TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 02/KTR-TLĐ
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 01 năm 2005
|
BÁO CÁO
HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP NĂM 2004 VÀ
CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2005
Thực hiện chương trình công tác năm 2004, Uỷ ban
kiểm tra công đoàn các cấp đã tập trung thực hiện và đạt những kết quả chủ yếu
sau đây:
I- MỘT SỐ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG:
1- Về tổ chức, cán bộ Uỷ ban
kiểm tra:
Sau Đại hội, được sự quan tâm chỉ đạo của Đoàn
Chủ tịch Tổng Liên đoàn và Ban thường vụ công đoàn các cấp, Uỷ ban kiểm tra
công đoàn các cấp đã được kiện toàn, củng cố về số lượng, cũng như nâng cao về
chất lượng. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 67 LĐLĐ tỉnh, TP, công đoàn
ngành TW, đã có 29.762 Uỷ ban kiểm tra với 88.292 Uỷ viên (xem phụ lục số 1). Một
số Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra là Phó Chủ tịch, và hầu hết là Uỷ viên Ban thường
vụ công đoàn cùng cấp; cán bộ nữ làm kiểm tra chiếm 29,76%; số cán bộ chuyên
trách Uỷ ban kiểm tra chiếm tỷ lệ rất thấp (0,15%), tập trung ở cấp tỉnh, TP,
công đoàn ngành TW và Tổng Liên đoàn. Hầu hết Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp
sau khi được Ban chấp hành bầu ra đã nhanh chóng ổn định về tổ chức, phân công
nhiệm vụ cho các thành viên; tiến hành xây dựng quy chế làm việc của Uỷ ban kiểm
tra và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu của Uỷ ban kiểm tra trong năm.
Đến nay, đã có 19.707 Uỷ ban kiểm tra tiến hành phân xếp loại hoạt động năm
2004, trong đó: loại xuất sắc: 27,2%; loại khá: 48,37%; loại trung bình:
20,38%; loại yếu: 3,15%.
Tuy nhiên, một số cấp công đoàn chưa thật sự
quan tâm quy hoạch đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, tăng cường cán bộ kiểm
tra (một số công đoàn ngành TW, LĐLĐ tỉnh, TP chỉ có 1 cán bộ chuyên trách),
chưa tạo điều kiện cho Uỷ ban kiểm tra hoạt động; một số công đoàn cơ sở có đủ
điều kiện nhưng chưa thành lập được Uỷ ban kiểm tra.
2- Về thực hiện nhiệm vụ Uỷ
ban kiểm tra:
2.1- Giúp Ban Chấp
hành, Ban thường vụ kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam:
Năm 2004, là năm đầu tiên triển khai thực hiện
Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn Việt Nam, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Uỷ ban kiểm
Tổng Liên đoàn giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xây dựng Kế hoạch kiểm tra,
trong đó đã tập trung vào các nội dung chủ yếu như: công tác tổ chức phổ biến,
triển khai Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn Việt Nam; các Chỉ thị, Nghị quyết và
quy định của Tổng Liên đoàn; việc xây dựng và thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết,
qui chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Uỷ ban kiểm tra công đoàn
các cấp; công tác phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn... Đồng thời
giúp Đoàn Chủ tịch và phối hợp với một số ban có liên quan tiến hành kiểm tra
việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam tại LĐLĐ các tỉnh: Hưng Yên, Bắc
Ninh, Cao Bằng, Bắc Cạn, Đồng Nai, Bà Rịa-VT và Công đoàn Cao su Việt Nam.
Đối với cấp dưới, theo số liệu báo cáo chưa đầy
đủ, Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp đã thực hiện được 29.968 cuộc kiểm tra.
Trong đó, 15.586 cuộc kiểm tra ở cấp mình và 14.382 cuộc kiểm tra cấp dưới;
công đoàn cấp tỉnh, TP, ngành TW thực hiện được 24 cuộc kiểm tra ở cấp mình và
1.254 cuộc kiểm tra cấp dưới; cấp quận huyện ngành ĐP thực hiện 1.236 cuộc kiểm
tra ở cấp mình và 8.642 cuộc kiểm tra cấp dưới, còn lại là cấp cơ sở tự kiểm
tra (xem phụ lục số 2).
Qua kiểm tra cho thấy: Về cơ bản, công đoàn các
cấp đã chấp hành các quy định của Điều lệ và Thông tri hướng dẫn thi hành Điều
lệ Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã nghiên
cứu xây dựng một số Nghị quyết chuyên đề như phát triển 1 triệu đoàn viên; hoạt
động kinh tế công đoàn, công tác tư vấn pháp luật của công đoàn; công tác tổ chức,
đào tạo, tuyển dụng cán bộ công đoàn... Công đoàn các cấp cũng đã tập trung chủ
yếu vào việc nghiên cứu, phổ biến, triển khai Nghị quyết của Đảng, công đoàn cấp
trên, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn Việt Nam, các nghị quyết của
Tổng Liên đoàn và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn;
công đoàn các cấp cũng đã cụ thể hoá bằng các Kế hoạch, hướng dẫn của cấp mình
để triển khai đến cấp cơ sở; các chương trình công tác của công đoàn cấp trên
đã được công đoàn cấp dưới triển khai thực hiện.Ngoài ra, một số công đoàn cấp
trên cơ sở, CĐCS đã tuyên truyền các chính sách pháp luật về lao động, về công
đoàn, BHXH thông qua các tài liệu, ấn phẩm, các tờ bướm, bản tin... Về chế độ
sinh hoạt công đoàn, cơ bản được duy trì, nội dung sinh hoạt từng bước được đổi
mới.
Hầu hết các công đoàn cấp trên cơ sở và công
đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp nhà nước đều đã chú trọng xây dựng các quy chế hoạt
động của Ban chấp hành, Ban thường vụ, Uỷ ban kiểm tra và quy chế phối hợp giữa
công đoàn với chính quyền cùng cấp, một số LĐLĐ tỉnh đã chủ động xây dựng được
các chương trình phối hợp với các sở ban ngành đoàn thể có liên quan, bám sát
nhiệm vụ chính trị của Địa phương, ngành mình và tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo
của cấp uỷ đảng, sự hỗ trợ của chính quyền cùng cấp để hoạt động công đoàn được
thuận lợi và mang lại hiệu quả. Một số công đoàn ngành TW đã phối hợp tốt với
LĐLĐ tỉnh, TP trong việc chỉ đạo hoạt động đối với cơ sở, như Công đoàn Cao su
Việt Nam đã sớm xây dựng các quy chế phối hợp và giúp cho cơ sở hoạt động thuận
lợi.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được các
cấp công đoàn quan tâm, chỉ đạo. Các CĐCS đã chủ động phối hợp với Thủ trưởng
cơ quan, doanh nghiệp tổ chức Đại hội CNVC và Hội nghị CBCC. Nội dung Đại hội,
Hội nghị đã thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Tổng Liên
đoàn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công đoàn được chú trọng,
nội dung trong các cuộc họp công đoàn hoặc quyết định những vấn đề quan trọng đều
được tập thể thảo luận dân chủ trước khi quyết định. Một số nơi đã từng bước thực
hiện việc công khai tài chính công đoàn theo quy định. Việc phát triển đoàn
viên được các cấp tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, về thủ tục cơ bản
theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền Nghị quyết Đại hội
IX Công đoàn Việt Nam, các Nghị quyết của Tổng Liên đoàn chủ yếu mới phổ biến đến
cán bộ công đoàn cơ sở, ít cụ thể hoá thành văn bản và phổ biến tới đông đảo
đoàn viên CNLĐ (nhất là khu vực ngoài quốc doanh); một số công đoàn cơ sở chưa
xây dựng được quy chế hoạt động, chưa thực hiện tốt việc công khai tài chính
công đoàn theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn; việc thực hiện quy chế dân chủ ở
cơ sở còn nặng về hình thức, chất lượng chưa cao; chế độ sinh hoạt chưa đảm bảo
quy định, nhất là CĐCS, CĐBP và tổ CĐ, số lượng dự họp không đầy đủ, nội dung
sinh hoạt nghèo nàn; một số nơi cán bộ thiếu chưa được bổ sung; việc triển khai
và thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên chưa kịp thời; sự phối hợp giữa
ngành và địa phương chưa tốt; chế độ thông tin báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời;
hình thức trình bày văn bản còn thiết sót, công tác lưu giữ hồ sơ tài liệu chưa
tốt, việc ghi chép sổ Nghị quyết và theo dõi công văn đi, công văn đến chưa
khoa học; hoạt động công đoàn khu vực ngoài quốc doanh còn lúng túng; chưa thực
hiện đầy đủ thủ tục kết nạp đoàn viên như hướng dẫn làm đơn, ra quyết định kết
nạp, tỷ lệ phát thẻ đoàn viên còn thấp; một số BCH, BTV chưa thật sự quan tâm đến
công tác kiểm tra Điều lệ hoặc có nơi cả năm chưa tiến hành kiểm tra chấp hành
Điều lệ mà chỉ kết hợp bằng việc kiểm tra phân xếp loại hoạt động vào dịp cuối
năm.
2.2- Kiểm tra công đoàn
cùng cấp và cấp dưới khi tổ chức, đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị
quyết, Chỉ thị và các quy định của Công đoàn:
Đây là nhiệm vụ mới được Điều lệ Công đoàn Việt
Nam quy định, do đó Uỷ ban kiểm tra các cấp đang tập trung làm chuyển biến về mặt
nhận thức. Uỷ ban kiểm tra Tổng Liên đoàn đã từng bước nghiên cứu, chỉ đạo hướng
dẫn cấp dưới triển khai thực hiện. Một số Uỷ ban kiểm tra cũng đã bước đầu tiến
hành được một số cuộc kiểm tra. Theo báo cáo, Uỷ ban kiểm tra các cấp đã thực
hiện được 937 cuộc kiểm tra, trong đó kiểm tra ở cùng cấp 241 cuộc và kiểm tra
cấp dưới là 696 cuộc, kiểm tra đối với tổ chức là 778 cuộc, kiểm tra đối với
đoàn viên là 159 cuộc; cấp tỉnh, thành phố, ngành TW thực hiện được 35 cuộc, cấp
quận huyện, ngành địa phương thực hiện được 355 cuộc và công đoàn cơ sở, nghiệp
đoàn thực hiện được 547 cuộc (xem phụ lục số 3). Qua kiểm tra cho thấy: vi phạm
chủ yếu là về nguyên tắc, thủ tục bầu cử và công nhận các chức danh của công
đoàn; kiểm phiếu nhầm lẫn, sai sót; nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động
chưa tốt; chưa đảm bảo chế độ sinh hoạt, thực hiện chế độ báo cáo chưa nghiêm,
kéo dài nhiệm kỳ đại hội; chưa thực hiện đầy đủ thủ tục kết nạp đoàn viên, phát
thẻ đoàn viên; trích nộp kinh phí công đoàn thiếu và đoàn phí đóng không đúng
quy định...
Thông qua kiểm tra, Uỷ ban kiểm tra công đoàn
các cấp đã phát hiện 124 tổ chức công đoàn và đoàn viên vi phạm Điều lệ, Chỉ thị,
Nghị quyết và các quy định của công đoàn (chiếm 13,23% tổ chức, đoàn viên được
kiểm tra). Trong đó có 87 tổ chức công đoàn và 37 đoàn viên có vi phạm. Uỷ ban
kiểm tra các cấp đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với với những trường hợp
vi phạm, kịp thời uốn nắn ngăn chặn các biểu hiện vi phạm.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi
phạm thực hiện chưa nhiều, một số công đoàn chưa nhận thức đầy đủ về kiểm tra,
một số Uỷ ban kiểm tra còn ngại kiểm tra hoặc chưa chú trọng tập trung thực hiện
kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
2.3- Về kiểm tra tài
chính công đoàn:
Năm 2004, theo báo cáo chưa đầy đủ Uỷ ban kiểm
tra công đoàn các cấp đã kiểm tra 26.110 cuộc về quản lý thu chi tài chính công
đoàn, trong đó kiểm tra đồng cấp 14.803 cuộc, còn lại là kiểm tra cấp dưới, qua
kiểm tra đã truy thu với tổng số tiền là: 7.698.069.002 đồng, trong đó: kinh
phí công đoàn: 6.733.841.436 đồng; đoàn phí: 532.249.566 đồng; truy thu khác:
427.976.000 đồng ... (xem phụ lục số 4).
