; quy hoạch vùng luồng thâm canh tập
trung; quy hoạch tổng thể thủy lợi; quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi
trường nông thôn; quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; quy hoạch bố trí ổn
định dân cư các vùng thiên tai, khó khăn, biên giới, hải đảo, các khu rừng đặc
dụng, khu vực có dân di cư tự do...
Đang hoàn chỉnh Quy hoạch sắp xếp, bố
trí ổn định những hộ dân sống rải rác thành khu tập trung khu vực 11 huyện miền
núi; rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2015 - 2025, quy hoạch
vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn đến năm 2025; xây dựng quy hoạch chi tiết thủy
lợi vùng Nam sông Chu, quy hoạch chi tiết thủy lợi vùng Bắc sông Mã đến năm
2025 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê
và quy hoạch đê điều, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển
giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch vùng nguyên liệu cho
các nhà máy chế biến gỗ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; quy hoạch vùng
nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến, xuất khẩu, giai đoạn 2015-2025; quy hoạch
bảo tồn vùng nước nội địa Sông Mã.
2. Phát triển sản xuất, nâng cao
thu nhập cho người dân.
- Về sản xuất nông nghiệp:
Cùng với những kết quả về công nghiệp,
dịch vụ, sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 luôn tăng trưởng
khá (tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 4%), từng bước phát triển theo
hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với nhu cầu thị trường, phát huy được tiềm
năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ,
chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và đưa những bộ giống mới vào canh tác, sản xuất
lương thực của tỉnh 5 năm qua đều được mùa, năng suất, sản lượng liên tục tăng,
năng suất lúa hàng năm đạt gần 58 tạ/ha; sản lượng lương thực bình quân đạt 1,6
triệu tấn/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt hàng năm đạt 2,9%;
công tác đổi điền, dồn thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn được triển
khai tích cực; sản xuất trồng trọt tập trung gắn với chế biến ngày càng phát
triển: vùng lúa thâm canh đạt 61.900 ha, vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1 700
ha, vùng nguyên liệu mía 29.550 ha, vùng nguyên liệu sắn 11.868 ha, vùng cao su
18.150 ha...
Chăn nuôi phát triển tương đối ổn định,
tốc độ tăng giá trị sản xuất hàng năm đạt 3,6%; quy mô, chất lượng và giá trị sản
phẩm ngày một tăng; tỷ trọng đàn bò lai, bò sữa, đàn lợn nạc tăng nhanh; sản lượng
thịt hơi tăng, năm 2015 đạt 220.000 tấn. Xu hướng chuyển đổi từ chăn nuôi nông
hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, kiểm soát dịch bệnh
ngày càng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 527 trang trại, gia trại: có 71
trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn; đã khởi công và xây dựng 02 khu
trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao tại Như Thanh và
Yên Định (năm 2015, toàn tỉnh đã có 3.500 con bò sữa và 5.000 con bò thịt chất
lượng cao). Sản lượng thịt hơi tăng từ 189,4 nghìn tấn năm 2011 lên 220 nghìn tấn
năm 2015.
Sản xuất lâm nghiệp phát triển khá
toàn diện, tốc độ tăng giá trị sản xuất hàng năm đạt 9,6%; tỷ lệ che phủ rừng
năm 2015 đạt 52%; phát triển toàn diện cả khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới và
khai thác hợp lý tài nguyên rừng. Hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu
tập trung phục vụ cho chế biến, như: vùng luồng thâm canh, vùng cây gỗ lớn... Sản
lượng khai thác gỗ năm 2015 đạt 400.000 m3, tăng gấp 7,7 lần so với
năm 2010. Công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng chống cháy rừng
có chuyển biến tích cực.
Thủy sản phát triển cả về nuôi trồng,
khai thác, chế biến và hậu cần nghề cá; tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt
6,6%; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2015 đạt 140.500 tấn,
trong đó: khai thác 94.000 tấn và nuôi trồng 46.500 tấn. Diện tích nuôi trồng
thủy sản hàng năm đạt trên 18.000 ha. Năng lực đánh bắt của ngư dân được nâng
lên...
