ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 149/BC-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 10 năm 2012
|
BÁO CÁO
SƠ KẾT 4 THÁNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 13/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ
GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, HỖ TRỢ THỊ TRƯỜNG
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số
11/NQ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập
trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời
triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Chính
phủ và Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 11 tháng 6 năm 2012 của Thành ủy về một số giải
pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Ủy ban nhân
dân thành phố báo cáo công tác triển khai, những kết quả đạt được như sau:
I. Kết quả đạt được:
1. Tập trung triển
khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và hộ
sản xuất kinh doanh:
a) Các chính sách hỗ trợ về thuế:
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng
dẫn, tập huấn về chính sách thuế cho doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế có sự tham
gia, phoi hợp thường xuyên, chặt chẽ, bằng nhiều hình thức biện pháp thực hiện
của Bạn Tuyên giáo thành ủy, Trung tâm xúc tiến Thương mại - Đầu tư, các cơ
quan thông tấn báo chí, các đoàn thể... giúp người nộp thuế hiểu được quyền và
nghĩa vụ về thuế, không mắc những sai sót, tiết kiệm thời gian, an tâm điều
hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Thực hiện Quyết định 04/2012/QĐ-TTg
ngày 19/1/2012 về việc gia hạn nộp thuế thêm 3 tháng đối với số thuế thu nhập
doanh nghiệp phải nộp quý I, quý II năm 2011 của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh
nghiệp sử dụng nhiều lao động, theo đó số thuế thu nhập doanh nghiệp quý I năm
2011 được gia hạn nộp chậm nhất đến 30 tháng 7 năm 2012 là 604 tỷ đồng.
- Thực hiện Thông tư 83/2012/TT-BTC,
ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Bộ Tài Chính về hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm,
gia hạn một số khoản thu Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 13/NQ-CP và Nghị
quyết số 29/2012/QH13 ngày 30 tháng 7 năm 2012 của Quốc hội, theo đó Cục thuế ước
thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế 9 tháng đầu năm 2012: thuế giá trị gia
tăng tháng 4, 5 và tháng 6 năm 2012 được gia hạn 6 tháng với tổng số thuế là
1.996 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 30% quý I và quý II năm 2012 với
tổng số thuế là 579 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp gia hạn nộp 9 tháng năm
2011 là 335 tỷ đồng; thuế được miễn đối với hộ kinh doanh nhà trọ, giữ trẻ...
cam kết không tăng giá năm 2012 là 9 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp dự
kiến là 360,6 tỷ đồng.
b) Hỗ trợ về đổi mới công nghệ,
nâng cao năng suất - chất lượng:
Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp tái
cấu trúc, đổi mới công nghệ đã đạt được một số kết quả: Thành lập Tổ công tác
Chương trình hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; thống nhất
kế hoạch triển khai chương trình với Tổ công tác của Tổng Công ty Công nghiệp
Sài Gòn; giới thiệu chương trình đến các doanh nghiệp nhà nước; tiếp nhận các
nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp và làm việc với các tổ chức cung cấp dịch vụ tư
vấn tái cấu trúc; lập kế hoạch đào tạo kỹ năng tư vấn doanh nghiệp cho các
chuyên gia.
Thành phố đã tập trung công tác
nghiên cứu gắn liền với ứng dụng thực tiễn, tăng cường cải tiến khoa học - kỹ
thuật, phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đã tổ chức
triển khai 109 đề tài, dự án, trong đó 44 đề tài, dự án khoa học công nghệ được
nghiệm thu. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết
kế chế tạo và chuyển giao thiết bị mới đã hỗ trợ 14 đề tài nghiên cứu thiết kế
cải tiến thiết bị, dây chuyền sản xuất trong các doanh nghiệp thuộc ngành: cơ
khí, nuôi trồng nấm, đào tạo, năng lượng sạch... nhằm nâng cao năng suất, chất
lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao mức độ tự động hóa.
Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Đã triển khai khảo sát kiểm toán năng lượng
và viết báo cáo cho 13/19 doanh nghiệp đăng ký, tư vấn xây dựng hệ thống quản
lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 cho 10 doanh nghiệp, xây dựng chỉ số suất
tiêu hao năng lượng chuẩn cho 15 loại sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp. Đã
tổ chức đào tạo 6 lớp cho doanh nghiệp về kiến thức tiết kiệm năng lượng dành
cho kỹ thuật viên; về kỹ năng quản lý năng lượng; về kiến trúc xanh...
Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng
các công cụ quản lý nhằm nâng cao năng suất - chất lượng: đã tư vấn hỗ trợ cho
11 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001, 5S, HACCP, ISO
14000). Tổ chức 16 lớp tập huấn về hệ thống quản lý và công cụ cải tiến, đào tạo
về nghiệp vụ quản lý chất lượng, đo lường khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trong kinh
doanh cho các doanh nghiệp...
Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản
trí tuệ: xây dựng Nhãn hiệu Tập thể cho 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm, trong
đó có 2 chợ đầu mối (Hóc Môn, Thủ Đức) được cấp bằng; triển khai mô hình quản
lý khai thác Nhãn hiệu Tập thể cho 03 chợ đầu mối sau khi đăng ký. Hoàn tất hồ
sơ đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận “Sữa bò Củ Chi”. Xây dựng hệ thống quản lý Tài
sản trí tuệ cho Công ty Cổ phần hải sản Sài Gòn, Vinamilk, Duy Tân, Kymdan và
01 Công ty phần mềm thuộc Khu Công nghệ Phần mềm Quang Trung. Triển khai Chương
trình Đào tạo Quản trị viên tài sản trí tuệ.
2. Các hoạt động
xúc tiến đầu tư - thương mại hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng
thị trường:
Thành phố đã tổ chức và phối hợp tổ
chức các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư tại các quốc gia Lào, Campuchia,
Nhật, Cộng hòa Liên bang Đức, Myanmar, Philippines, Hồng Kông, Quảng Châu -
Trung Quốc. Các hình thức xúc tiến phổ biến như thông qua các chuyến công tác của
Đoàn lãnh đạo cấp cao thành phố thăm hữu nghị Lào, Myanmar; các Triển lãm, Hội
thảo, Hội chợ giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; lễ ký kết hợp tác kinh
doanh giữa các doanh nghiệp thành phố và các nước; tổ chức diễn đàn doanh nghiệp,
đoàn khảo sát thị trường mở rộng kênh phân phối cho doanh nghiệp. Đã đón tiếp
và cung cấp thông tin cho 32 đoàn khách đầu tư đến từ các nước1 với mục đích tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực
thương mại, công nghệ thông tin, thủ tục đầu tư, kinh doanh tại thành phố. Các
chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập, cạnh tranh quốc tế và chuyển dịch cơ
cấu được triển khai thông qua các khóa huấn luyện đào tạo nghiệp vụ và kỹ năng
quản lý.
Nhằm tăng cường công tác xúc tiến
thương mại, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu và quảng bá hàng hóa đến với người
tiêu dùng nội địa, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức 102 chương trình Hội
chợ triển lãm thương mại. Trong đó có 65 hội chợ về hàng tiêu dùng; 4 hội chợ đồ
thủ công mỹ nghệ; 3 hội chợ về bất động sản; 2 hội chợ về việc làm; 14 hội chợ
về máy móc và công nghệ chế biến thực phẩm, công nghiệp dệt và may, nghe nhìn
và các hội chợ về hàng tiêu dùng tổng hợp. Chương trình “Tháng khuyến mại năm
2012” nhằm kích cầu tiêu dùng, thu hút 750 doanh nghiệp tham gia, phát triển
2.900 điểm bán, tăng 200 điểm bán so với năm 2011. Riêng Hội chợ Tháng khuyến mại
diễn ra từ 30/8 - 3/9/2012 có 250 doanh nghiệp trưng bày hàng hóa tại hơn 430
gian hàng. Nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng giảm giá từ 5%-49%.
3. Hoạt động hỗ
trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh; tiết kiệm điện, năng lượng phục vụ
sản xuất và sinh hoạt của nhân dân
a) Hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục
hành chính, cho vay vốn ưu đãi:
Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp -
Chính quyền thành phố đến nay đã có 2.873 đơn vị thành viên, trong đó có 35 Hiệp
hội và 2.838 doanh nghiệp (tăng 163 doanh nghiệp so với cuối năm 2011); đã trả
lời 606 câu hỏi qua mạng, tổ chức 5 buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Sở
Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Thuế, Cục Hải quan giải đáp 237 câu hỏi về
thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, hải quan cho 984 doanh nghiệp. Thành phố đã tổ
chức buổi đối thoại giữa Doanh nghiệp và các Ngân hàng trên địa bàn thành phố với
230 người tham dự, trong đó có 170 doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tháo gỡ những
khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn. Hệ thống đã đồng hành cùng cộng
đồng doanh nghiệp thành phố, từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cũng như
kiến nghị các vấn đề nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp
các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng trang thông tin điện
tử www.chuongtrinhchungnhan.com.vn giúp doanh nghiệp tiếp cận các thông tin
liên quan đến các tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất và quản lý doanh nghiệp
cũng như các buổi hội thảo, huấn luyện.