Uỷ ban kiểm tra TLĐ đã tiến hành kiểm tra đồng cấp
và 6 cuộc kiểm tra cấp dưới. Kết luận kiểm tra đồng cấp UBKT TLĐ đã gửi Thường
trực đoàn Chủ tịch TLĐ. Trong báo cáo này Uỷ ban kiểm tra TLĐ xin báo cáo với
Ban chấp hành TLĐ một số vấn đề của kết luận kiểm tra đồng cấp (cấp Tổng dự
toán):
a-Về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện
ngân sách công đoàn năm 2003:
* Phần Thu:
|
1.431.483.400.990 đ
|
Trong đó :-Thu KP CĐ: 813.697.805.573 đ
|
|
- Thu đoàn phí: 324.414.364.411 đ
|
|
- Thu khác: 293.371.231.006 đ
|
|
* Phần Chi:
|
1.288.642.844.485 đ
|
Trong đó:
|
|
- Chi cấp Tổng dự toán: 319.288.600 đ (chiếm 0,02%)
- Chi cơ quan TLĐ:17.359.527.314 đ (1,3%)
- Chi của đơn vị trực thuộc TLĐ: 31.199.831.764 đ (2,42%)
- Chi tại Cơ quan LĐLĐ tỉnh, TP: 178.675.217.143 đ (13,87%)
- Chi tại cơ quan CĐ ngành TW: 70.915.519.650 đ (5,5%)
- Chi tại CĐ cấp trên cơ sở: 218.909.018.167 đ (16,99%)
- Chi tại Công đoàn cơ sở: 771.264.441.847đ (59,9%)
|
Chênh lệch thu-chi năm 2003:
|
142.840.556.505 đ
|
|
|
|
b- Về hoạt động thu và phân
phối ở Tổng Liên đoàn ( cấp Tổng dự toán).
* Thu của Tổng Liên đoàn:
|
83.873.615.519 đ
|
Trong đó:
|
|
- Bộ Tài chính chuyển: 40.467.100.000 đ
|
|
- 9 LĐLĐ tỉnh, TP nộp: 8.030.000.000 đ
|
|
- 14 CĐ ngành nộp: 30.666.000.000 đ
|
|
- Thu khác: 4.710515.519 đ
|
|
*Chi và phân phối cho công đoàn các cấp:
|
70.553.080.741 đ
|
Trong đó: - Chi tại Tổng dự toán: 319.288.600 đ
- Cấp cho LĐLĐ tỉnh, TP: 38.860.495.200 đ
- Cấp cho CĐ ngành TW: 8.534.504.000 đ
- Cấp cho các đơn vị trực thuộc: 22.838.792.941 đ
|
|
Chênh lệch thu-chi năm 2003 của Tổng dự toán:
|
13.320.534.778 đ
|
Kết luận kiểm tra đồng cấp đã nêu 5 ưu điểm, 6
khuyết điểm tồn tại và 8 kiến nghị với Đoàn Chủ tịch TLĐ.
Qua kiểm tra đồng cấp ở Tổng liên đoàn và qua
báo cáo của các cuộc kiểm tra về quản lý thu chi tài chính công đoàn của Uỷ ban
kiểm tra công đoàn các cấp cho một số nhận xét sau đây về tình hình quản lý,
thu chi tài chính, tài sản công đoàn:
- Ưu điểm:
Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn đã có nhiều
cố gắng, quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tài chính công đoàn: đã ban hành
các Nghị quyết, văn bản hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, thu kinh phí công đoàn và
đoàn phí vượt kế hoạch đề ra (thu kinh phí công đoàn đạt 135% kế hoạch, thu
đoàn phí đạt 135,8 % kế hoạch, thu khác đạt 339,6 % kế hoạch); đảm bảo ngân
sách chi cho các hoạt động công đoàn (trong đó quan tâm cho việc chi ở cơ sở
chiếm 59,9%), nhất là chi Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội IX công đoàn Việt
Nam.
