Quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước như thế nào?
Nội dung chính
Quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước như thế nào?
Theo quy định tại điều 244 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên và ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trong trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau một tháng kể từ ngày công bố công khai mà không có người dến nhận thì vật nuôi dưới nước đó thuộc sở hữu của người có ao, hồ đó. Luật quy định như trên nhưng chúng ta có thể hiểu, dưới mặt nước con người có thể nuôi nhiều sinh vật khác nhau như cá, tôm, lươn, cua. ếch… Để tránh sự quy định như kiểu liệt kê và bao quát được các loại sinh vật nuôi dưới nước. Bộ luật Dân sự đã dùng khái niệm “vật nuôi dưới nước” để chỉ chung cho tất cả các vật nuôi dưới nước. Trong thực tế cuộc sống cũng đã có "luật bất thành văn" rằng: Cá của ai không biết nhưng hễ vào ao nhà tôi là của tôi. Từ tinh thần phương thức xác nhận quyền sở hữu đối với cá trong dân gian truyền lại như vậy. Bộ luật Dân sự nước ta đã có quy định như đã nêu ở trên. Nhưng điều kiện đặt ra để áp dụng quy định này là vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên. Nghĩa là trong trường hợp vật nuôi dưới nước di chuyển vào ao, ruộng, hồ của người khác do bị nhử bằng các thủ thuật khác nhau và đã có sự tác động của con người vào thì không thể áp dụng quy định trên được. Tuy nhiên trong cuộc sống thường ngày, có những vật nuôi dưới nước có những dấu hiệu rất riêng biệt có thể xác định rằng con vật đó không thuộc sở hữu của mình (ví dụ như đầm của ông A nuôi tôm càng xanh, đầm của bà B ở sát cạch đầm của ông A lại nuôi cá kèo… Khi mưa bão làm đầm của hai nhà bị vỡ, cá tôm lẫn sang đầm của nhau). Trong trường hợp như vậy, người có ruộng, ao, hồ mà vật nuôi di chuyển đều có nghĩa vụ thông báo công khai cho nhau để cùng nhau trả lại vật nuôi cho nhau. Nếu sau một tháng sau không ai đến nhận vật nuôi thì vật nuôi đó mới thuộc người có ruộng, ao, hồ. Việc giải quyết những tranh chấp dân sự là một trong những vấn đề rất phức tạp, nhất là trong trường hợp như ông đã nêu. Vì vậy ngoài việc nắm vững các quy định của pháp luật (về lý) chúng ta con phải giải quyết theo tình cảm làng xóm thì mọi tranh chấp mới được giải quyết một cách ổn thoả.