Thành phố tiếp tục triển khai Quyết định
số 33/2011/QĐ-UBND về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của
thành phố Hồ chí Minh; đến nay đã có 37 dự án được phê duyệt với tổng mức đầu
tư là 3.751,838 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ là 1.863,924 tỷ đồng2. Hiện có 9/32 dự án đã triển khai với tổng vốn đầu
tư là 1.041,188 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ là 539,150 tỷ đồng,
đã ký hợp đồng tín dụng với hạn mức khoảng 523,77 tỷ đồng và số vốn đã giải
ngân là 314,227 tỷ đồng, đạt 60% giá trị hợp đồng; lũy kế số tiền ngân sách đã
cấp bù cho 9 dự án trên đến nay là 17,6 tỷ đồng.
Tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện
Quyết định 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành
phố ban hành Quy định về Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.
Trong 8 tháng đầu năm, có 299 phương án được phê duyệt theo Quyết định này, gồm
1.794 hộ vay vốn với tổng vốn đầu tư là 1.055 tỷ đồng, trong đó tổng vốn vay được
hỗ trợ lãi suất là 481 tỷ đồng. Lũy kế từ khi triển khai Quyết định này đến nay
đã có 583 phương án, 3.373 hộ, tổng vốn đầu tư 1.917 tỷ đồng, tổng vốn vay được
hỗ trợ lãi suất là 1.024 tỷ đồng.
b) Kết quả thực hiện tiết kiệm điện,
năng lượng
Trong 9 tháng đầu năm 2012, sản lượng
điện tiết kiệm tích lũy ước đạt 360,91 triệu kWh, chiếm 2,91% sản lượng điện
thương phẩm, tăng 20,6% so cùng kỳ (cùng kỳ đạt 299,25 triệu kWh), vượt 6,8% kế
hoạch năm 2012 (kế hoạch là 338 triệu kWh).
Chương trình thi đua Gia đình tiết
kiệm điện năm 2012 đã kết thúc vào cuối tháng 6/2012,
toàn thành phố có 594.946 hộ gia đình có điện năng tiêu thụ giảm so với cùng kỳ
với sản lượng điện tiết kiệm là 134,21 triệu kWh, đã mang lại hiệu quả lớn về
kinh tế, xã hội và môi trường. Chương trình “Cùng bạn sử dụng điện an toàn,
tiết kiệm” giai đoạn 1 đã thực hiện tại 229 trường học và 14 điểm trên địa
bàn thành phố với sự tham gia của 95.697 học sinh, giai đoạn 2 thực hiện tại 62
điểm sinh hoạt hè với sự tham gia của 7.395 học sinh. Đã triển khai thực hiện
16 tuyến đường kiểu mẫu tiết kiệm điện với sự tham gia của 3.943 khách hàng và
tiết kiệm được 541.076 kWh. Ngoài ra, thành phố cũng đã thực hiện chương trình
"Nguồn sáng an toàn văn minh tiết kiệm" tại 693 hộ tại các quận, huyện.
Trong 8 tháng đầu năm 2012, số lượng
bình nước nóng được đăng ký lắp đặt theo Chương trình quảng bá sử dụng bình
nước nóng năng lượng mặt trời là 2.900/4.400 bình (đạt 65,9%). Đã xây dựng
chương trình năng lượng xanh 2012-2015 để chủ động thực hiện trong lĩnh vực tiết
kiệm năng lượng, tiết kiệm điện dài hạn có sự tham gia của các sở, ban, ngành
thành phố.
