Thực hiện phối hợp trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong Quân đội như thế nào?

Việc phối hợp giữa các đơn vị trong Quân đội nhằm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố hiện nay được thực hiện như thế nào, và có quy định cụ thể ra sao?

Nội dung chính

    Thực hiện phối hợp trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong Quân đội như thế nào?

    Phối hợp trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong Quân đội được pháp luật quy định tại Tiểu mục 1 Mục II Thông tư liên tịch 01/2008/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP-BCA về quan hệ phối hợp trong một số hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân đội do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an ban hành như sau:

    a) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân đội có trách nhiệm tiếp nhận, đăng ký và trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc phải chuyển các tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, kèm theo tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết;
    b) Cơ quan điều tra có thẩm quyền khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền của mình phải khẩn trương tiến hành xác minh và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền cùng cấp biết để thực hiện chức năng kiểm sát;
    c) Khi xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, nếu Cơ quan điều tra phát hiện sự việc đang xác minh không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải nhanh chóng làm rõ và trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi có đủ căn cứ kết luận sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết tiếp;
    d) Đối với sự việc phạm tội xảy ra nhưng chưa rõ thẩm quyền giải quyết, thì căn cứ vào địa điểm xảy ra sự việc phạm tội thuộc phạm vi quản lý của Quân đội hay ngoài Quân đội để xác định Cơ quan điều tra trong Quân đội hay ngoài Quân đội thụ lý điều tra ban đầu và phối hợp với Cơ quan điều tra có liên quan.
    Ví dụ:
    - Khi phát hiện vụ giết người xảy ra trong khu vực quản lý, bảo vệ của đơn vị Quân đội, mặc dù chưa rõ người phạm tội hoặc người bị hại có phải là người do Quân đội quản lý hay không, Cơ quan điều tra trong Quân đội vẫn phải tiến hành các hoạt động ban đầu như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai, thu giữ vật chứng, áp dụng các biện pháp cần thiết ..., đồng thời thông báo cho Cơ quan điều tra ngoài Quân đội tại địa phương biết để phối hợp giải quyết;
    - Khi Cơ quan điều tra ngoài Quân đội phát hiện vụ giết người hoặc cố ý gây thương tích xảy ra ngoài khu vực quản lý, bảo vệ của đơn vị Quân đội, mặc dù có nghi vấn người phạm tội, bị hại là người do Quân đội quản lý như có mặc quân phục, có giấy tờ tùy thân của quân nhân; hay vụ vi phạm quy định về điều kiện phương tiện giao thông đường bộ mà phương tiện liên quan đến tai nạn mang biển kiểm soát của Quân đội … thì Cơ quan điều tra ngoài Quân đội vẫn phải tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu, đồng thời thông báo cho Cơ quan điều tra trong Quân đội có thẩm quyền hoặc Cơ quan điều tra trong Quân đội có trụ sở gần nhất biết, để phối hợp giải quyết.
    đ) Đối với các vụ phạm tội xảy ra đã rõ thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan điều tra ngoài Quân đội như: giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản … xảy ra trong khu vực quản lý, bảo vệ của đơn vị Quân đội, nhưng người phạm tội, người bị hại là người ngoài Quân đội, không gây thiệt hại cho Quân đội; các vụ liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng xảy ra trong khu vực rừng mà đơn vị Quân đội được giao bảo vệ, không phải rừng do Quân đội trồng và chăm sóc để khai thác, sử dụng như rừng nguyên liệu, cao su, cà phê …; hay các vụ đã rõ thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan điều tra trong Quân đội như: giết người, cố ý gây thương tích, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ … mà người phạm tội, người bị hại là người do Quân đội quản lý hoặc gây thiệt hại cho Quân đội, thì xử lý như sau:
    - Cơ quan điều tra nào phát hiện tội phạm trước phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền đến giải quyết hoặc phối hợp giải quyết;
    - Trường hợp Cơ quan điều tra có thẩm quyền không đến kịp thì Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm phải tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu, sau đó chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.
    e) Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải trực tiếp chuyển tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền của mình cùng hồ sơ, tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết. Sau khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra phải thông báo để cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố biết trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi ra quyết định.
    Trường hợp đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nhưng xác định sự việc đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật hành chính hoặc pháp luật khác, thì Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ, tài liệu, vật chứng cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết;
    g) Trường hợp người Chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc khẩn cấp; Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang và đã ra quyết định tạm giữ theo quy định của pháp luật thì lệnh bắt khẩn cấp, quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu liên quan phải được gửi ngay đến Viện Kiểm sát quân sự (nếu rõ thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát quân sự), hoặc Viện kiểm sát nhân dân nơi gần nhất để giải quyết theo quy định của pháp luật.
    Đối tượng bị tạm giữ trong trường hợp này được gửi vào nhà tạm giữ hoặc trại tạm giam của Công an nơi gần nhất theo quy định tại Thông tư liên tịch số 112/2002/TTLT-BQP-BCA ngày 16.8.2002 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an “Hướng dẫn các Đồn biên phòng không có buồng tạm giữ được gửi người bị tạm giữ tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam thuộc Bộ Công an quản lý”;
    h) Trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, nếu Cơ quan điều tra yêu cầu, đề nghị trợ giúp thì các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các đơn vị thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có trách nhiệm phối hợp giúp đỡ.

    Trên đây là nội dung trả lời về việc phối hợp trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong Quân đội theo quy định của pháp luật.

    1