- Khuyết điểm và tồn tại:
+ Công tác lập dự toán, duyệt dự toán chưa sát với
thực tế, duyệt quyết toán chủ yếu dựa vào báo cáo của cấp dưới, thiếu sự kiểm
tra, xác minh (nhất là cấp Tổng Liên đoàn);
+ Còn thất thu kinh phí và đoàn phí công đoàn
(nhất là khu vực ngoài quốc doanh).
+ Việc chi tiêu ở một số cấp công đoàn nhìn
chung chưa thực sự tiết kiệm, còn có biểu hiện lãng phí như: chi tiêu cho đại hội
công đoàn; mua ô tô vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của Chính phủ; tiếp
khách nhiều và không đúng quy định; tổ chức tham quan, du lịch không đúng quy định;
một số khoản chi không theo quy định và vượt định mức chi như: chi hành chính,
hội họp, cộng tác viên, lễ tết...
+ Không ít chứng từ thanh toán không đúng quy định
của Nhà nước và Tổng Liên đoàn (không có hoá đơn đỏ, chứng từ viết tay với những
khoản chi lớn...).
+ Cho vay không đúng quy định, việc thanh toán tạm
ứng chưa kịp thời.
+ Công tác xây dựng cơ bản chưa thực hiện đúng
theo Nghị định 52 của Chính phủ và quy chế Đoàn Chủ tịch: các dự án hầu như
không đưa ra Đoàn Chủ tịch xét duyệt; chưa thực hiện theo đúng quy trình đầu tư
xây dựng cơ bản, đầu tư dàn trải, chưa dứt điểm, nhiều công trình xây dựng xong
không có tiền thanh toán, phải vay nợ, nhiều công trình phải tạm dừng do không
có vốn (năm 2003 để lại 23 dự án, năm 2004 để lại 52 dự án) gây khó khăn cho
nhiều địa phương. Việc kiểm tra giám sát công trình còn hạn chế, chất lượng công
trình ở nhiều dự án đang là vấn đề đặt ra phải thanh tra, xem xét, kết luận.
+ Một số ngành, địa phương có nguồn thu cao, còn
để kết dư ngân sách nhiều, chưa có hướng dẫn sử dụng hoặc phân phối, điều tiết
cho những ngành, địa phương có khó khăn về kinh phí hoạt động.
2.4- Giúp BCH, BTV giải
quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp đã tiếp 5.585
lượt đoàn viên và nhận 6.822 đơn thư KNTC, trong đó có 1.831 đơn thư thuộc thẩm
quyền giải quyết của công đoàn (chiếm 26,83%). Tổng liên đoàn tiếp 197 lượt
đoàn viên, nhận 248 đơn thư, trong đó 46 đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của
công đoàn (xem phụ lục số 5).
Nội dung đơn thư khiếu nại tố cáo của đoàn viên,
công nhân lao động tập trung chủ yếu vào những vấn đề như: khiếu nại quyết định
kỷ luật, vấn đề bị trù dập (chiếm trên 50%), về thuyên chuyển công tác, cách
tính thời gian công tác để hưởng bảo hiểm xã hội; một số đơn khiếu nại về tranh
chấp nhà cửa, đất đai, bản án, quyết định của Toà án và các cơ quan tiến hành tố
tụng; một số đơn tập thể chủ yếu kiến nghị, phản ánh về những bức xúc của công
nhân lao động trong việc giải quyết việc làm, chế độ trong khi sắp xếp lại
doanh nghiệp, cổ phần hoá, giải thể hoặc xã hội hoá một số doanh nghiệp hoạt động
công ích.
Đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của công
đoàn chủ yếu phản ánh về việc vi phạm quyền tự do, dân chủ, vi phạm về chi tiêu
tài chính, sự tha hóa về đạo đức, lối sống của một số cán bộ công đoàn. Phần lớn
số đơn thư này đã được Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp giúp Ban chấp hành,
Ban thường vụ xem xét, xử lý.