4. Tình hình triển
khai các Chương trình bình ổn thị trường và công tác kiểm soát, quản lý giá cả:
a) Tình hình triển khai các Chương
trình bình ổn thị trường:
Chương trình bình ổn thị trường
các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013 có 2.687 điểm bán, tăng
397 điểm so đầu Chương trình. Lũy kế đầu Chương trình đến nay doanh thu đạt
3.796,4 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã thực hiện 453 chuyến bán hàng lưu động
theo nhóm với tổng doanh thu đạt 12,9 tỷ đồng, thực hiện 276 chuyến bán hàng
lưu động riêng lẻ, với doanh thu đạt 1,08 tỷ đồng.
Chương trình bình ổn thị trường
các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2012-2013
có 512 điểm bán, tăng 139 điểm so đầu Chương trình. Doanh thu cả Chương trình ước
đạt 370,9 tỷ đồng, tăng 162,2 tỷ đồng (+78%) so Chương trình năm 2011 (208,7 tỷ
đồng).
Chương trình bình ổn thị trường
các mặt hàng sữa có 333 điểm bán, tăng 20 điểm so với
đầu Chương trình. Có 3 nhóm hàng vượt kế hoạch là sữa dành cho trẻ em dưới 6
tháng tuổi (128,2%), sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất (143,1%), sữa bột dành
cho người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường (132,5%). Các nhóm còn lại đạt từ
52-93%.
Chương trình bình ổn thị trường
các mặt hàng dược phẩm thiết yếu: Trong tháng 8,
chương trình bình ổn thuốc năm 2012 và tết Quý tỵ năm 2013 được mở rộng thêm
315 nhà thuốc nâng tổng số điểm bán bình ổn giá thuốc lên 1.698 điểm. Danh mục
thuốc trong chương trình bình ổn có 85 mặt hàng với 76 hoạt chất và 13 nhóm điều
trị. Đến nay, có 9 doanh nghiệp tham gia chương trình3,
số lượng thuốc tham gia bình ổn chiếm gần 50% thuốc thuộc danh mục được sử dụng
năm. Giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình bình ổn thấp hơn giá bán của
sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất là 5 - 10%.
Ngoài ra, thành phố cũng tích cực thực
hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần thay đổi
nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất đối với hàng Việt. Đặc
biệt, các chương trình đưa hàng Việt về vùng ngoại thành, khu công nghiệp, khu
chế xuất,... giúp nhân dân tiếp cận trực tiếp với nhiều thương hiệu hàng Việt
có chất lượng; đây cũng là dịp để người tiêu dùng có thêm thông tin nhằm so
sánh, đánh giá, tránh mua nhầm hàng gian, hàng giả. Công tác quản lý nhà nước
ngày càng hoàn thiện dần cơ sở pháp lý, chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho
các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường, đáp ứng
nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
b) Công tác thanh kiểm tra, kiểm
soát về giá cả:
Trong 9 tháng đầu năm, ngành công
thương đã kiểm tra và tham gia liên ngành kiểm tra 12.966 vụ, có 9.453 vụ vi phạm
(trong đó, chuyên ngành 3.508 vụ, có 3.360 vụ vi phạm; liên ngành 9.458 vụ, có
6.093 vụ vi phạm). Đã xử phạt vi phạm hành chính 3.436 vụ, thu 98,5 tỷ đồng,
tăng 29,1% so cùng kỳ. Ngoài ra, đoàn kiểm tra liên ngành xăng dầu thành phố đã
tiến hành kiểm tra 129 trường hợp, lập biên bản xử phạt 69 vụ vi phạm về phòng
cháy chữa cháy, đo lường, chất lượng, quản lý, sử dụng hóa đơn,... với tổng số
tiền xử phạt 3,1 tỷ đồng.
5. Thực hiện
chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ cho sản xuất kinh
doanh:
a) Về thực hiện chính sách tiền tệ
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, các
quy định của Ngân hàng nhà nước đã ban hành, Thành phố tiếp tục chỉ đạo triển
khai, đảm bảo thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó
khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giám sát chặt chẽ các tổ chức
tín dụng trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định và chỉ đạo của Ngân
hàng nhà nước.
