Việc khảo sát và nghiên cứu địa điểm của nhà máy điện hạt nhân được quy định như thế nào? Dữ liệu nào cần thu thập về các hiện tượng tự nhiên để đánh giá mức độ nguy hại?
Nội dung chính
Việc khảo sát và nghiên cứu địa điểm của nhà máy điện hạt nhân được quy định tại Điều 5 Thông tư 28/2011/TT-BKHCN Quy định về yêu cầu an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành với nội dung như sau:
- Tiến hành khảo sát, nghiên cứu đặc điểm của địa điểm, các yếu tố có liên quan và xác định mức độ nguy hại của chúng theo các quy định sau đây:
+ Khảo sát, nghiên cứu đặc điểm của địa điểm có khả năng ảnh hưởng tới an toàn của NMĐHN, bao gồm: động đất, đứt gãy bề mặt, núi lửa, khí tượng, ngập lụt, sóng thần, địa kỹ thuật, các yếu tố do hoạt động của con người gây ra, nguồn nước làm mát và nguồn điện cấp cho NMĐHN;
+ Thu thập dữ liệu tiền sử, lịch sử, các dữ liệu ghi đo được về số lần xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng, sự kiện tự nhiên quan trọng đối với việc đánh giá an toàn địa điểm NMĐHN. Đối với địa chấn, khí tượng, thủy văn, phải có số liệu ghi đo không cũ hơn 5 năm tính tới thời điểm nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt địa điểm, trong đó có số liệu của ít nhất 12 tháng ghi đo liên tục và bảo đảm độ tin cậy, chính xác, đầy đủ về thời hạn và dữ liệu ghi đo được;
+ Dự báo sự thay đổi của các đặc điểm có khả năng ảnh hưởng tới an toàn của NMĐHN trong khoảng thời gian ít nhất bằng thời gian hoạt động dự kiến của NMĐHN;
+ Khảo sát, nghiên cứu tần suất và xác định mức độ nguy hại của các yếu tố tự nhiên và nhân tạo có khả năng ảnh hưởng tới an toàn của NMĐHN;
+ Sử dụng các phương pháp phù hợp để xác định mức độ nguy hại của các yếu tố có khả năng ảnh hưởng tới an toàn của NMĐHN. Phương pháp được sử dụng phải tiên tiến và được chứng minh là phù hợp với đặc điểm của khu vực khảo sát, đánh giá;
+ Sử dụng các dữ liệu cụ thể liên quan đến địa điểm để xác định mức độ nguy hại. Trường hợp không thu thập được dữ liệu cụ thể liên quan đến địa điểm NMĐHN, có thể sử dụng dữ liệu của nơi khác có đặc điểm được chứng minh là tương đương với đặc điểm của địa điểm NMĐHN;
+ Khi khảo sát, nghiên cứu các đặc điểm quy định tại điểm a khoản này, phải lựa chọn sử dụng các thông số, giá trị thông số phù hợp với việc xác định mức độ nguy hại phục vụ cho việc thiết kế NMĐHN;
+ Phạm vi khu vực khảo sát, nghiên cứu, xác định mức độ nguy hại của các yếu tố tự nhiên và nhân tạo phải được chứng minh là đủ lớn để bao quát tất cả các đặc điểm quan trọng cho việc xác định mức độ nguy hại của hiện tượng, sự kiện và phù hợp với phương pháp cụ thể được sử dụng.
- Khi khảo sát, nghiên cứu để lựa chọn và đánh giá địa điểm phải áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam. Đối với những nội dung mà tiêu chuẩn Việt Nam chưa có, chưa đầy đủ hoặc chưa bảo đảm tính đồng bộ thì áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng.
- Hoạt động và kết quả khảo sát, nghiên cứu phải được lập thành hồ sơ để lưu giữ và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đề nghị phê duyệt địa điểm NMĐHN.