- Về xây dựng và triển khai các mô
hình phát triển sản xuất:
Giai đoạn 2011 - 2015, từ nguồn vốn của
Trung ương và của tỉnh hỗ trợ, cùng với huy động đóng góp của nhân dân và các
nguồn vốn khác, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện 784 mô hình phát
triển sản xuất và ngành nghề nông thôn. Trong đó: 327 mô hình trồng trọt, 195
mô hình chăn nuôi, 185 mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, 62 mô
hình nuôi trồng thủy, hải sản và 15 mô hình ngành nghề nông thôn. Thu hút
34.326 hộ gia đình tham gia.
Đa số các mô hình sản xuất được lựa chọn
đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng của người dân và đúng
với nội dung của Chương trình xây dựng NTM, lấy phát triển sản xuất là gốc để
nâng cao giá trị sản xuất và thế mạnh của từng vùng, từng
địa phương. Nhờ đó, đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện
đời sống người dân, xóa bỏ dần các thói quen sản xuất lạc hậu, nhất là khu vực
miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Một số mô hình đã mang lại hiệu quả
kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân,
như: Mô hình trồng hoa tại các xã: Quảng Tâm (TP. Thanh Hóa), Yên Trường (Yên Định),
Quảng Phong (Quảng Xương); mô hình trồng ớt xuất khẩu tại các xã: Xuân Lâm
(Tĩnh Gia), Xuân Du (Như Thanh), Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc), Thọ Nguyên, Bắc Lương
(Thọ Xuân), Định Bình (Yên Định); mô hình trồng ngô ngọt tại Vĩnh An (Vĩnh Lộc);
mô hình trồng dưa chuột, bí xanh thuộc các huyện Hoằng Hóa, Như Thanh, Thọ
Xuân, Yên Định, Nga Sơn...
Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp tiếp
tục được củng cố, phát triển, là cầu nối giữa khâu sản xuất với khâu thu hoạch,
bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
Đến năm 2015, toàn tỉnh có 565 hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp. Các khâu dịch
vụ nông nghiệp đáp ứng kịp thời. Việc liên doanh, liên kết giữa các HTX với
nhau và giữa HTX với các doanh nghiệp được chú trọng, ngày càng mở rộng. Một số
mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã được thực hiện có hiệu quả ở một
số địa phương, như: Yên Định, Thọ Xuân, Nga Sơn, Quảng Xương... Hiện nay, tỉnh
đang triển khai thực hiện Đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động
của Hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 4752/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của
Chủ tịch UBND tỉnh;
Đến nay, toàn tỉnh có 22.932 tổ hợp
tác (THT) trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần hỗ trợ và nâng cao hiệu quả sản
xuất, kinh doanh của các hộ thành viên, tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận
lao động, giúp kinh tế hộ khắc phục một số hạn chế, yếu kém về vốn, công nghệ,
kinh nghiệm sản xuất; sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực về đất đai, nguyên
liệu, vốn, lao động tại địa phương để mở mang ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Toàn tỉnh hiện có 127 làng nghề, trong
đó có 85 làng nghề truyền thống, thu hút 60.734 lao động nông nghiệp, nông
thôn. Đến nay, đã công nhận được 77 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề
truyền thống; gồm: 18 nghề truyền thống, 18 làng nghề và 41 nghề truyền thống.
Nhờ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh
tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giải quyết việc
làm, nên giai đoạn 2011-2015, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng từ
11,02 triệu đồng năm 2011 lên 17,95 triệu đồng năm 2014, ước năm 2015 đạt khoảng
20,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 26,96% năm 2011 xuống
còn 10,92% năm 2014, ước năm 2015 khoảng 7,5%. Đáng chú ý là thông qua thực hiện
chương trình, tư duy sản xuất hàng hóa của người nông dân được nâng lên rõ rệt.
3. Về phát triển giáo dục, y tế,
văn hóa và bảo vệ môi trường.