Tính đến cuối tháng 9, tổng vốn huy động
trên địa bồn thành phố ước đạt 952,3 ngàn tỷ đồng, tăng 0,3% so tháng trước,
tăng 6,58% so cuối năm 2011; trong đó, huy động vốn bằng VNĐ đạt 763,3 ngàn tỷ
đồng, tăng 11,53% so cuối năm 2011, huy động vốn bằng ngoại tệ đạt 189 ngàn tỷ
đồng, giảm 9,62% so cuối năm 2011. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 773,95 ngàn tỷ đồng,
tăng 0,5% so tháng trước và tăng 1,3% so cuối năm 2011. Trong đó, dư nợ tín dụng
bằng VNĐ đạt 575 ngàn tỷ đồng, tăng 3,25% so cuối năm 2011; dư nợ tín dụng bằng
ngoại tệ đạt 198,7 ngàn tỷ đồng, giảm 3,95% so cuối năm 2011. Tín dụng trong
lĩnh vực sản xuất kinh doanh và 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên vẫn đảm bảo đáp ứng khả
năng và nhu cầu vốn của doanh nghiệp với mức lãi suất từ 12 - 13%/năm. Riêng
các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, mức lãi suất được áp dụng dưới
10%.
b) Về tình hình thị trường ngoại tệ
và vàng
Quan hệ cung cầu ngoại tệ tương đối ổn
định; nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nhân dân và nhu cầu ngoại tệ phục vụ sản xuất
kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được đảm bảo. Trật tự thị trường được
chấn chỉnh, hiện tượng đầu cơ vàng, ngoại tệ giảm đáng kể so trước đây. Các trường
hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh vàng, ngoại tệ, niêm yết giá mua bán bằng ngoại
tệ trái pháp luật đều được xử lý theo quy định.
c) Về các giải pháp khác hỗ trợ,
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Thành phố tiếp tục triển khai những
giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực. Qua 2
tháng triển khai gói tín dụng hỗ trợ, các ngân hàng thương mại đã giải ngân
10.022 tỷ đồng và trên 700 ngàn USD, đạt trên 30% tổng gói hỗ trợ đã đăng ký.
Các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tiếp tục được triển khai hiệu
quả, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
6. Tình hình
quản lý và điều hành ngân sách thành phố, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt,
cắt giảm đầu tư công, giảm chi ngân sách:
Tổng số địa chỉ nhà đất đã thực hiện
bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ khi
thực hiện Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg (nay là Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg) đến
nay là 1.793 địa chỉ với tổng số tiền là 17.732 tỷ đồng; trong đó, số địa chỉ
nhà đất đã thực hiện bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục
đích sử dụng đất từ đầu năm 2012 đến nay là 39 địa chỉ với số tiền là 118,194 tỷ
đồng.
Thành phố tiếp tục tổ chức rà soát và
đề xuất tạm đình hoãn hoặc đình hoãn dự án đầu tư không phù hợp quy hoạch đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa xác định rõ hoặc không có hiệu quả đầu tư,
không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng,
các dự án chưa thật sự bức thiết; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ
giải ngân đạt khá so với kế hoạch, các dự án cấp bách cần phải triển khai ngay,
các dự án có khả năng hoàn thành để đưa vào sử dụng trong năm.
Tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao từ
đầu năm đến nay là 16.615,943 tỷ đồng, trong đó tập trung bố trí vốn cho các dự
án chuyển tiếp 5.948,112 tỷ đồng, chiếm 35,8% kế hoạch; các dự án khởi công mới
mang tính trọng điểm cấp bách, cần triển khai ngay 2.982,684 tỷ đồng, chiếm 18%
kế hoạch; kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng các dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi,
Bến Thành - Suối Tiên, mở rộng Xa lộ Hà Nội và dự án xây dựng tuyến đường sắt
đô thị Bến Thành - Tham Lương là 1.407,856 tỷ đồng, chiếm 8,5% kế hoạch; tổng vốn
đối ứng và vốn viện trợ cho các dự án ODA là 3.271,647 tỷ đồng, chiếm 19,7% kế
hoạch. Các lĩnh vực chủ yếu được thành phố quan tâm ưu tiên đầu tư lần lượt là
lĩnh vực giao thông đã bố trí 36,9% kế hoạch; lĩnh vực an ninh - quốc phòng,
xây dựng trụ sở các cơ quan hành chính đã bố trí 10,3%; lĩnh vực giáo dục - đào
tạo đã bố trí 9,8% kế hoạch. Tổng khối lượng giải ngân của các dự án trên địa
bàn tỉnh đến thời điểm này là 8.176,188 tỷ đồng, đạt 49,2% kế hoạch vốn đã
giao.
