Hà Nội nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố
Nội dung chính
Hà Nội nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố
Ngày 19/12/2024, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn 4291/UBND-ĐT năm 2024 về việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Trong đó, Mục 1 Công văn 4291/UBND-ĐT năm 2024 thành phố Hà Nội năm 2024 quy định:
1. Các Sở, ngành Thành phố có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao:
a) Tập trung hoàn thiện, xây dựng lộ trình cụ thể, chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật được thực hiện thống nhất, đồng bộ từ ngày 01/01/2025.
b) Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông: (i) Trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ vi phạm chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giao thông, hoặc không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (ii) Tổ chức rà soát toàn diện việc triển khai, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao theo nội dung các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình, kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Căn cứ trên kết quả đạt được, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện, đặc biệt tập trung vào các giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao để thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.
c) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào đối tượng lứa tuổi học sinh và các bậc phụ huynh, vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; nâng cao ý thức, phẩm chất của lực lượng thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.
d) Chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (Công an, Giao thông vận tải, Thuế, Hải quan, ...).
đ) Chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phòng ngừa tai nạn giao thông và giữ gìn trật tự, an toàn giao thông phục vụ Nhân dân đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025.
Như vậy, các Sở, ngành thành phố có liên quan, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ nêu trên góp phần nâng cao nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Hà Nội nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố (Hình từ Internet)
Nguyên tắc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ là gì?
Điều 3 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định:
Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bảo đảm giao thông đường bộ được trật tự, an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; phòng ngừa vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân và tài sản của cơ quan, tổ chức.
3. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
4. Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan, có trách nhiệm giữ an toàn cho mình và cho người khác.
5. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
6. Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch và thuận lợi cho người dân.
7. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy, có 07 nguyên tắc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu trên.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.