Báo cáo số 118/BC-UBTVQH12 về việc kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 118/BC-UBTVQH12
Ngày ban hành 13/05/2008
Ngày có hiệu lực 13/05/2008
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Tòng Thị Phóng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 118/BC-UBTVQH12

Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2008

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN

Kính gửi: Các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình giám sát năm 2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 558/NQ-UBTVQH12 thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân” (XHH công tác CSSKND), do đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn. Thành viên Đoàn giám sát gồm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội, một số ĐBQH, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tuyên giáo trung ương Đảng. Đoàn giám sát đã làm việc với các Bộ, ngành hữu quan và một số địa phương, cơ sở; đã xem xét báo cáo kết quả giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe liên quan đến nhiều lĩnh vực, tuy nhiên phạm vi giám sát lần này chỉ giới hạn vào việc thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác CSSKND, trong đó tập trung vào lĩnh vực cốt yếu nhất, đó là phòng bệnh và khám chữa bệnh giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2007.

Tại phiên họp thứ 8, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ và Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua xem xét các báo cáo của Chính phủ và của Đoàn giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật XHH công tác CSSKND. Báo cáo tập trung vào hai nội dung sau:

Phần thứ nhất: Thực hiện chính sách pháp luật XHH công tác CSSKND.  

Phần thứ hai: Một số kiến nghị liên quan đến XHH công tác CSSKND.

 

Phần thứ nhất.

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN

1. Nội dung chính sách pháp luật XHH công tác CSSK nhân dân

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và tăng dần đầu tư nguồn lực cho công tác CSSK nhân dân. Thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN với sự quản lý của Nhà nước, xây dựng hệ thống y tế kết hợp công và tư, trong đó y tế công giữ vai trò chủ đạo, từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII,VIII, IX, X và gần đây nhất Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 về công tác CSSKND trong tình hình mới đều đề cập đến xã hội hóa CSSKND. Nội dung các nghị quyết của Đảng đã nêu rõ chủ trương huy động mọi nguồn lực tham gia công tác CSSKND theo tinh thần xã hội hoá, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Căn cứ các chủ trương đó, Quốc hội đã ban hành một số luật, pháp lệnh để thể chế hoá chủ trương của Đảng. Mặc dầu khả năng tài chính còn khó khăn, nhưng Chính phủ đã tập trung nguồn lực đầu tư để ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại, các loại thuốc mới và đã quan tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế để đảm bảo việc CSSK nhân dân ngày càng hiệu quả hơn.

Tuy hiện nay chưa có luật, pháp lệnh quy định về XHH công tác CSSKND, song vấn đề này được thể hiện trong nội dung của một số luật, pháp lệnh, các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội như: Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, Luật dược.. Đó là những văn bản có một số quy định trực tiếp và cụ thể về XHH công tác CSSKND. Ngoài ra, một số văn bản khác như Luật ngân sách Nhà nước, Luật đất đai, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật P/c nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật P/c bệnh truyền nhiễm, Nghị quyết hàng năm của Quốc hội... đã có những quy định liên quan đến XHH công tác CSSKND.

Mục tiêu của chính sách pháp luật về XHH công tác CSSKND là nhằm huy động, khai thác các nguồn lực xã hội để tăng thêm Điều kiện đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, người dân được chăm sóc sức khỏe thuận lợi, có hiệu quả; mọi người có cơ hội tham gia bình đẳng vào việc CSSKND. Nội dung cơ bản của chính sách pháp luật về XHH công tác CSSKND thể hiện ở các nội dung cụ thể như sau:

Chính sách pháp luật về tăng nguồn lực nhà nước đầu tư cho công tác CSSKND, thể hiện quan điểm coi CSSK là ưu tiên hàng đầu cũng như vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc CSSKND.

Chính sách pháp luật về huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng, đoàn thể, xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo trong CSSKND thông qua tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức vệ sinh phòng bệnh, tham gia BHYT, tự giữ gìn và nâng cao sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Chính sách pháp luật về huy động cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư xây dựng cơ sở y, dược tư nhân phục vụ CSSK.

Chính sách pháp luật về cơ chế tự chủ cho các cơ sở y tế công lập, huy động thêm nguồn lực khác để cơ sở y tế công có Điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKND, cụ thể là tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, liên doanh liên kết trong bệnh viện công.

2. Kết quả thi hành chính sách pháp luật về XHH công tác CSSKND

2.1. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh liên quan đến chính sách pháp luật XHH công tác CSSKND

Căn cứ vào nội dung một số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã ban hành nhiều Nghị định, thông tư để hướng dẫn thi hành Luật đất đai, Luật dược, Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật dược, Luật P/c HIV/AIDS... Các văn bản hướng dẫn được ban hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tế, có những quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện các nội dung XHH công tác CSSKND, phù hợp với quy định của luật và pháp lệnh.

