Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

​Quyết định 171/QĐ-UBND về Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2024-2025”

Số hiệu 171/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/03/2024
Ngày có hiệu lực 15/03/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Trương Hải Long
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 171/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 15 tháng 3 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI, GIAI ĐOẠN 2024 - 2025”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Bộ Luật hình sự năm 2015; Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Thi hành án hình sự năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng;

Căn cứ Kế hoạch số 1691/KH-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về triển khai thực hiện Nghị Định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2024-2025”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công an, Bộ Tài chính (b/cáo);
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NC.

CHỦ TỊCH




Trương Hải Long

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI, GIAI ĐOẠN 2024 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 171/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

PHẦN THỨ NHẤT

CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

1. Đặc điểm tình hình, kết quả công tác tái hòa nhập cộng đồng hiện nay

a. Kết quả công tác tái hòa nhập cộng đồng

Tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù là hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất nhân văn, nhân đạo của chế độ ta; được quy định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cụ thể hóa trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về THNCĐ (sau đây viết tắt là Nghị định 49) và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Đây là quá trình mà cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội thực hiện tổng thể các biện pháp tác động, quản lý, giáo dục, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần nhằm động viên, khích lệ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú tại địa phương ăn năn, hối cải, tích cực học tập, lao động, rèn luyện trở thành người có ích cho gia đình, xã hội; góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tính từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2023, tổng số người tái hòa nhập cộng đồng cư trú tại địa phương cần áp dụng biện pháp quản lý, giúp đỡ theo Nghị định số 49: 5.467 người, hiện nay đang quản lý: 1.829 người (nam: 1.734 người, nữ: 95 người). Tại mỗi thời điểm, số can phạm nhân đang giam giữ tại các cơ sở giam giữ thuộc Công an tỉnh là trên 1000 người, hàng năm số người THNCĐ tăng thêm khoảng 800-900 người, dự báo trong thời gian tới, số người THNCĐ hàng năm sẽ tiếp tục tăng cao gây khó khăn lớn cho công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Trong 03 năm qua, số tái phạm: 218 người chiếm tỷ lệ 3,9% (218/5.467 người trong diện quản lý, gồm năm 2020: 81 người, năm 2021: 86 người, năm 2022: 67 người), số vi phạm pháp luật được áp dụng biện pháp cưỡng chế khác là 18 người (đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc). Số được hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp (10 người, trình độ sơ cấp), số được tư vấn, giới thiệu việc làm: 175 người, số được các tổ chức, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp nhận: 70 người, số được vay vốn, đào tạo nghề, tạo việc làm: 71 người với số tiền hơn 2 tỷ 680 triệu đồng.

Trong số 1.829 người đang quản lý hiện nay, số có việc làm: 1.437 người (78,6%) nhưng không ổn định, số chưa có việc làm: 392 người (21,4%). Số gặp khó khăn khi THNCĐ, sống trong môi trường phức tạp về an ninh trật tự hoặc thiếu ý thức chấp hành pháp luật, cần phải tập trung áp dụng các biện pháp THNCĐ: 1.010 người, chiếm 55,22%; số chấp hành tương đối tốt và có kết quả hòa nhập cộng đồng tương đối khả quan chiếm 44,78%, cần tiếp tục các biện pháp tuyên truyền, động viên, giúp đỡ.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 49 và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 10/01/2019 của UBND tỉnh về tăng cường công tác THNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù cư trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua cho thấy, công tác THNCĐ đã được hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, các sở ban ngành và nhân dân ngày một quan tâm hơn: Tỷ lệ người tái phạm tội hàng năm thấp (trung bình 1,3%/năm); số người được giới thiệu việc làm, được vay vốn đào tạo nghề hàng năm tăng cao; nhiều người đã có việc làm, thu nhập ổn định đủ nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình; sự quan tâm, nhìn nhận, đánh giá của xã hội đối với người trong diện THNCĐ cởi mở hơn. Bản thân người THNCĐ cũng tự tin, bớt mặc cảm.

[...]