Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 02/10/2018
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Giáo dục

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:         /2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày      tháng       năm 2020

DỰ THẢO
ngày 20/3/2020

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt theo từng chức danh, chức vụ đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:

a) Cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục thường xuyên; trường trung cấp và trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên; cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm và viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ;

b) Trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; phân hiệu của cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở giáo dục thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và tổ chức là pháp nhân không phải cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành giáo viên; đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và tổ chức thực hiện dịch vụ gắn với hoạt động giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục);

d) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học.

2. Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

3. Nghị định này không áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

Điều 3. Mức phạt tiền

1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, với tổ chức là 100.000.000 đồng.

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này được áp dụng  đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ mức phạt tiền quy định tại khoản 5 Điều 9, khoản 2 Điều 11, khoản 1 và các điểm a, b, c, d và e khoản 3 Điều 14, điểm d khoản 3 Điều 20, khoản 1 Điều 22, khoản 1 Điều 28 của Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.

Điều 4. Biện pháp khắc phục hậu quả

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau:

1. Buộc giải thể cơ sở giáo dục, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục.

2. Buộc hủy bỏ văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật.

[...]