- Công tác giáo dục được chú trọng, tỷ
lệ trẻ em ra lớp đúng độ tuổi bậc mầm non và tiểu học đạt 100%, tỷ lệ phổ cập
tiểu học và THCS đạt 100%; tỷ lệ số người trong độ tuổi từ 15 - 60 được xóa mù
chữ đạt 99,1%; tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt 51,2%, trong đó,
có 251/573 xã đạt tiêu chí trường học; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo từ
24,3% năm 2011 lên 32,7% năm 2014, ước năm 2015 là 35,8%.
- Công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức
khỏe ban đầu cho nhân dân được chú trọng, tình hình dịch bệnh khi xảy ra được
khoanh vùng, kiểm soát kịp thời; đến nay, toàn tỉnh có 95% số thôn, bản có tủ
thuốc và cán bộ y tế, 286 xã đạt chuẩn y tế giai đoạn 2011-2020, năm 2015 có
trên 70% dân số được tham gia các hình thức bảo hiểm y tế;
- Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng NTM đã được triển khai thực hiện
sâu rộng và đạt được nhiều kết quả, số gia đình, làng, thôn, bản văn hóa, xã
chuẩn văn hóa không ngừng tăng lên, đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 714 ngàn hộ
đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 77%, tăng 5,5% so với năm 2011; có
3.864 thôn, bản, làng văn hóa, đạt 70,4%, tăng 28% so với năm 2011; có 112 xã đạt
chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 19,3%, tăng 10% so với năm 2011.
- Công tác bảo vệ môi trường được quan
tâm chỉ đạo, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân được nâng lên,
tình trạng đổ rác thải sinh hoạt bừa bãi ra khu vực công cộng đã giảm đáng kể,
nhiều địa phương đã thành lập các tổ tự quản, tổ chức cho nhân dân tham gia dọn
vệ sinh môi trường hằng tuần. Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đã có công ty cổ
phần hoặc hợp tác xã dịch vụ môi trường, tổ thu gom rác thải. Tỷ lệ thu gom rác
thải tại các vùng nông thôn đạt 70%. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước
hợp vệ sinh đạt 84,4%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định đạt
52,3%, hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh đạt 54,48%.
4. Xây dựng hệ thống chính trị vững
mạnh và giữ gìn an ninh trật tự.
Thông qua thực hiện chương trình, đội
ngũ cán bộ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, có phẩm chất
chính trị vững vàng, năng động, sáng tạo, có bước trưởng thành trong quản lý,
chỉ đạo điều hành, nhiều địa phương có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, gần dân;
vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các địa phương
được nâng lên, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Đến nay toàn tỉnh
có trên 80% số Đảng bộ xã đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”.
Thực hiện Quyết định số
375/2008/QĐ-UBND và Chỉ thị số 10/CT-UBND về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ
an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, theo đó, tình
hình an ninh cơ bản ổn định trên các lĩnh vực, địa bàn, không xảy ra các hoạt động
chống đối đảng, chính quyền, truyền đạo trái pháp luật, gây mất ổn định an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội. 5 năm qua, Thanh Hóa là tỉnh luôn dẫn đầu về
giảm tỷ lệ số người mắc các tệ nạn xã hội, không có tụ điểm phức tạp về ANTT,
84,5% số thôn không có tội phạm, 80,3 % số thôn không có tệ nạn xã hội.
5. Kết quả huy động nguồn lực và
xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH.
Trong giai đoạn 2011-2015, tổng huy động
vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh đạt khoảng 61.260 tỷ đồng,
chiếm 19% tổng vốn đầu tư phát triển, bao gồm:
- Vốn ngân sách nhà nước: 12.650 tỷ đồng,
chiếm 21%;
- Vốn tín dụng đầu tư phát triển:
12.200 tỷ đồng, chiếm 20%;
- Vốn doanh nghiệp nhà nước: 1.810 tỷ
đồng, chiếm 3%;
- Vốn FDI: 14.200 tỷ đồng, chiếm 23%;
- Vốn đầu tư của khu vực dân cư và các
thành phần kinh tế khác: 20.400 tỷ đồng, chiếm 33%.
