Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Báo cáo số 0891 TM/CSTNTN ngày 3/03/2004 của Bộ Thương mại về việc thị trường trong nước tháng 2/2004

Số hiệu 0891TM/CSTNTN
Ngày ban hành 03/03/2004
Ngày có hiệu lực 03/03/2004
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Phan Thế Ruệ
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 0891 TM/CSTNTN

 

Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2004

 

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC THÁNG 2 NĂM 2004

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Trong tháng 2/2004, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp 2 buổi để đánh giá và phân tích tình hình thị trường trong nước những tháng đầu năm 2004 và đã có 2 công văn số 0657 TM/CSTTTN ngày 18 tháng 2 năm 2004 và số 0752 TM/CSTTN ngày 23 tháng 2 năm 2004 về giải pháp xử lý đối với một số mặt hàng (chủ yếu là đối với nhựa và sắt thép); Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thị trường trong nước tháng 2/2004 như sau:

I. NHẬN ĐỊNH CHUNG

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế trong nước tháng 2 năm 2004 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Cùng với sự chỉ đạo tích cực nhằm chủ động nguồn nước chống hạn của các ngành, thời tiết giữa tháng ấm dần đã tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ lúa Đông Xuân tại các tỉnh phía Bắc và thu hoạch lúa Đông Xuân tại các tỉnh ĐBSCL; dịch cúm gia cầm đã cơ bản được khống chế, đồng thời các giải pháp chế biến, lư thông, tiêu thụ gia cầm dồi dào, nhưng do sức mua sau Tết giảm đáng kể, nên nhịp độ lưu thông hàng hoá và sức mua của xã hội sau Tết giảm hơn. Hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh (giá thép tăng cao, nhiều công trình tiến độ xây dựng chậm lại; giá hạt nhựa tăng cao không ít doanh nghiệp bị lỗ khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu...)

Do giá cả nhiều mặt hàng tăng cao vào dịp Tết và sau Tết (được tính vào chỉ số giá tháng 2 năm 2004) nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 năm 2004 so với tháng 1 năm 2004 tăng 3% (trong đó khu vực nông thôn tăng 2,6%). Trong cơ cấu chỉ số giá tháng 2 nhóm LT-TP có mắc tăng cao nhất là 5,1% (LT: + 1,5%; TP: +6,8%), các nhóm hàng khác có mức tăng từ 0,5 - 1,8%, riêng nhóm may mặc - mũ nón giảm 0,3% và nhóm giáo dục là ổn định. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2004 tăng 4,1% (đây là mức tăng giá 2 tháng đầu năm cao nhất trong 10 năm qua), trong đó nhóm LT-TP có mức tăng cao nhất là 6,8% (LT: + 3,6%; TP: +8,5%), kế đó là nhóm đồ uống và thuốc lá là 3,4, các nhóm còn lại có mức tăng từ 0,2 - 2,7%, giá vàng tăng 2,2%, giá đô la Mỹ tăng 0,1%.

Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 2 tháng đạt 59.500 tỷ đồng, tăng 16, 2% so với cùng kỳ. Dự báo tháng 2 năm 2004 chỉ số giá tiêu dùng còn tăng nhẹ, do giá một số loại vật tư đã tăng cao trong tháng qua sẽ chững lại, giá một số thực phẩm sẽ giảm dần, riêng giá lương thực khả năng sẽ tăng lại các tỉnh phía Bắc và cả ĐBSCL.

II. MỘT SỐ MẶT HÀNG CHỦ YẾU

1. Lương thực:

- Các tỉnh phía Bắc: nguồn lương thực trên thị trường nhìn chung đáp ứng được nhu cầu, nhưng do thời gian vụ còn kéo dài, nông dân có tâm lý hạn chế bán ra, giá lương thực bắt đầu có chiều hướng tăng từ 50 - 100 đ/kg. Các tỉnh phổ biến ở mức: thóc tẻ từ 2.400 - 2.700 đ/kg; gạo tẻ từ 3.500 - 3.900 đ/kg (Quảng Ninh, Lạng Sơn từ 4.000 - 4.200 đ/kg).

