Hành vi sử dụng giấy tờ giả đi mua bán nhà đất phạt hành chính bao nhiêu tiền? Ai có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này?
Nội dung chính
Hành vi sử dụng giấy tờ giả đi mua bán nhà đất phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP về vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất quy định như sau:
Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp khai báo không trung thực việc sử dụng đất hoặc tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận và việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị sai lệch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện theo quy định đối với trường hợp tại khoản 3 Điều này.
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP về mức phạt tiền quy định như sau:
Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này áp dụng đối với cá nhân (trừ khoản 4, 5, 6 Điều 18, khoản 1 Điều 19, điểm b khoản 1 và khoản 4 Điều 20, Điều 22, khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Nghị định này). Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
...
Như vậy, hành vi sử dụng giấy tờ giả đi mua bán nhà đất có mức xử phạt cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ liên quan đến sử dụng đất, ngoại trừ 02 trường hợp bên dưới đây.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng cho hành vi khai báo không trung thực về việc sử dụng đất hoặc tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ dẫn đến sai lệch trong cấp Giấy chứng nhận, chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả để thực hiện các thủ tục hành chính và công việc liên quan đến đất đai, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, lưu ý rằng mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung và giấy tờ giả đã sử dụng. Và biện pháp khắc phục hậu quả là hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai và các công việc khác liên quan đến đất đai.
Hành vi sử dụng giấy tờ giả đi mua bán nhà đất phạt hành chính bao nhiêu tiền? Ai có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này? (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả đi mua bán nhà đất?
Căn cứ khoản 2 Điều 30 Nghị định 123/2024/NĐ-CP về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính quy định như sau:
Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
d) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
...
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả đi mua bán nhà đất, cụ thể:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền đến mức tối đa là 100.000.000 đồng;
- Tịch thu giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung, hoặc giấy tờ giả đã sử dụng trong các thủ tục liên quan đến đất đai;
- Tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với các dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai;
- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
Lưu ý, theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên được áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Mức phạt tiền theo thẩm quyền đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Người sử dụng đất có được tố cáo hành vi sử dụng giấy tờ giả đi mua bán nhà đất không?
Căn cứ khoản 8 Điều 26 Luật Đất đai 2024 về quyền chung của người sử dụng đất quy định như sau:
Quyền chung của người sử dụng đất
...
8. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Như vậy, người sử dụng đất có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành vi sử dụng giấy tờ giả đi mua bán nhà đất.