Hơn 70% số đơn thư liên quan đến quyền lợi của
người lao động đã được Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp xem xét, tham gia giải
quyết theo quy định của pháp luật. Kết quả, đã tham gia với các cơ quan có thẩm
quyền can thiệp cho 509 người được trở lại làm việc, 355 người được hạ mức kỷ
luật, 4.746 người được giải quyết về các quyền lợi khác. ở cấp Tổng liên đoàn,
một số vụ việc Uỷ ban kiểm tra đã tham gia với các Bộ, ngành Trung ương để giải
quyết; phối hợp, chỉ đạo Liên đoàn lao động tỉnh, công đoàn ngành TW tham gia bảo
vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, điển hình như giữ việc
làm cho 22 công nhân Công ty môi trường đô thị Hà Nội hoặc cho bà Nguyễn Thị Hữu
ở công ty thiết bị sản xuất điện Đông Anh v.v...
Qua báo cáo của Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp
cho thấy đa số các vụ việc khiếu nại, tố cáo đều phát sinh từ cơ sở, nếu thực
hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, chú trọng công tác hoà giải ngay từ đầu thì sẽ
tránh được tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Những vụ việc người lao động
gửi đơn lên Công đoàn cấp tỉnh, thành phố, hoặc gửi đơn lên các cơ quan TW phần
lớn là những vụ việc phát sinh từ những năm trước đây và kéo dài đã lâu, đã qua
nhiều cấp giải quyết. Tuy nhiên người lao động vẫn không đồng ý với cách giải
quyết của các cơ quan, vẫn tiếp tục khiếu nại vượt cấp đến các cơ quan Trung
ương khiến cho quá trình giải quyết thêm phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu của tình
trạng này là do các cơ quan chưa giải quyết đầy đủ, triệt để. Mặt khác người
lao động còn thiếu hiểu biết về chính sách pháp luật. Cũng có một số ít trường
hợp người lao động cố tình khiếu kiện kéo dài mặc dù đã có quyết định giải quyết
của các cơ quan có thẩm quyền.
2.5- Công tác tập huấn
bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ:
Sau mỗi kỳ Đại hội công đoàn các cấp, hầu hết
cán bộ Uỷ ban kiểm mới được bầu, do đó công tác tập huấn, bồi dưỡng là nhiệm vụ
quan trọng nhằm trang bị kiến thức, nghiệp vụ và kinh nghiệm hoạt động cho cán
bộ Uỷ ban kiểm tra và kịp thời triển khai Điều lệ, Nghị quyết Đại hội công đoàn
đến các cấp. Uỷ ban kiểm tra Tổng Liên đoàn đã nghiên cứu, biên soạn tài liệu
nghiệp vụ để phát hành đến các cấp và tổ chức tập huấn ở hai miền Nam - Bắc cho
hơn 200 cán bộ kiểm tra CĐ cấp tỉnh, TP, ngành TW. Tiếp đó, hầu hết Uỷ ban kiểm
tra các cấp đã triển khai tập huấn ở cấp mình và cấp dưới. Theo báo cáo chưa đầy
đủ, Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp đã tập huấn cho 46.826 cán bộ kiểm tra.
Trong đó 297 cán bộ kiểm tra công đoàn cấp tỉnh, TP, ngành TW; 3.352 cán bộ kiểm
tra công đoàn cấp quận huyện ngành ĐP và 43.166 cán bộ kiểm tra cấp CĐCS, nghiệp
đoàn được tập huấn nghiệp vụ.
Tóm lại, năm 2004 Uỷ ban kiểm tra
công đoàn các cấp đã có nhiều cố gắng để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của
Uỷ ban kiểm tra công đoàn, có những đề xuất kiến nghị thiết thực; góp phần vào
việc nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các biểu
hiện vi phạm Điều lệ chỉ thị, Nghị quyết và các quy định của công đoàn, tăng cường
phát triển đoàn viên; nâng cao việc quản lý thu chi tài chính, tài sản công
đoàn, hạn chế tiêu cực tham nhũng, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của
đoàn viên CNLĐ và xây dựng tổ chức công đoàn.