- Các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ giá lương thực nhìn chung ổn định riêng các tỉnh ĐBSCL do dang thu hoạch lúa Đông Xuân, nguồn lương thực tăng nên giá lương thực đầu tháng giảm từ 100 - 150 đ/kg, phổ biến ở mức từ 1.800 - 1.850 đ/kg (lúa) và 2.900 - 3.100 đ/kg (gạo tẻ). Cuối tháng giá lúa tại ĐBSCL lại tăng trở lại, ở mức 1.850 - 1.950 đ/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao tại mạn hiện khoảng 2.920 - 3.050 đ/kg, gạo 25 tấm phổ biến khoảng 2.760 - 2.800 đ/kg. Thời gian tới giá lương thực sẽ ổn định ở mức cao, do sản lượng vụ lúa Đông Xuân 2003/2004 giảm 230.000 tấn so với vụ trước (diện tích giảm 45.000 ha so với vụ trước), mặt khác các doanh nghiệp xuất khẩu đang đẩy mạnh thu mua để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký, cùng với giá gạo trên thị trường thế giới ở mức cao.

Trên thị trường gạo Châu Á giá gạo tiếp tục tăng: Tại Thái Lan do Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình can thiệp thị trường lúa vụ chính đã hỗ trợ giá gạo tăng: gạo 100%B từ 220 USD/T tăng lên 227 USD/T (20/2); 25% tấm từ 196 USD/T tăng lên 206 USD/T (20/2). Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua gạo nhằm thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký, giá chào xuất khẩu tăng: gạo 5% tấm từ 193 USD/T, tuy giá gạo xuất khẩu tăng nhưng vẫn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan từ 7 - 16 USD/T. ước xuất khẩu gạo tháng 2/2004 khoảng 200.000 tấn, ước 2 tháng đầu năm 2004 khoảng 300.000 tấn.

2. Thực phẩm:

Trên thị trường, lượng thực phẩm cung ứng vẫn dồi dào nhưng do tác động của dịch cúm gia cầm và rét đậm kéo dài nên giá thực phẩm vẫn duy trì ở mức cao từ sau Tết. Giá thực phẩm cao đã hỗ trợ phần nào khó khăn cho đời sống của bà con nông dân. Đề nghị Nhà nước cần có các giải pháp kịp thời để khôi phục đàn gia cầm như hoãn nợ, khoanh nợ cũ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ mua giống, cung cấp văcxin phòng bệnh gia cầm đối với người chăn nuôi gia cầm; đồng thời chỉ đạo mạnh mẽ việc đảm bảo VSATTP trong giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia cầm, gia súc thông qua việc thiết lập lại hệ thống các điều kiện kinh doanh thực phẩm nhằm khuyến khích tiêu dùng gia cầm, gia súc qua chế biến công nghiệp, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh.

3. Đường kính:

Hiện nay các nhà may đang vào vụ ép rộ, giá thu mua mía nguyên liệu nhìn chung là tăng, mức giá thu mua cụ thể sau:

- Phía Bắc:          + Tại ruộng là 205.000 đ/T

+ Tại nhà máy từ 230.000 - 240.000 đ/T

- Miền Trung:      + Tại ruộng là 210.000 - 220.000 đ/T

- ĐBSCL:           + Tại ruộng là 250.000 đ/T

                           + Tại nhà máy là 290.000 đ/T

Một số nhà máy phía Nam đã có hiện tượng thiếu mía sản xuất.

Giá đường bán tại nhà máy ở mức từ 3.800 - 3.900 đ/kg (miền Bắc); 3.900 - 4.000 đ/kg (miền Trung); 4.100 đ/kg (ĐBSCL).

Giá bán lẻ đường RE trên thị trường ở mức từ 5.000 - 5.500 đ/kg.

Dự báo giá đường trong nước thời gian tới có thể giảm, nhưng mức giảm không nhiều. Trên thị trường thế giới, giá đường tiếp tục xu hướng tăng: tại Luân Đôn đường trắng giao T5/2004 là 194 USD/T tăng lên 200,7 USD/T.

Ước tiêu thụ đường tháng 2 khoảng 75.000 tấn (BQ năm 2003 là 90.000 tấn/tháng), giảm mạnh so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm.

4. Phân bón:

Trên thị trường thế giới do nhu cầu giảm đã tác động tới giá phân urê bắt đầu có dấu hiệu giảm: tại Bắc Mỹ giá urê hạt từ 190 USD/T giảm còn 182 - 184 USD/T.

[...]