Vị thuốc Địa du là gì?
Nội dung chính
Vị thuốc Địa du là gì?
Khái niệm vị thuốc Địa du được quy định tại Mục 32 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Địa du là rễ phơi hoặc sấy khô của cây Địa du (Sanguisorba officinalis L.) hay cây Địa du lá dài (Sanguisorba officinalis L. var. longifolia (Bert.) Yu et Li), họ Hoa hồng (Rosaceae).
Vị thuốc Địa du được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Địa du phiến và phương pháp chế biến Địa du thán sao. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Địa du phiến thì rửa sạch rễ Địa du, loại bỏ tạp chất, thân cây còn sót lại, ủ mềm thái lát dày, phơi hoặc sấy khô để dùng. Vị thuốc Địa du phiến có rễ hình thoi hoặc hình trụ không đều, hơi cong queo hoặc vặn, mặt ngoài màu nâu tro, màu nâu hoặc tía thẫm, thô. Chất cứng, mặt phiến thuốc hình tròn hay hình bầu dục không đều, dầy 0,2 - 0,5 cm, mặt cắt màu đỏ tía hoặc nâu. Không mùi, vị hơi đắng, săn.
- Đối với phương pháp chế biến Địa du thán sao thì lấy Địa du phiến, sao lửa vừa đến khi mặt ngoài có màu đen sém và bên trong có màu vàng hay màu nâu. Lấy ra để nguội. Vị thuốc Địa du thán sao có chất cứng, mặt phiến thuốc hình tròn hay hình bầu dục không đều, dầy 0,2 - 0,5 cm, bên ngoài màu nâu đen, bẻ bên trong màu nâu đậm, không cháy khét. Thơm mùi dược liệu, vị hơi đắng, săn.
Vị thuốc Địa du có vị đắng, chua, tính mát. Quy kinh can, đại trường, có công năng lương huyết chỉ huyết, giải độc, liễm nhọt. Địa du thán sao tăng cường tác dụng chỉ huyết và được dùng để chủ trị các bệnh về đại tiểu tiện ra máu, trĩ ra máu, lỵ ra máu, băng huyết, rong huyết, bỏng nước, bỏng lửa, mụn nhọt thũng độc.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Địa du. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.