Trong đó, tổng huy động nguồn lực cho
chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 là: 27.020,452 tỷ đồng, chia ra:
- Vốn trực tiếp cho chương trình:
4.193,645 tỷ đồng, chiếm 15,52 %, gồm:
+ Ngân sách Trung ương: 970,292 tỷ
đồng;
+ Ngân sách tỉnh: 213,303 tỷ đồng;
+ Ngân sách huyện: 837,66 tỷ đồng;
+ Ngân sách xã: 2.172,39 tỷ đồng.
- Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự
án khác: 12.627,825 tỷ đồng, chiếm 46,73%;
- Vốn tín dụng, ODA: 1.640,148 tỷ đồng,
chiếm 6,07%;
- Vốn doanh nghiệp: 1.463,591 tỷ đồng,
chiếm 5,42%;
- Vốn huy động từ cộng đồng dân cư:
7.095,243 tỷ đồng, chiếm 26,26% (trong đó: nhân dân đóng góp trực tiếp bằng tiền
mặt bình quân từ 400 đến 500 nghìn đồng/nhân khẩu/năm; tham gia trên 300.000
ngày công; hiến 1.040 ha đất; đóng góp vật tư, vật liệu trị giá khoảng 283,045
tỷ đồng).
Cùng với nguồn vốn đầu tư cho nông
nghiệp, xây dựng NTM và huy động các nguồn vốn khác, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới
và nâng cấp được 4.952 km đường giao thông nông thôn các loại, trong đó: 1.367
km đường xã, liên xã; 2.016 km đường thôn, xóm; 1.569 km đường nội đồng; 1.557
km kênh mương nội đồng; nâng cấp, mở rộng các công trình điện nông thôn, đến
nay, 100% số xã đã có điện lưới quốc gia, 97,2% hộ dân được sử dụng điện thường
xuyên; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 276 trường tiểu học, 134 trường THCS,
354 trường mầm non; 239 công sở, 286 trạm y tế, 120 Trung tâm văn hóa - thể
thao xã, 1.266 nhà văn hóa - khu thể thao thôn; 207 chợ nông thôn; chỉnh trang
và xây mới hơn 57.000 nhà ở dân cư; hoàn thành và đưa vào sử dụng 44.066 công
trình cấp nước sinh hoạt và công trình vệ sinh môi trường nông thôn.
6. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí Quốc
gia về NTM.
Đến 31/12/2015, bình quân toàn tỉnh đạt
13,3 tiêu chí/xã, tăng 8,6 tiêu chí so với năm 2011.
- Có 113 xã đã đạt chuẩn NTM, chiếm
19,7%.
- 460 xã còn lại, mức độ đạt các tiêu
chí cụ thể như sau:
Đạt 18 tiêu chí có 7 xã, chiếm 1,2%;
Đạt từ 15-17 tiêu chí có 120 xã, chiếm
20,9%;
Đạt từ 10-14 tiêu chí có 210, chiếm
36,6%;
Đạt từ 5-9 tiêu chí có 118 xã, chiếm
20,6%;
Đạt dưới 5 tiêu chí có 5 xã, chiếm
0,9%;
Có 01 huyện (Yên Định) được Trung ương
thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2015 (Thủ tướng Chính phủ đã có
Quyết định số 560/QĐ-TTg, ngày 05/4/2016 công nhận huyện Yên Định đạt chuẩn
NTM).
Có 52 thôn/bản được các huyện công nhận
đạt chuẩn NTM, trong đó có 10 thôn/bản miền núi (đến nay, đã có 71 thôn bản được
công nhận đạt chuẩn).
Đối với các xã đã được công nhận đạt
chuẩn NTM, các xã tiếp tục xây dựng kế hoạch để duy trì, giữ vững và nâng cao
chất lượng các tiêu chí, trong đó tập trung cho phát triển sản xuất, giảm
nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường,
duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa ở nông thôn, tạo cho người dân được
thụ hưởng nhiều hơn những thành quả từ xây dựng NTM đem lại. Nhiều xã vẫn tiếp
tục duy trì được thế mạnh trong phát triển sản xuất, đổi điền, dồn thửa, xây dựng
cánh đồng lớn, như: Nga An, Hoằng Thắng, Định Bình, Định Tiến, Định Hòa, Định
Tường, Quảng Hợp, Phú Lộc, Văn Lộc; thu nhập bình quân đầu người ở các xã đều
tăng khá, nhiều xã, thu nhập của người dân đạt từ 28 đến 33 triệu đồng, như Định
Tân, Quý Lộc, Yên Lâm, Trường Sơn, Quảng Hợp, Nga An, Định Hòa; một số xã có tỷ
lệ hộ nghèo dưới 3% như Nga Thành, Quý Lộc, Đông Văn, Tượng Văn...
