Yêu cầu bồi thường trong tố tụng hành chính tại Tòa án từ ngày 01/07/2018 sẽ được giải quyết theo trình tự như thế nào?
Nội dung chính
Yêu cầu bồi thường trong tố tụng hành chính tại Tòa án từ ngày 01/07/2018 sẽ được giải quyết theo trình tự như thế nào?
Theo quy định tại Điều 55 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) thì việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong tố tụng hành chính tại Tòa án được tiến hành như sau:
1. Việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính có nội dung yêu cầu bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.
Thời điểm chấp nhận yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính là thời điểm Tòa án có thẩm quyền thụ lý yêu cầu bồi thường.
2. Việc xác định thiệt hại được bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định của Luật này sau khi Tòa án có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
3. Trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính thì bản án, quyết định của Tòa án còn phải có các nội dung sau đây:
a) Hành vi gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
b) Thiệt hại, mức bồi thường, phục hồi danh dự (nếu có) và việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có);
c) Cơ quan có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường, thực hiện phục hồi danh dự (nếu có) và khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có).
4. Trường hợp người yêu cầu bồi thường không đồng ý với nội dung giải quyết bồi thường trong bản án, quyết định của Tòa án hoặc bản án, quyết định của Tòa án không có nội dung giải quyết bồi thường thì chỉ được tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng.
5. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.
Ngoài nội dung này, Ban biên tập xin cung cấp thêm cho bạn một số vấn đề liên quan đến việc khởi kiện bồi thường trong vụ án hành chính, cụ thể là:
Trong quá trình khởi kiện vụ án hành chính mà người khởi kiện cho rằng, hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính thực hiện việc giải quyết bồi thường. Trong trường hợp này, đơn khởi kiện phải có nội dung: yêu cầu xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; nội dung yêu cầu bồi thường; thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường; tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính được áp dụng theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Trong trường hợp này, các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Toà án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thiệt hại trong trường hợp này là thiệt hại thực tế do có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trường hợp người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ; nếu cần thiết, Tòa án có thể thu thập thêm chứng cứ để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được chính xác.