Tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công có được cơ quan cấp Bộ giải quyết không?
Nội dung chính
Tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công có được cơ quan cấp Bộ giải quyết không?
Căn cứ vào khoản 3 Điều 194 Luật Nhà ở 2023 quy định về giải quyết tranh chấp về nhà ở như sau:
Giải quyết tranh chấp về nhà ở
...
3. Tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được giải quyết như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với nhà ở được giao cho địa phương quản lý;
b) Bộ Xây dựng giải quyết đối với nhà ở được giao cho cơ quan trung ương quản lý, trừ nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết đối với nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
d) Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
...
Như vậy, có những tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được các Bộ giải quyết. Trong đó:
- Bộ Xây dựng giải quyết đối với nhà ở được giao cho cơ quan trung ương quản lý (trừ nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý).
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết đối với nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.
Tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công có được cơ quan cấp Bộ giải quyết không? (Hình từ Internet)
Nội dung của quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công gồm những gì?
Căn cứ vào Điều 80 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định về nội dung quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công như sau:
Nội dung quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công
1. Quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công có các nội dung sau đây:
a) Căn cứ pháp lý để thực hiện thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi nhà ở; lý do thu hồi nhà ở, cưỡng chế thu hồi nhà ở;
b) Địa chỉ nhà ở và họ tên người đang trực tiếp sử dụng nhà ở bị thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi. Đối với trường hợp thu hồi nhà ở do thuộc diện không còn bảo đảm an toàn trong sử dụng phải phá dỡ (trừ trường hợp thu hồi căn hộ nhà chung cư) thì phải có nội dung về bố trí nhà ở tại địa điểm khác cho người đang trực tiếp sử dụng nhà ở đó.
Đối với nhà chung cư thuộc diện phá dỡ, xây dựng lại thì trong nội dung quyết định thu hồi phải ghi rõ việc bố trí chỗ ở tạm thời, việc tái định cư được thực hiện theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
c) Tên cơ quan, đơn vị thực hiện thu hồi nhà ở hoặc cưỡng chế thu hồi nhà ở; trách nhiệm bàn giao nhà ở, tiếp nhận bàn giao nhà ở;
d) Thời hạn thực hiện thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi nhà ở;
đ) Kinh phí thực hiện thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi nhà ở;
e) Phương án quản lý, sử dụng nhà ở sau khi thu hồi hoặc cưỡng chế thu hồi.
2. Đối với trường hợp thu hồi căn hộ nhà chung cư quy định tại khoản 2 Điều 78 của Nghị định này thì quyết định thu hồi không phải có các nội dung quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều này.
Trường hợp thu hồi căn hộ nhà chung cư quy định tại khoản 3 Điều 78 của Nghị định này thì quyết định thu hồi không phải có các nội dung quy định tại các điểm đ và e khoản 1 Điều này; thời hạn thực hiện thu hồi được thực hiện đồng thời với thời hạn cưỡng chế di dời.
Như vậy, còn tùy thuộc vào đối tượng thu hồi là loại nhà ở gì mà quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công phải đảm bảo các nội dung luật định trên.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thế nào?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 81 Nghị định 95/2024/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công.
Theo đó, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về việc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được thực hiện như sau:
(1) Nộp đơn
- Người thuê nhà ở có đơn đề nghị kèm theo bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính giấy tờ chứng minh đang sử dụng nhà ở.
- Gửi đơn đề nghị theo 02 phương thức: trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính đến Bộ Xây dựng (đối với trường hợp nhà ở do cơ quan trung ương quản lý mà không thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý) hoặc gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với trường hợp nhà ở đang thuê do cơ quan này quản lý để được xem xét, giải quyết.
(2) Tiếp nhận đơn:
Các cơ quan nêu trên đây khi nhận được đơn đề nghị phải giao cho cơ quan quản lý nhà ở trực thuộc tiếp nhận hồ sơ.
(3) Xử lý đơn, lập hồ sơ giải quyết tranh chấp
Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm kiểm tra nội dung nêu trong đơn và lập hồ sơ giải quyết tranh chấp theo quy định.
(4) Dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp trình Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày lập hồ sơ giải quyết tranh chấp, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm xem xét xác minh thực tế (nếu có), tổng hợp và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp báo cáo Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, quyết định.
(5) Quyết định giải quyết tranh chấp
Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan quản lý nhà ở, Bộ Xây dựng hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, ban hành quyết định giải quyết tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở theo thẩm quyền; quyết định giải quyết tranh chấp này được gửi đến người có đơn đề nghị, các cá nhân, tổ chức liên quan.