C. NHỮNG KHÓ
KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ HẠN CHẾ, TỒN TẠI.
- Sản xuất nông nghiệp chưa thực sự ổn
định, tăng trưởng thiếu bền vững; chuỗi sản xuất chưa hoàn chỉnh, chưa rõ nét; ứng
dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều và chậm nhân rộng.
- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu
thời vụ còn chậm; tiến độ tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phục
vụ sản xuất hàng hóa còn chậm. Sản xuất nông nghiệp mới chỉ tập trung khai thác
tiềm năng sẵn có (đất đai, tài nguyên nước, lâm sản, thủy sản,...) mà chưa quan
tâm nhiều đến sự kết hợp hài hòa giữa khai thác và bảo vệ các tiềm năng phục vụ
phát triển lâu dài, bền vững.
- Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu
hoạch chưa được quan tâm đầu tư phát triển nên quy mô, chất lượng và sức cạnh
tranh nông sản còn hạn chế; phần lớn nông sản đang được tiêu thụ và xuất khẩu ở
dạng thô, giá trị gia tăng thấp, chưa được quan tâm xây dựng thương hiệu;
- Bước vào thực hiện Chương trình xây
dựng NTM, Thanh Hóa là tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế thấp, chưa tự cân đối
được ngân sách; có trên 70% dân số sống ở vùng nông thôn; 11 huyện và 210 xã miền
núi, trong đó có 102 xã thuộc 7 huyện nghèo đang thực hiện các chính sách theo
Nghị quyết 30a, 37 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; trình độ dân
trí của người dân khu vực miền núi còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, do đó, gặp nhiều
khó khăn trong triển khai cũng như huy động nguồn lực để thực hiện chương
trình.
- Tốc độ phát triển giữa miền núi và
miền xuôi có sự chênh lệch cao, khoảng cách ngày càng doãng ra, nên phong trào
cũng như kết quả xây dựng NTM giữa các vùng miền chưa đồng đều, bên cạnh đó, một
số địa phương chưa tích cực và thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; vai
trò trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cấp ủy, chính quyền chưa được phát
huy, đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 05 xã đạt dưới 5 tiêu chí thuộc huyện Mường
Lát; 05 huyện (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước) và thị xã Bỉm
Sơn chưa có xã đạt chuẩn NTM.
- Công tác vệ sinh môi trường mặc dù
đã được quan tâm, tập trung chỉ đạo, thực hiện đạt được những kết quả đáng mừng,
song tại các khu sản xuất, chế biến nông sản, các làng nghề ở khu vực nông thôn
còn tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường nhưng chưa có những giải pháp hữu
hiệu để hạn chế, khắc phục.
- Một số địa phương nặng về đầu tư kết
cấu hạ tầng, trong khi khả năng cân đối nguồn lực cũng như giải pháp huy động
nguồn vốn đối ứng thiếu tính khả thi, dẫn đến tình trạng còn nợ đọng trong xây
dựng cơ bản ở một số xã.
- Phong trào thi đua chung sức xây dựng
NTM giữa các vùng, các huyện trong tỉnh, giữa các xã trong huyện và giữa các
ngành chưa đồng đều, kết quả còn hạn chế.
- Việc phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách
trung ương thuộc Chương trình xây dựng NTM đối với Thanh Hóa tính bình quân
theo số lượng đơn vị hành chính cấp xã và theo mức độ khó khăn thì Thanh Hóa được
hỗ trợ rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của tỉnh. Việc lồng ghép nguồn
vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn trong giai đoạn 2011-2015 còn
khó khăn.
