09:24 - 26/10/2024

Nghị định 93/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/09/2024 có những sửa đổi về đối tượng áp dụng và nguyên tắc như thế nào?

Dưới đây là những sửa đổi về đối tượng áp dụng và nguyên tắc theo Nghị định 93/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/09/2024.

Nội dung chính

    Mục tiêu của Nghị định 93/2024/NĐ-CP là gì?

    Nghị định 93/2024/NĐ-CP ngày 19/7/2024 được ban hành để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2013/NĐ-CP quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2024.

    Những sửa đổi về đối tượng áp dụng và nguyên tắc theo Nghị định số 93/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/09/2024.Những sửa đổi về đối tượng áp dụng và nguyên tắc theo Nghị định 93/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/09/2024 (Hình ảnh từ Internet)

    Đối tượng áp dụng đã được sửa đổi như thế nào theo Nghị định số 93/2024/NĐ-CP?

    Căn cứ vào Điều 2 Nghị định 122/2013/NĐ-CP quy định như sau:

    Đối tượng áp dụng
    Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
    Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

    Theo đó, đối tượng áp dụng theo Nghị định 93/2024/NĐ-CP đã được sửa đổi như sau:

    - Nghị định này áp dụng đối với tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; tổ chức, cá nhân khác và các cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

    - Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.”.

    Như vậy, sự sửa đổi này không chỉ mở rộng đối tượng áp dụng mà còn củng cố khung pháp lý trong việc phòng chống khủng bố, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế và quản lý hiệu quả hơn trong lĩnh vực tài chính và phi tài chính.

    Nguyên tắc đã được sửa đổi như thế nào theo Nghị định 93/2024/NĐ-CP?

    Căn cứ vào Điều 4 Nghị định 122/2013/NĐ-CP quy định như sau:

    Nguyên tắc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố
    1. Bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
    2. Bảo đảm kịp thời, hiệu quả, chính xác, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
    3. Thông tin về tên tổ chức, cá nhân bị xem xét đưa vào danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố phải được lưu giữ theo chế độ mật cho tới khi danh sách liên quan được thông báo theo quy định của Nghị định này.
    4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền gây ra trong quá trình thực hiện việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc trong việc lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố phải được bồi thường theo quy định của pháp luật.
    5. Tiền, tài sản, quyền, lợi ích của bên thứ ba ngay tình được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, nguyên tắc theo Nghị định 93/2024/NĐ-CP đã được sửa đổi như sau:

    - Bảo đảm đúng điều kiện, thời hạn, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hình thức theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    - Bảo đảm kịp thời, hiệu quả, chính xác, khách quan, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    - Thông tin về tên của tổ chức, cá nhân và các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân bị xem xét đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được lưu giữ theo chế độ mật cho tới khi cơ quan, người có thẩm quyền thông báo cho tổ chức, cá nhân bị đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố và công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.

    - Việc trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố quy định tại Nghị định này được thực hiện trên nguyên tắc không chậm trễ và không thông báo trước.

    - Tiêu chí, quy trình, thủ tục, biểu mẫu tiêu chuẩn được sử dụng để xác lập, đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan khủng bố, tài trợ khủng bố tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua trên cơ sở Chương VII Hiến chương của Liên hợp quốc và pháp luật về phòng, chống khủng bố của Việt Nam.

    - Cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền gây ra trong quá trình thực hiện việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được bồi thường theo quy định của pháp luật.

    - Tiền, tài sản, quyền, lợi ích của bên thứ ba ngay tình được tôn trọng và bảo vệ. Trình tự, thủ tục xử lý đối với tiền, tài sản của bên thứ ba ngay tình được thực hiện theo quy định của pháp luật.

    Từ sự sửa đổi trên có thể thấy ngoài mục tiêu tạo ra khung pháp lý chặt chẽ hơn trong công tác phòng chống khủng bố mà còn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức, đồng thời thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm trong các hoạt động liên quan.

    22