UBND xã có thẩm quyền kiểm tra hợp đồng lao động của người lao động làm việc trong cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú không?
Nội dung chính
UBND xã có thẩm quyền kiểm tra hợp đồng lao động của người lao động làm việc trong cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú không?
Thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm trên địa bàn xã X, huyện Y, tỉnh H. Ngày 18/7/2005, lực lượng thanh tra của xã X, huyện Y, tỉnh H đã phát hiện tại nhà nghỉ Tình Nghĩa (do ông Phạm Văn N làm chủ) đang sử dụng hai nhân viên nữ làm việc tại nhà nghỉ Tình Nghĩa mà không ký kết hợp đồng lao động. UBND xã X cần xử lý tình huống trên như thế nào?
Đây là tình huống xác định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn quản lý. Để giải quyết tình huống trên đúng pháp luật, cần vận dụng các quy định về thẩm quyền của UBND cấp xã và các quy định về nghĩa vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trong Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.
UBND xã X có thẩm quyền kiểm tra hợp đồng lao động của người lao động làm việc trong nhà nghỉ Tình Nghĩa không?
- Điểm a khoản 1 Điều 15 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định: “Khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cơ sở kinh doanh vũ trường, karaokê, xoa bóp, tắm hơi và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm có trách nhiệm: ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động; đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương”.
- Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm có trách nhiệm: “Quản lý, kiểm tra, hướng dẫn người lao động, thực hiện đăng ký tạm trú với cơ quan Công an có thẩm quyền; xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, hợp đồng lao động, giấy chứng nhận của chính quyền địa phương hoặc Giấy báo tạm vắng để đi làm ăn sinh sống và bản cam kết không tham gia tệ nạn mại dâm, khi được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu”.
- Điều 33 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: “Trường hợp thanh tra về hoạt động phòng, chống mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ mà liên quan đến nhiều ngành thì Chủ tịch UBND các cấp thành lập thanh tra liên ngành của cấp mình để thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm ở địa phương... ở cấp xã, UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo, tiến hành các hoạt động kiểm tra, thanh tra về công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương”.
- Trong vụ việc này, ông Phạm Văn N là chủ nhà nghỉ Tình Nghĩa (người sử dụng lao động) đã sử dụng hai nhân viên nữ (người lao động) làm việc trong cơ sở kinh doanh lưu trú của mình mà không thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động với hai nữ nhân viên này. Do đó, đối chiếu với các quy định nêu trên đây thì UBND xã X có đủ thẩm quyền trong việc kiểm tra hợp đồng lao động của người lao động làm việc trong nhà nghỉ Tình Nghĩa.
Thẩm quyền xử lý vụ việc
Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 88/CP ngày 14/12/1995 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và phòng, chống một số tệ nạn xã hội quy định: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tiếp viên, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú nhà hàng ăn uống mà không ký kết hợp đồng lao động”.
Như vậy, Chủ tịch UBND xã X không có thẩm quyền xử phạt đối với nhà nghỉ Tình Nghĩa, mà thẩm quyền này thuộc Chủ tịch UBND huyện Y.
Các bước mà UBND xã X cần tiến hành trong thẩm quyền của mình
- Chủ tịch UBND xã X cần chỉ đạo lực lượng thanh tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Phạm Văn N về hành vi sử dụng lao động làm việc trong cơ sở lưu trú mà không ký kết hợp đồng lao động.
- Sau đó, Chủ tịch UBND xã X có trách nhiệm chuyển giao ngay biên bản cùng các tài liệu có liên quan đến UBND huyện Y để Chủ tịch UBND huyện Y giải quyết.