Ngành tài chính đã nghiêm túc thực hiện
chế độ thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng, phát hiện và xử lý những khoản
chi không đúng quy định. Đã đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương quyết toán các dự
án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, thực hiện thẩm tra và phê duyệt quyết
toán vốn đầu tư 203 dự án với tổng mức đầu tư 4.343,780 tỷ đồng, tiết kiệm cho
ngân sách 23,211 tỷ đồng; kiểm tra, thu hồi các khoản tạm ứng ngân sách, đặc biệt
là của các chủ đầu tư có dư nợ tạm ứng lớn, kéo dài nhiều năm. Kết quả xử lý
thanh toán tạm ứng và thu hồi cho ngân sách trong 8 tháng đầu năm 2012 đã giảm
tạm ứng ngân sách số tiền 669,391 tỷ đồng, trong đó thu hồi vào ngân sách
626,970 tỷ đồng và chuyển chi 42,421 tỷ đồng.
7. Tình hình triển
khai các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội:
Các chính sách an sinh xã hội đã được
thực hiện tốt góp phần ổn định tâm lý nhân dân thông qua việc thực hiện có hiệu
quả các chương trình hỗ trợ người nghèo, giải quyết việc làm, đẩy mạnh việc huy
động các nguồn lực xã hội giúp người nghèo, nhất là diện chính sách, người nghỉ
hưu, hộ nghèo, người khuyết tật, công nhân, nông dân, sinh viên và lực lượng vũ
trang gặp khó khăn do việc tăng giá điện, xăng dầu; vận động phong trào nhân
dân tương trợ, cùng chia sẻ khó khăn… Thành phố đã giải quyết việc làm cho
209.502 lao động, đạt 79,05% kế hoạch; trong đó có 82.476 lao động có chỗ làm mới,
đạt 65,98% kế hoạch năm.
Các nguồn quỹ cho vay vốn tín dụng ưu
đãi giải quyết khó khăn cho người nghèo được quản lý và sử dụng đúng mục đích.
Quỹ giảm nghèo đang trợ vốn cho 33.168 hộ nghèo với số tiền 198,144 tỷ đồng. Quỹ
hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất để thực hiện các
dự án đầu tư trên địa bàn thành phố đã xét duyệt 313 dự án sản xuất kinh doanh
với số tiền 28,31 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3.247 lao động và đưa 2.475
người lao động đi làm việc tại các nước trên thế giới. Thực hiện các chương
trình, dự án và chính sách hiện có như cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cấp
thẻ đi xe buýt miễn phí cho người tàn tật, miễn giảm học phí và cơ sở vật chất
cho học sinh, sinh viên nghèo, rà soát và xét duyệt đối tượng để thực hiện các
chính sách ưu đãi cho người có công, các chương trình mục tiêu quốc gia với tổng
kinh phí 56,932 tỷ đồng.
Các quận - huyện cũng tiếp tục triển
khai có hiệu quả công tác vận động không tăng giá nhà, giá điện tại các cơ sở
kinh doanh nhà trọ, đảm bảo ổn định giá cho thuê nhà trọ, góp phần giảm chi phí
cho người lao động, sinh viên học sinh khó khăn. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã
tích cực vận động từ thiện trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động sản xuất
để chăm lo thêm đời sống cho các đối tượng xã hội đang quản lý, điển hình như
duy trì việc bổ sung tiền ăn từ 50.000 - 60.000 đồng/người/tháng cho các đối tượng
là học viên và người già trên 60 tuổi; tổ chức bữa ăn sáng từ 4.000 đồng/người/ngày
- 7.000 đồng/người/ngày và hỗ trợ một số đồ dùng, vật dụng sinh hoạt cho các bệnh
nhân tâm thần và người bại liệt.
