Thứ 6, Ngày 01/11/2024

Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Số hiệu 138/2013/NĐ-CP
Ngày ban hành 22/10/2013
Ngày có hiệu lực 10/12/2013
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Giáo dục

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 138/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

Điều 3. Mức phạt tiền

1. Mức phạt tiền tối đa áp dụng đối với cá nhân là 50 triệu đồng, với tổ chức là 100 triệu đồng.

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền đối với tổ chức, trừ mức phạt tiền quy định tại Khoản 5 Điều 9; Khoản 1 và Khoản 2 Điều 11; Khoản 1 và các điểm a, b, c, d và đ Khoản 3 Điều 13; Khoản 2 và Khoản 3 Điều 16; Khoản 1 Điều 20 và Khoản 1 Điều 22 của Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân.

Cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.

Điều 4. Biện pháp khắc phục hậu quả

Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:

1. Buộc giải thể cơ sở giáo dục, tổ chức thuộc cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập không đúng thẩm quyền.

2. Buộc hủy bỏ văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật.

3. Buộc hủy bỏ sách, giáo trình, bài giảng, tài liệu, thiết bị dạy học có nội dung không phù hợp, xuyên tạc, kích động bạo lực, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.

4. Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi viết thêm, sửa nội dung bài thi, học bạ, sổ điểm, phiếu điểm hoặc các tài liệu có liên quan đến việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của người học.

5. Buộc đảm bảo quyền lợi của thí sinh đối với hành vi làm mất bài thi.

6. Buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại; trường hợp không thể trả lại được thì nộp về ngân sách nhà nước số tiền do hành vi vi phạm mà có.

7. Buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau bằng số lượng đã tuyển vượt; buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoạt động giáo dục;

[...]