II- Một số kiến nghị với Đoàn
Chủ tịch Tổng Liên đoàn:
1- Tăng cường sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch đối với
các cấp công đoàn trong việc quản lý thu chi tài chính, tài sản công đoàn; có
biện pháp kiên quyết để khắc phục những khuyết điểm, tồn tại mà báo cáo của Uỷ
ban kiểm tra Tổng Liên đoàn đã nêu;
2- Tăng cường kiểm tra của Đoàn Chủ tịch TLĐ,
Ban thường vụ công đoàn các cấp đối với hoạt động quản lý, thu chi tài chính
công đoàn; đảm bảo thực hiện việc công khai tài chính theo đúng hướng dẫn của
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn;
3- Chỉ đạo công đoàn các cấp quan tâm đến biên
chế của Uỷ ban kiểm tra công đoàn, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng (nhất là
LĐLĐ tỉnh, TP, công đoàn ngành TW); tăng biên chế cán bộ công đoàn đối với những
huyện có quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất;
4- Nghiên cứu sửa đổi một số văn bản về thu chi
tài chính công đoàn (như văn bản 699 ngày 12/6/2000 của Tổng Liên đoàn về thu
và phân phối tài chính công đoàn, quy định 1314 ngày 26/9/2000 của Tổng Liên
đoàn về thưởng, phạt thu nộp kinh phí công đoàn) cho phù hợp với thực tiễn hiện
nay. Hướng dẫn công đoàn các cấp trong việc chi tiêu đảm bảo có sự thống nhất
và đúng quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn;
III- Chương trình công tác
năm 2005.
Căn cứ vào Điều lệ Công đoàn và Nghị quyết Đại hội
IX Công đoàn Việt Nam, năm 2005 Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp cần tập trung
vào những nội dung chủ yếu sau đây:
1- Giúp Ban Chấp hành, Ban
thường vụ thực hiện kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn:
Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp cần chủ động
giúp Ban chấp hành, Ban Thường vụ, phối hợp với các ban có liên quan thực hiện
kiểm tra việc chấp hành các Chương, Điều của Điều lệ, Thông tri hướng dẫn thi
hành Điều lệ và tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:
- Kiểm tra việc tổ chức phổ biến, triển khai các
Chỉ thị, Nghị quyết của công đoàn.
- Việc thực hiện chế độ sinh hoạt công đoàn, chế
độ thông tin báo cáo hoạt động công đoàn và việc công khai tài chính công đoàn.
- Việc xây dựng và thực hiện các qui chế hoạt động
của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Uỷ ban kiểm tra công đoàn và quy chế phối hợp
hoạt động giữa công đoàn với chính quyền cùng cấp; việc thực hiện quy chế dân
chủ ở cơ sở.
- Công tác phát triển đoàn viên và xây dựng tổ
chức công đoàn.
- Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chấp hành Điều
lệ Công đoàn của của Ban Chấp hành, Ban thường vụ công đoàn; việc thành lập và
hoạt động của Uỷ ban kiểm tra ở các cấp công đoàn.
Công đoàn các cấp cần căn cứ vào điều kiện cụ thể
của cấp mình để đề ra chỉ tiêu kiểm tra cụ thể trong năm 2005.
2- Kiểm tra công đoàn cùng
cấp và cấp dưới khi tổ chức hoặc đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị
quyết, Chỉ thị và các quy định của Công đoàn:
Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp chủ động nắm
tình hình, tìm hiểu, phát hiện và tổ chức kiểm tra kịp thời khi tổ chức, đoàn
viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị, các quy định của công
đoàn. Uỷ ban kiểm tra Liên đoàn lao động tỉnh, TP, công đoàn ngành TW xây dựng
chương trình kế hoạch kiểm tra và chỉ đạo hướng dẫn Uỷ ban kiểm tra cấp dưới thực
hiện kiểm tra, đảm bảo tất cả các dấu hiệu vi phạm đều phải được phát hiện và
kiểm tra kịp thời kể cả ở đồng cấp và cấp dưới. Sau mỗi cuộc kiểm tra hoặc từng
thời gian có đánh giá sơ kết rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt hơn.