Trước nhu cầu đòi hỏi nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện công, Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết, nghị định chỉ đạo thực hiện XHH nói chung, trong đó có XHH công tác CSSKND nói riêng. Đó là Nghị quyết 90/1997/NQ-CP, Nghị định 73/1999/NĐ-CP; Nghị định 10/2002/NĐ-CP; Nghị quyết 05/2005/NQ-CP, Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị định 53/2006/NĐ-CP...  Nội dung của các nghị quyết và nghị định này quy định về cơ chế tự chủ cho cơ sở sự nghiệp công, trong đó có cơ chế thực hiện liên doanh liên kết. Thực tế những năm qua cho thấy nội dung các nghị định nêu trên đã phù hợp và tạo ra diện mạo mới cho bệnh viện công, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của các tầng lớp dân cư. Những kết quả đó đã thể hiện sự năng động của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

2.2. Thi hành chính sách pháp luật về tăng nguồn lực cho CSSKND

a) Về chi ngân sách cho CSSKND

Trong những năm qua tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho CSSKND tuy tiếp tục tăng, nhưng tăng chậm[1]. Ngân sách đã tập trung đầu tư cho phòng bệnh, khám chữa bệnh, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, nhân dân sống ở vùng khó khăn. Từ năm 2006, Chính phủ đã quy định mức đầu tư bình quân cho CSSK đối với người dân ở vùng khó khăn với hệ số ưu tiên tăng từ 1,8 đến 2,4 lần so với vùng đô thị. Mặc dù chưa đạt mức gấp 3 lần như đề nghị của Bộ Y tế, nhưng Điều đó đã thể hiện sự cố gắng lớn của Chính phủ trong khi Điều kiện ngân sách hạn hẹp. Chính phủ đã chỉ đạo đưa nhiều dự án ODA về CSSK đến các vùng nông thôn, miền núi. Chính sách ưu đãi CSSK đã được mở rộng diện áp dụng đối với người dân ở xã thuộc Chương trình 135, vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, người nghèo và từ năm 2008 với cả hộ cận nghèo. Định mức hỗ trợ của ngân sách qua BHYT cho một số đối tượng ưu tiên đã tăng từ 80.000 đ/thẻ lên 130.000 đ/thẻ... Đến nay có những tỉnh miền núi, 80-90% dân số được chăm sóc sức khoẻ thông qua BHYT.

Hiện nay, nước ta chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về tỷ lệ chi ngân sách cho CSSK[2] để phù hợp với mục tiêu đặt ra của công tác CSSKND. Nghị quyết hàng năm của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội cũng chỉ ghi chung là tăng cường nguồn lực cho CSSKND và tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở y tế công, tập trung cho y tế huyện[3]. Bên cạnh đó, quy định của Luật ngân sách đã giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trong việc quyết định phân bổ ngân sách ở địa phương. Do vậy, tỷ lệ chi ngân sách cho CSSK ở địa phương là tùy thuộc quyết định của tỉnh, thành phố, chưa có cơ chế để các bộ ngành tham gia Điều chỉnh bảo đảm các mục tiêu CSSK được thực hiện trên phạm vi cả nước. Kết quả là, tỷ lệ ngân sách chi y tế rất khác nhau giữa các địa phương, có nơi chi 5,5%, có nơi chi 6%, có nơi chi 8% ngân sách cho CSSK. Mức chi cao hay thấp là tùy thuộc vào sự quan tâm cũng như nguồn tăng thu ở địa phương, bởi khi phân bổ ngân sách các địa phương đều phải tập trung cho các ưu tiên về hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề giáo dục, vấn đề môi trường nên nhiều địa phương khó có thể giành ưu tiên để tăng ngân sách cho CSSK, thậm chí có tỉnh còn cắt giảm kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch nguy hiểm để dành cho hoạt động khác[4].

Tuy vậy, việc phân cấp ngân sách cũng tạo ra cơ chế để nhiều địa phương chủ động quan tâm đầu tư cho CSSK, như hỗ trợ nâng cấp hệ thống trạm y tế xã, bệnh viện huyện, đầu tư hệ thống xử lý nước thải ở các bệnh viện[5]; cung cấp trang thiết bị kỹ thuật y tế, cho vay vốn để nâng cấp thiết bị y tế[6], hỗ trợ đời sống cán bộ y tế ở cơ sở, cán bộ y tế dự phòng, mức độ quan tâm đầu tư phụ thuộc vào Điều kiện của từng tỉnh, thành phố.

[...]