Hành khách vi phạm quy định về hành lý ký gửi khi đi tàu hỏa sẽ bị xử lý ra sao?

Hành khách vi phạm quy định về hành lý ký gửi khi đi tàu hỏa sẽ bị xử lý ra sao và có những biện pháp xử lý như thế nào?

Nội dung chính

    Hành khách vi phạm quy định về hành lý ký gửi khi đi tàu hỏa sẽ bị xử lý ra sao?

    Từ ngày 01/7/2018, Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia chính thức có hiệu lực thi hành. 

    Theo đó, biện pháp xử lý đối với hành khách vi phạm quy định về hành lý ký gửi khi đi tàu hỏa là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 27 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT. Cụ thể như sau:

    - Khi phát hiện hành lý ký gửi thuộc loại hàng hóa bị nghiêm cấm trong hoạt động vận tải bằng đường sắt theo quy định Luật Đường sắt và các văn bản pháp luật liên quan thì xử lý như sau:

    + Trường hợp phát hiện tại ga đi, doanh nghiệp từ chối vận chuyển và báo cho cơ quan có thẩm quyền gần nhất để tiếp nhận xử lý;

    + Trường hợp phát hiện khi đang vận chuyển, Trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản xác nhận, đưa hành lý này về ga gần nhất tàu có đỗ, bàn giao cho nhân viên của doanh nghiệp tại ga để báo với cơ quan có thẩm quyền gần nhất để tiếp nhận xử lý.

    - Khi phát hiện hành lý ký gửi không đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại các Điều 62, Điều 63, Điều 64 của Luật Đường sắt 2017 thì xử lý như sau:

    + Trường hợp phát hiện tại ga đi, doanh nghiệp có quyền yêu cầu hành khách, người gửi hành lý ký gửi phải tuân thủ các quy định của Luật Đường sắt trước khi thực hiện vận chuyển. Trường hợp hành khách, người gửi hành lý ký gửi không đáp ứng được những yêu cầu trên thì doanh nghiệp từ chối vận chuyển hành lý nêu trên;

    + Trường hợp phát hiện khi đang vận chuyển, Trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản xác nhận, đưa hành lý ký gửi này về ga gần nhất tàu có đỗ, bàn giao cho nhân viên của doanh nghiệp tại ga để phối hợp với hành khách, người gửi hành lý ký gửi xử lý đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật trước khi thực hiện vận chuyển ở chuyến tàu tiếp theo.

    - Khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu giữ hành lý ký gửi thì đại diện của doanh nghiệp hoặc Trưởng tàu lập biên bản về sự việc và bàn giao cụ thể cho người đại diện cơ quan ra lệnh thu giữ. Mẫu biên bản do doanh nghiệp quy định. Ngoài việc lập biên bản, đối với từng trường hợp được giải quyết như sau:

    + Trường hợp hành lý ký gửi bị thu giữ ở ga đi, nếu hành lý ký gửi chưa xếp lên toa xe thì doanh nghiệp có trách nhiệm báo cho hành khách, người gửi hành lý ký gửi đến để giải quyết. Trường hợp hành lý ký gửi đã xếp lên toa xe nhưng tàu chưa chạy nếu còn đủ thời gian tác nghiệp xếp, dỡ không ảnh hưởng đến biểu đồ chạy tàu thì phải dỡ xuống và báo cho hành khách, người gửi hành lý ký gửi đến để giải quyết;

    + Trường hợp khi tàu đang chạy mà hành lý ký gửi bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thu giữ, nếu hành lý ký gửi không thuộc loại hàng hóa quy định khoản 1, khoản 2 Điều này thì được phép vận chuyển đến ga đến và báo cho hành khách, người gửi hành lý ký gửi đến để giải quyết;

    + Trường hợp hành lý ký gửi bị thu giữ ở ga đến, Trưởng tàu bàn giao cho đại diện của doanh nghiệp tại ga để báo cho hành khách, người nhận hành lý ký gửi đến để giải quyết.

    - Ngoài việc chịu các biện pháp xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hành khách, người gửi hành lý ký gửi vi phạm quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này còn phải:

    + Trả tiền vận chuyển đối với toàn bộ số hành lý ký gửi trên đoạn đường đã vận chuyển theo quy định của doanh nghiệp;

    + Bồi thường toàn bộ các thiệt hại do vi phạm gây ra;

    + Bồi thường các khoản chi phí phát sinh nếu có.

    Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn về biện pháp xử lý đối với hành khách vi phạm quy định về hành lý ký gửi khi đi tàu hỏa. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm quy định cụ thể tại Thông tư 09/2018/TT-BGTVT.

     

    16