3- Kiểm tra tài chính công
đoàn:
- Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Uỷ ban kiểm tra
công đoàn các cấp, nhằm góp phần quản lý thu chi ngân sách công đoàn theo đúng
quy định của Nhà nước và Tổng liên đoàn. Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp cần
thực hiện việc kiểm tra tài chính ở đồng cấp, từng bước nâng cao chất lượng,
tránh hình thức; đồng thời tăng cường việc kiểm tra tài chính cấp dưới, tập
trung vào những đơn vị có thu chi lớn hoặc có những vấn đề nổi cộm về tài
chính. Việc kiểm tra phải khách quan, căn cứ vào những quy định hiện hành để kết
luận và kiến nghị sử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật những trường hợp
vi phạm, kết hợp với việc nhắc nhở, uốn nắn nhũng sai sót, góp phần tích cực
vào việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và đấu tranh chống tiêu cực, tham
nhũng.
- Về nội dung cần kiểm tra những vấn đề sau đây:
+ Kiểm tra thu kinh phí và đoàn phí công đoàn, đảm
bảo thu đúng, thu đủ chống thất thu kinh phí và đoàn phí công đoàn.
+ Kiểm tra việc chi tiêu ngân sách công đoàn
theo các nội dung trong Điều lệ công đoàn và quy định của Tổng Liên đoàn, song
cần tập trung kiểm tra việc chi hội nghị, tiếp khách, mua sắm tài sản, ô tô...
kiểm tra việc hợp pháp của chứng từ thanh toán, kiên quyết đề nghị xử lý những
chứng từ chi không đúng quy định hiện hành.
+ Kiểm tra các công trình xây dựng cơ bản, sửa
chữa do ngân sách nhà nước và Tổng Liên đoàn đầu tư.
+ Kiểm tra các dự án, các loại quỹ do công đoàn
quản lý và tham gia quản lý, kiểm tra hoạt động kinh tế công đoàn cũng như những
đơn vị sự nghiệp có thu của công đoàn.
4- Tham mưu giúp BCH, BTV giải
quyết và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo:
Tăng cường sự phối hợp với các ban, bộ phận và
các cơ quan, ban ngành ở địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến
kiến thức pháp luật cho công nhân viên chức lao động.
Phấn đấu giải quyết nhanh, gọn, có hiệu quả các
đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn. Theo dõi, giám sát kết quả
giải quyết đối với những đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được chuyển cho các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Giúp Đoàn Chủ tịch TLĐ tổ chức tốt đợt sơ kết
Quy định về công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đề
xuất sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn thi hành văn bản mới.
Quan tâm đến điều kiện, nề nếp làm việc của cán
bộ tiếp đoàn viên, công nhân lao động đến khiếu nại, tố cáo để nâng cao chất lượng
công tác này, đáp ứng yêu cầu mới.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra và hướng dẫn công
đoàn cấp dưới trong công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố
cáo.
5- Về xây dựng tổ chức và tập
huấn cán bộ kiểm tra:
Kiến nghị với công đoàn cùng cấp tiếp tục chăm
lo, kiện toàn, củng cố tổ chức, tuyển dụng, quy hoạch đào tạo, tăng cường, bổ
sung, bồi dưỡng cán bộ Uỷ ban kiểm tra đảm bảo đủ về số lượng và ngày càng nâng
cao về chất lượng. Tăng cường kiểm tra Uỷ ban kiểm tra cấp dưới trong việc phân
xếp loại hoạt động để nhằm chỉ đạo, hướng dẫn giúp đỡ kịp thời những đơn vị yếu
kém, khuyến khích những đơn vị có hoạt động xuất sắc.
Uỷ ban kiểm tra Tổng Liên đoàn tiếp tục nghiên cứu,
biên soạn và hệ thống các văn bản chính sách, pháp luật mới, trong đó chú trọng
đến pháp luật về KNTC bổ sung sửa đổi và các văn bản luật liên quan đến hoạt động
Uỷ ban kiểm tra. Uỷ ban kiểm tra các cấp triển khai tập huấn ở cấp mình và cấp
dưới. Đồng thời, tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm hoạt
động và cung cấp kịp thời các văn bản, tài liệu có liên quan cho cán bộ kiểm
tra nhằm kết hợp giữa tổ chức tập huấn và tự nghiên cứu vận dụng thực tiễn hoạt
động của cán bộ kiểm tra.
|
TM.
UỶ BAN KIỂM TRA
TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN
CHỦ NHIỆM
Vũ Khang
|