- Thanh Hóa có 102 xã/7 huyện thuộc 62
huyện nghèo nhất cả nước đang thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 30a, 93
xã hưởng chính sách theo chương trình 135. Các xã này có điều kiện khó khăn
tương tự khu vực Trung du miền núi phía Bắc, nhưng lại
đang áp dụng theo chỉ tiêu khu vực Bắc Trung Bộ nên việc đánh giá mức độ đạt
chuẩn NTM chưa phù hợp và tương đồng với khu vực có cùng điều kiện.
D. MỤC TIÊU, NHIỆM
VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020.
I. Mục tiêu.
1. Mục tiêu chung.
Chuyển dịch nhanh và hợp lý cơ cấu
kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với chuyển đổi mạnh mẽ các hình thức tổ chức
sản xuất, tạo sự bứt phá về phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới. Chuyển
mạnh nền sản xuất nông nghiệp phát triển theo số lượng sang nền sản xuất nông
nghiệp gắn với chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, có hàng hóa
cạnh tranh trên thị trường trong tỉnh, trong nước, khu vực và quốc tế để nâng
cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện
theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có năng suất, chất
lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ
tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ
chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ,
đô thị theo quy hoạch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp,
nông thôn; nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn; nâng cao trình độ dân trí, bảo
vệ môi trường sinh thái.
2. Mục tiêu cụ thể.
- Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm,
thủy sản bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 2,9%/năm, trong đó: Nông nghiệp
2,3%, lâm nghiệp 6,8%, thủy sản 5,6%.
- Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm,
thủy sản đến năm 2020: Nông nghiệp chiếm 73% (trong nông nghiệp: Trồng trọt
48%, chăn nuôi 45% và dịch vụ 7%), lâm nghiệp 8%, thủy sản 19%.
- Tổng sản lượng lương thực bình quân
hàng năm giữ ổn định 1,5 triệu tấn.
- Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt
53,03%.
- Tỷ lệ sản phẩm nông lâm thủy sản an
toàn đến năm 2020 đạt 100%, trong đó sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 30%.
- Nâng thu nhập bình quân đầu người
khu vực nông thôn đến năm 2020 tăng 2,5 lần so với năm 2014.
- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước
hợp vệ sinh đến năm 2020 đạt 95%.
- Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có
55,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông
thôn mới; có 20% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM trở lên.
II. Các nhiệm vụ
và giải pháp chủ yếu.
1. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ
cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao và
phát triển bền vững. Tập trung giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người
dân nông thôn, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.
Chỉ đạo triển khai có kết quả Nghị quyết
số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành, nông nghiệp theo hướng nâng cao
năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Tiếp
tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp và
xây dựng NTM, thực hiện đổi điền, dồn thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; Phát
triển các loại cây trồng có giá trị theo hướng tập trung, quy mô lớn, gắn với ứng
dụng tiến bộ kỹ thuật từ giống, canh tác, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh, tạo
ra chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức
cạnh tranh của sản phẩm và thân thiện với môi trường. Phát triển chăn nuôi nông
hộ có kiểm soát; khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, công
nghệ cao, theo chuỗi giá trị; Phát triển thủy sản cả nuôi trồng, khai thác gắn
với chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế,
chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; thực hiện tốt
chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác; phát triển các hình thức
liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa nông dân với hợp tác xã, trang trại,
doanh nghiệp.
Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo
nghề cho lao động nông thôn; Ưu tiên hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng hộ
nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư
dân.
Thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp, ngành
nghề và dịch vụ ở nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Thực hiện
có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm; Triển
khai thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo;
2. Phát huy thực hiện tốt quy chế
dân chủ ở cơ sở, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân, kết
hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu
hạ tầng tại các xã, thôn, bản, đáp ứng yêu cầu tiêu chí NTM và tạo tiền đề cho
phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn.
Bám sát quy hoạch, đề án, phát huy dân
chủ, công khai, minh bạch trong huy động và sử dụng nguồn lực để tạo sự tin tưởng,
đồng thuận của nhân dân, phát huy cho được vai trò chủ thể của người dân và cộng
đồng trong việc tham gia xây dựng NTM. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn
vốn từ các chương trình MTQG, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương
trình, dự án khác đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh theo hướng tập
trung, không dàn trải.
Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng
nông thôn, như: Đường giao thông nông thôn, nhất là đường đến trung tâm xã khu
vực miền núi; đường trục thôn, đường trục chính nội đồng (ở các vùng sản xuất
hàng hóa tập trung); Các công trình đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và
sản xuất; Hệ thống các công trình phục vụ việc chuẩn hóa về giáo dục; Nhà văn
hóa - khu thể thao thôn, trung tâm văn hóa - thể thao xã; Các công trình vệ
sinh, nước sinh hoạt hộ gia đình nông thôn...
Tiếp tục rà soát, đánh giá để củng cố,
duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, nhằm nâng cao hơn nữa chất
lượng cuộc sống của người dân và xây dựng NTM bền vững.
3. Phát triển văn hóa, y tế, giáo dục,
bảo vệ môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tạo
chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét nhóm các tiêu chí văn hóa - xã hội - môi trường
thông qua việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; đổi
mới trong hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo chuyển biến hơn nữa
về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự, từ đó, tạo
nhiều cơ hội cho người dân nông thôn được tham gia, thụ hưởng các lợi ích của
văn hóa, y tế, giáo dục từ thành quả của xây dựng NTM mang lại.
4. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu
quả công tác tuyên truyền, tập huấn trong Chương trình Phát triển nông nghiệp
và xây dựng NTM.
Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, đa
dạng về hình thức, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sinh hoạt
của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội; nội dung tuyên truyền phải phong
phú, cập nhật những chủ trương, định hướng mới của Đảng về xây dựng NTM, tạo sự
thống nhất trong nhận thức và hành động cũng như vai trò, vị trí của Chương
trình xây dựng NTM.
5. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính
trị xã hội tham gia thực sự có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Chương
trình.
Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo Chương
trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện thắng
lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành
viên BCĐ; hoàn thiện bộ máy giúp việc cho Ban chỉ đạo các cấp theo Quyết định số
1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của
các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, doanh nghiệp và mỗi
cán bộ, đảng viên trong xây dựng NTM, tạo thống nhất trong chỉ đạo và đạt kết
quả cao trong tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
cấp ủy, chính quyền các cấp; lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương
trình làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Đề cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng
của doanh nhân, doanh nghiệp đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời
kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
E. ĐỀ XUẤT, KIẾN
NGHỊ.
1. Đề nghị Trung ương sớm ban hành
Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở cho các địa phương
triển khai thực hiện.
2. Đề nghị Trung ương nghiên cứu, ban
hành cơ chế, hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất theo hướng hỗ trợ lãi suất, hoặc
cho vay với lãi suất ưu đãi thông qua các tổ chức như Tổ hợp tác, HTX, doanh
nghiệp hoặc tổ chức chính trị xã hội ở địa phương thực hiện thay vì hỗ trợ trực
tiếp như hiện nay.
3. Đề nghị Trung ương căn cứ nguồn vốn
Chương trình MTQG xây dựng NTM Trung ương hàng năm, xem xét, ưu tiên phân bổ vốn
tương xứng với tỷ lệ số lượng đơn vị hành chính cấp xã của các địa phương, đáp ứng
nhu cầu xây dựng NTM của tỉnh trong giai đoạn tới.
4. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các
Bộ, ngành Trung ương cân đối Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016
- 2020 cho các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT của tỉnh
Thanh Hóa; tăng nguồn hỗ trợ cho tỉnh thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển
rừng bền vững.
5. Đề nghị Trung ương nghiên cứu, ban
hành cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng NTM cho các xã, thôn, bản vùng đặc
biệt khó khăn; sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chí xã NTM cho phù hợp với giai đoạn mới,
làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, như: tiêu chí thu nhập, hộ nghèo (theo
chuẩn nghèo đa chiều), tỷ lệ người dân tham gia các hình thức BHYT./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khóa 13 (để báo
cáo);
- Văn phòng Quốc hội (để báo cáo);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để báo cáo);
- VP Điều phối Trung ương;
- T. trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh (để báo cáo);
- Các sở: NN&PTNT, KH&ĐT, TC, VPĐP tỉnh;
- Lưu: VT, Pg NN.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Quyền
|