Nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như thế nào?

Doanh nghiệp cổ phần hóa là các doanh nghiệp nào? Phương án sử dụng đất theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP được quy định thế nào?

Nội dung chính

    Doanh nghiệp cổ phần hóa là các doanh nghiệp nào?

    Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BTNMT có quy định như sau:

    Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
    ...
    2. Đối tượng áp dụng
    Doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cổ phần hóa); đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi ) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

    Dẫn chiếu tới quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm các doanh nghiệp sau đây:

    (1) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp II);

    (2) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

    (3) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

    Nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như thế nào? (Hình Internet)

    Phương án sử dụng đất theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP được quy định thế nào?

    Căn cứ khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 13 Nghị định 118/2014/NĐ-CP, phương án sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp được quy định như sau:

    (1) Căn cứ đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch sử dụng đất của địa phương và hiện trạng sử dụng đất, công ty đề xuất phương án sử dụng đất. Nội dung phương án sử dụng đất phải thể hiện vị trí, ranh giới sử dụng đất; diện tích đất đề nghị giữ lại sử dụng theo từng loại đất, hình thức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, diện tích đất bàn giao cho địa phương.

    Đối với công ty nông nghiệp trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây hằng năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, công ty giống cây nông nghiệp, giống chăn nuôi, giống thủy sản giữ lại một phần đất hợp lý để sản xuất giống, xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở chế biến.

    Đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã thực hiện rà soát, đo đạc và thực hiện thuê đất, tiếp tục rà soát, điều chỉnh phương án sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

    (2) Công ty nông, lâm nghiệp báo cáo cơ quan Tài nguyên và Môi trường thẩm định phương án sử dụng đất trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

    (3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp tại địa phương; chỉ đạo thực hiện việc xác định cụ thể ranh giới, cắm mốc giới sử dụng đất theo phương án được duyệt.

    Nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như thế nào?

    Căn cứ Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BTNMT, nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:

    (1) Tình hình hiện trạng quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa

    Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm lập báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp gửi cơ quan chủ quản phê duyệt, bao gồm những nội dung chính như sau:

    - Tổng diện tích, số lượng thửa đất đang quản lý, sử dụng tại từng xã, phường, thị trấn và tài sản gắn liền với từng thửa đất;

    - Hình thức, diện tích sử dụng đất theo từng hình thức gồm: Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; Nhà nước giao đất, cho thuê đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần; Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm; đất do nhận chuyển nhượng hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân khác;

    - Thời hạn sử dụng đất (thời hạn lâu dài, thời hạn sử dụng đất còn lại đối với trường hợp sử dụng đất có thời hạn);

    - Diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất; diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất (nêu rõ lý do chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và kiến nghị);

    - Diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích;

    - Diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất đã giao, cho thuê, cho mượn, góp vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác không đúng quy định của pháp luật; diện tích đất có tranh chấp, lấn, chiếm; các trường hợp khác (nếu có);

    - Diện tích không được đưa vào sử dụng.

    (2) Đề xuất phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa

    Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có) của địa phương đã được phê duyệt và công bố; phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP đã được cơ quan có tham quyền phê duyệt; chiến lược phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa đề xuất phương án sử dụng đất gồm: tổng diện tích, số lượng thửa đất đề nghị giữ lại sử dụng; trong đó thể hiện rõ diện tích, loại đất, hình thức sử dụng, thời hạn sử dụng đất của từng thửa đất đề nghị giữ lại sử dụng tại từng xã, phường, thị trấn.

    (3) So sánh, đối chiếu phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có), phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP đã được cơ quan có tham quyền phê duyệt theo các nội dung sau đây:

    - Diện tích các loại đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có) và không có thay đoi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có tham quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP;

    - Diện tích các loại đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có), có thay đoi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP đã được phê duyệt.

    - Diện tích đất doanh nghiệp được giao, được thuê, do nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật phát sinh từ sau thời điểm phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

    - Diện tích đất không thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và diện tích đất không thuộc phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP (nếu có).

    (4) Đối với diện tích đất có thay đổi so với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có) hoặc khác với mục đích sử dụng đất theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP; diện tích không đưa vào phương án sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều này thì việc xử lý được thực hiện theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP.

    20