8. Công tác thông
tin tuyên truyền:
Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc,
đoàn thể và các cơ quan báo, đài, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên
truyền, vận động nhân dân nhận thức đúng, tạo đồng thuận cao trong việc tham
gia thực hiện và giám sát các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Nghị quyết
11/NQ-CP và Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, các cơ quan báo, đài
trên địa bàn đã xây dựng nhiều kế hoạch tuyên truyền cụ thể; xây dựng nhiều chuyên
trang, chuyên mục đa dạng, phù hợp về hình thức và nội dung. Các ngành, các cấp
và các đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn đã nhiệt liệt hưởng ứng và
tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương chung của cả nước, góp phần
hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
II. Đánh giá
chung:
Thành phố đã chủ động, sáng tạo và
quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp khẩn trương triển
khai Nghị quyết số 13/NQ-CP song song với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số
11/NQ-CP; cùng với sự phối hợp và đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực
của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu kiềm
chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện hiệu quả
các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết
yếu. Chương trình bình ổn thị trường đã thực sự trở thành một trong những công
cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu và thiết thực. Sản xuất kinh doanh từng bước
phục hồi và có đà tăng trưởng; thị trường nội địa bước đầu có chuyển biến. Các
vấn đề về xã hội và an sinh tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Thành phố kiên trì thực hiện nghiêm
túc các chủ trương, chính sách của Trung ương trong việc tập trung tháo gỡ khó
khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh như ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuộc
thẩm quyền thành phố; gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức nhiều
hội chợ, triển lãm chuyên ngành xúc tiến đầu tư; tạo điều kiện phát triển mở rộng
hệ thống kênh phân phối đưa hàng bình ổn về các khu chế xuất, khu công nghiệp,
khu lao động, tại các huyện, cùng sâu, vùng xa; ưu tiên bố trí vốn cho các công
trình, dự án có khối lượng giải ngân cao, có khả năng hoàn thành và đưa vào sử
dụng trong năm, các dự án phục vụ giao thông, an sinh xã hội... để đáp ứng nhu
cầu phát triển của thành phố.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó
khăn, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nên các ngân hàng rất thận
trọng trong hoạt động cho vay vốn. Do sức mua giảm, hàng tồn kho nhiều và chi
phí sản xuất tăng, một số doanh nghiệp chưa có phương án kinh doanh hiệu quả phải
thu hẹp quy mô sản xuất, ngừng hoạt động hoặc giải thể, ảnh hưởng đến việc làm
và đời sống người lao động. Đây là những trở ngại lớn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp
vượt qua khó khăn cũng như trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của
thành phố.
Mặc dù điều kiện ngân sách khó khăn
nhưng thành phố luôn quan tâm, tập trung đầu tư, bố trí vốn phát triển cơ sở hạ
tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Một số dự án đã được ưu
tiên bố trí vốn chưa được các chủ đầu tư quan tâm triển khai quyết liệt, khối
lượng giải ngân còn thấp, tiến độ kéo dài gây lãng phí cho ngân sách.
III. Nhiệm vụ trọng
tâm trong thời gian tới:
1. Tập
trung thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011, Nghị quyết số
13/NQ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ, Nghị quyết số 29/2012/QH13
ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội về ban hành một số chính sách thuế nhằm
tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân và Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 11 tháng 6
năm 2012 của Thành ủy nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh
doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm
phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước
thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất
lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo an sinh xã hội.
2. Tiếp tục
rà soát, nắm bắt danh sách những doanh nghiệp đang gặp khó khăn; tăng cường
theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện
lãi suất huy động, cho vay theo quy định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận
vốn vay.
3. Triển
khai thực hiện các quy định về gia hạn thuế, tiền sử dụng đất, giảm tiền thuê đất
theo Thông tư số 83/2012/TT-BTC ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Bộ Tài chính; chủ
động tìm giải pháp huy động nguồn thu đảm bảo cân đối ngân sách; tăng cường kiểm
tra, giám sát quản lý thu thuế, tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế; phấn đấu
thu ngân sách năm 2012 đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội trên địa bàn. Rà soát, xác định các vị trí đất nông nghiệp phù hợp quy
hoạch, tiến hành bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tăng thêm quỹ đất do
Nhà nước trực tiếp quản lý để đấu giá, tạo vốn đầu tư các công trình trọng điểm;
đẩy mạnh thực hiện Quyết định 09 của Thủ tướng về sắp xếp mặt bằng, nhà xưởng.
4. Tiếp tục
triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại theo hướng tích cực, hiệu
quả, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, mở ra nhiều tiền đề thuận lợi cho hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp tại các thị trường tiềm năng. Phát triển hệ thống
tiêu thụ hàng hóa, du lịch, dịch vụ đã được phê duyệt theo hướng chủ động, tích
cực, hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện chương trình tiếp xúc với các doanh nghiệp
trên địa bàn thành phố, tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp tại các
quận - huyện nhằm đáp ứng nhu cầu đối thoại, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó
khăn của doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ
cấu kinh tế theo chiều sâu.
