Người quản lý tài sản thừa kế có quyền được nhận thù lao cho việc quản lý tài sản thừa kế không?
Nội dung chính
Người quản lý tài sản thừa kế có được nhận thù lao trong việc quản lý tài sản thừa kế không?
Tại Điều 618 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của người quản lý tài sản thừa kế như sau:
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.
3. Trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý.
Như vậy, trường hợp bạn được các anh chị của bạn cử ra để quản lý tài sản thừa kế chung thì bạn sẽ được nhận thù lao theo thỏa thuận với các anh chị của bạn.
Người quản lý tài sản thừa kế có được phép thế chấp tài sản đang quản lý không?
Tại Điều 617 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của người quản lý tài sản thừa kế như sau:
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
c) Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;
d) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;
b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
c) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
d) Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
Theo đó, nếu bạn được anh chị giao quản lý tài sản thừa kế chung thì bạn không được thế chấp tài sản đang quản lý tại các ngân hàng để vay vốn. Trường hợp các anh chị của bạn đồng ý cho bạn thế chấp bằng văn bản thì bạn có thể được thế chấp tài sản thừa kế đang quản lý.
Những người nào không được quyền hưởng tài sản thừa kế?
Tại Khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 quy định về những trường hợp không được quyền hưởng tài sản thừa kế như sau:
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Trên đây là các trường hợp không được quyền hưởng tài sản thừa kế theo quy định của pháp luật.