Báo cáo 20/BC-BVHTTDL năm 2014 tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2013 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 20/BC-BVHTTDL
Ngày ban hành 27/01/2014
Ngày có hiệu lực 27/01/2014
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Huỳnh Vĩnh Ái
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/BC-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2014

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2013

Kính gửi: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Phúc đáp Công văn số 13/LĐTBXH-BGĐ ngày 03 tháng 01 năm 2014 về việc xây dựng báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo như sau:

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI

1. Công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật

- Tham mưu, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2013 phê duyệt Đề án "Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm".

- Ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BVHTTDL ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng.

2. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan liên quan tổ chức sửa đổi các văn bản quy ước, hương ước tại cộng đồng (theo hướng dẫn tại Công văn số 3349/BVHTTDL-GĐ ngày 13 tháng 9 năm 2013). Việc sửa đổi tập trung vào các nội dung sau:

- Rà soát, bổ sung thêm hai nội dung thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình giữa các thành viên trong gia đình vào văn bản hương ước, quy ước tại cộng đồng.

- Nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh.

- Tránh phân biệt, có cách ứng xử phù hợp, tiến bộ đối với các gia đình sinh con gái hoặc sinh con một bề là trẻ em gái.

- Không phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong việc tham gia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lao động việc làm và phân chia tài sản thừa kế.

- Gia đình, dòng họ, cộng đồng cần tích cực tuyên truyền, giải thích cho nam, nữ trong độ tuổi kết hôn về chủ động tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán, pháp luật của quốc gia nơi đối tượng định kết hôn cư trú cũng như pháp luật của Việt Nam quy định về vấn đề kết hôn với người nước ngoài.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn 05 địa bàn xã thực hiện điểm để tiến hành sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước (thực hiện Mô hình 4 của Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015) trên các tiêu chí sau:

- Điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông còn hạn chế, còn nhiều thủ tục lạc hậu trong đời sống sinh hoạt của người dân.

- Trình độ dân trí thấp, nhận thức về bạo lực gia đình, bình đẳng giới còn hạn chế, tình hình bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng.

- Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng diễn biến phức tạp; tỷ lệ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài cao, có nhiều biểu hiện tiêu cực.

Đến nay, đã có 46/63 tỉnh/thành phố gửi báo cáo việc triển khai hướng dẫn này về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

3. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới

- Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động bình đẳng giới. Đã có 120 tác giả từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia với hơn 236 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm dự thi được đánh giá đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật. Các thông điệp về bình đẳng giới được truyền tải rõ nét và phong phú thông qua các bức vẽ ấn tượng.

Tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất cho tác phẩm "Lựa chọn giới tính khi sinh - Mất cân bằng giới tính - Gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới", 2 giải nhì, 3 giải ba thể loại tranh cổ động về bình đẳng giới.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện bình đẳng giới trong gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động cụ thể tại địa phương. Phối hợp với báo Văn hóa, báo Gia đình và xã hội, báo Du lịch, báo Pháp luật để xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và thúc đẩy bình đẳng giới.

- Dự án VNM8P05 "Xây dựng ứng phó quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình" đã chủ trì và phối hợp  với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ - 25/11 với các chủ đề xoay quanh vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện bình đẳng giới. Chuỗi sự kiện đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam, các tổ chức đoàn thể và đông đảo người dân trong xã hội.

4. Tổ chức nghiên cứu khoa học

Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay". Đề tài được triển khai nhằm mục tiêu tìm hiểu thực trạng của việc triển khai hệ thống giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình; hiệu quả cũng như hạn chế. Trong đề tài này, vấn đề nguyên nhân bạo lực gia đình xuất phát từ bất bình đẳng giới, một số khía cạnh của vấn đề bạo lực giới trong gia đình cũng được quan tâm tìm hiểu.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

[...]