5. Tiếp tục
đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thực hiện có hiệu quả 4 chương trình bình ổn giá cả thị trường năm 2012; khuyến
khích các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối, bố trí
các điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ truyền thống, khu dân cư, khu chế xuất,
khu công nghiệp và tại các xã vùng sâu, vùng xa.
6. Tiếp tục
thực hiện các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội ổn định đời sống nhân dân thông
qua việc đẩy mạnh công tác giảm nghèo tăng hộ khá, giải quyết việc làm và đào tạo
nghề cho người nghèo, hỗ trợ kịp thời đảm bảo đời sống cho người dân nhất là
người nghèo và người có công. Đẩy nhanh việc xem xét, phê duyệt kinh phí trợ cấp
khó khăn cho các đối tượng với mức chi cho các đối tượng bằng với mức chi năm
2011 đảm bảo thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách an sinh xã hội trên địa
bàn thành phố.
7. Đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, nhà
đất, cấp phép đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thủ tục về thuế và hải
quan nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, chú trọng
thu hút làn sóng đầu tư mới, quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường.
8. Thực
hiện nghiêm công tác quản lý, sử dụng ngân sách theo quy định, tiết kiệm, hiệu
quả, chống thất thoát, lãng phí. Quản lý chặt chẽ đầu tư công, ưu tiên vốn cho
dự án cấp bách; bồi thường hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng, đảm bảo vốn
cho các dự án hoàn thành trong năm 2012. Quyết liệt chỉ đạo các sở - ban -
ngành, quận - huyện đôn đốc các chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự
án đã được ưu tiên bố trí vốn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh
giá tiến độ thực hiện các dự án đầu tư từ ngân sách thành phố.
9. Phát
huy kết quả thực hiện tiết kiệm điện, năng lượng trong thời gian qua; phân bổ
điện hợp lý đảm bảo đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống
nhân dân. Tăng cường thông tin về các biện pháp thực hành tiết kiệm điện; chính
sách ưu đãi giá điện cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, công nhân, sinh viên, người
lao động. Tuyên truyền có hiệu quả các phong trào thi đua lao động sản xuất. Xử
lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, thiếu chính xác, đưa tin thất thiệt
gây mất ổn định xã hội.
10. Phát
huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp và các Hội ngành nghề là cầu nối giữa
doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong
việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực; giúp
doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin, chính sách vĩ mô của Nhà nước; phổ biến
rộng rãi các nhu cầu và định chế về chất lượng, môi trường của thị trường quốc
tế./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính; Bộ Công Thương;
- Ngân hàng Nhà nước;
- Văn phòng Chính phủ (HN và TP.HCM);
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố;
- Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố;
- Sở - ban - ngành thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- VPUB: CPVP; Các Phòng CV; THKH (3b);
- Lưu: VT, (THKH/K)
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Hồng
|
1
Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Đan Mạch, Nhật Bản,
Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Italia, Thụy Sĩ, Malaysia, Đức, Vương quốc Anh,
HongKong, Thái Lan.
2
Lĩnh vực Công nghiệp: 08 dự án với tổng vốn đầu tư 959,11 tỷ đồng,
trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 417,8 tỷ đồng;
lĩnh vực Hạ tầng: 02 dự án với tổng vốn đầu tư 171,22 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 93,13 tỷ đồng; lĩnh vực Môi trường: 02 dự
án với tổng vốn đấu tư 80,68 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư
được hỗ trợ lãi vay là 47,82 tỷ đồng; lĩnh vực Giáo dục và Dạy nghề: 14 dự án với
tổng vốn đầu tư 1.470,598
tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là
741,574 tỷ đồng; lĩnh vực Y tế: 08 dự án với tổng vốn đầu
tư 921,23 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 475,4 tỷ
đồng; lĩnh vực Văn hóa: 03 dự án với tổng vốn đầu tư 149 tỷ
đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 88,2 tỷ đồng.
3
Công ty Cổ phần Dược phẩm 3/2 (F.T. Pharma), Công ty Cổ phần Xuất
Nhập khẩu Y tế Đồng Tháp (Domesco), Công ty Cổ phần Dược phẩm Glomed, Công ty Euvipharm, Công ty LD Stada, công ty
Roussel VN, công ty CPDP 2/9, công ty CP Pymepharco và công ty CPDP OPV.