UBND xã có thẩm quyền thành lập lực lượng thanh tra liên ngành để phòng, chống mại dâm trên địa bàn không?
Nội dung chính
UBND xã có thẩm quyền thành lập lực lượng thanh tra liên ngành để phòng, chống mại dâm trên địa bàn không?
Tại một kỳ họp của Hội đồng nhân dân xã X, huyện Y tỉnh H, nhiều đại biểu rất bức xúc về tình trạng các cháu học sinh có thể mua được tranh ảnh, truyện, băng đĩa hình có nội dung đồi trụy tại một số cửa hàng kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn xã X. Trưởng Công an xã X cho biết: “Do xã X có đặc thù là xã biên giới với địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nên lực lượng thanh tra văn hóa - thông tin của tỉnh H ít khi thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chức năng tại địa bàn của xã. Mặt khác, Công an xã không được kiểm tra các hoạt động thuộc lĩnh vực và thẩm quyền của các ngành chuyên môn khác”. Trưởng Công an xã cho rằng, UBND xã cần thành lập đội thanh tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các địa bàn và có biện pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm như nêu trên.
Đây là tình huống liên quan đến việc vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm, thường xảy ra ở những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Để giải quyết tình huống trên theo đúng pháp luật, cần vận dụng các quy định về thẩm quyền của UBND xã trong phòng, chống mại dâm tại địa bàn quản lý, được quy định trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 (sau đây viết tắt là Nghị định số 178/2004/NĐ-CP).
Các vấn đề cần giải quyết trong tình huống này là:
UBND xã X có thẩm quyền thành lập lực lượng thanh tra liên ngành trong phòng, chống mại dâm không?
Tình huống nêu trên cho thấy:
- Xã X là xã biên giới có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nên lực lượng thanh tra văn hóa - thông tin của tỉnh H ít khi thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chức năng tại địa bàn của xã.
- Công an xã không được kiểm tra, thanh tra các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa - thông tin.
- Tồn tại thực trạng vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm trên địa bàn xã X (mua bán, lưu hành tranh ảnh, sách truyện, băng đĩa hình có nội dung đồi trụy).
Điều 36 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định: “... Trong trường hợp cần thiết, UBND các cấp thành lập thanh tra liên ngành để thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm ở địa phương”.
Điều 33 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: “Trường hợp thanh tra về hoạt động phòng, chống mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ mà liên quan đến nhiều ngành thì Chủ tịch UBND các cấp thành lập thanh tra liên ngành của cấp mình để thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm ở địa phương... ở cấp xã, UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo, tiến hành các hoạt động kiểm tra, thanh tra về công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương”.
Từ thực trạng của xã X và đối chiếu với các quy định nêu trên, UBND xã X có đủ điều kiện và thẩm quyền thành lập thanh tra liên ngành để phòng, chống mại dâm trên địa bàn xã X.
Thẩm quyền ra quyết định thành lập lực lượng thanh tra liên ngành phòng, chống mại dâm tại địa bàn xã X
heo quy định tại khoản 3 Điều 35 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 thì Chủ tịch UBND xã X có thẩm quyền ra quyết định thành lập thanh tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật phòng, chống mại dâm trên địa bàn xã X.
Các bước mà Chủ tịch UBND xã cần tiến hành trong thẩm quyền của mình.
- Yêu cầu lực lượng Công an báo cáo thực trạng tình hình mua bán, lưu hành văn hóa phẩm có nội dung đồi trụy trên địa bàn xã;
- Ra quyết định thành lập lực lượng thanh tra liên ngành phòng, chống mại dâm trên địa bàn xã X;
- Chỉ đạo lực lượng thanh tra liên ngành triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn xã;
- Xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm;
- Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra trình Hội đồng nhân dân cùng cấp (xã X) và UBND cấp trên trực tiếp (huyện Y).