Việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 26/2019/NĐ-CP thì Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá như sau:
- Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện:
+ Đơn đề nghị theo Mẫu số 01.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản thuyết minh điều kiện cơ sở theo Mẫu số 02.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
- Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện:
+ Đơn đề nghị cấp lại theo Mẫu số 03.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đã cấp.
- Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện:
+ Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có địa điểm đóng mới, cải hoán tàu cá của cơ sở;
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện cơ sở; trường hợp kiểm tra, đánh giá tại cơ sở không đáp ứng điều kiện, cơ sở thực hiện khắc phục; sau khi khắc phục cơ sở có văn bản thông báo đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện cơ sở;
+ Trường hợp hồ sơ và điều kiện cơ sở đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đánh giá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo Mẫu số 04.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện:
+ Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá là cơ quan thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận;
+ Khi phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Thủy sản, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện đã cấp và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trên đây là quy định về cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.
Việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá được quy định như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)
Cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá Việt Nam như thế nào?
Theo quy định tại Điều 57 Nghị định 26/2019/NĐ-CP thì cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá Việt Nam như sau:
- Hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá Việt Nam: Tờ khai theo Mẫu số 05.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
- Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ căn cứ hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản và tiêu chí đặc thù của địa phương, xem xét cấp văn bản chấp thuận theo Mẫu số 06.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp văn bản chấp thuận, phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Trên đây là quy định về cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá Việt Nam.
Quy định về yêu cầu của thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP thì yêu cầu của thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá như sau:
- Phải được kết nối, đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá lắp đặt tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá ở trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển;
- Tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần suất 02 giờ/lần các thông tin: vị trí tàu (kinh độ, vĩ độ), thời gian (phút/giờ/ngày/tháng/năm) đối với thiết bị lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên; cảnh báo cho thuyền trưởng khi tàu vượt qua ranh giới cho phép trên biển.
Tự động truyền bằng một trong các phương thức qua hệ thống thông tin vệ tinh, hệ thống thông tin di động GSM, hệ thống thông tin sóng mặt đất sử dụng các băng tần MF, HF, VHF tối thiểu 08 vị trí/ngày với tần suất 03 giờ/lần các thông tin: vị trí tàu (kinh độ, vĩ độ), thời gian (phút/giờ/ngày/tháng/năm) đối với thiết bị lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét; cảnh báo cho thuyền trưởng khi tàu vượt qua ranh giới cho phép trên biển;
- Sai số tọa độ vị trí tàu cá nhận từ hệ thống định vị toàn cầu GPS hiển thị trên thiết bị giám sát hành trình tàu cá không quá 500 mét, độ tin cậy 99%;
- Mỗi thiết bị phải có một mã nhận dạng độc lập;
- Phải đảm bảo hoạt động bình thường trong môi trường hoạt động trên biển theo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam.
Trên đây là quy định về yêu cầu của thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá.