Uỷ quyền thực hiện hoạt động thương mại
Nội dung chính
Điều 152 Bộ Luật dân sự quy định về người đại diện theo uỷ quyền như sau: "Cá nhân người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có thể uỷ quyền cho người khác phù hợp với quy định của Bộ luật này nhân danh mình xác lập; thực hiện giao dịch dân sự".
Điều 585 Bộ Luật dân sự quy định về hợp đồng uỷ quyền như sau: "Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền".
Điểm 2 Điều 20 Luật kế toán quy định ký chứng từ kế toán như sau: "Chữ ký trên chứng từ kế toán phải do người có thẩm quyền hoặc người được uỷ quyền ký".
Điều 145 Luật thương mại quy định nghĩa vụ của bên đại diện như sau: "Thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa và vì lợi ích của bên giao đại diện".
Căn cứ các quy định nêu trên, việc chủ doanh nghiệp tư nhân uỷ quyền cho cá nhân người nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với một số công việc kinh doanh của doanh nghiệp thì việc uỷ quyền là hợp pháp.
Các hợp đồng kinh tế, hoá đơn mua hàng, hoá đơn bán hàng do người được uỷ quyền ký nếu đứng tên và ghi mã số thuế doanh nghiệp tư nhân phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thì được coi là chứng từ hợp pháp.
Đối với việc kê khai thuế theo uỷ quyền được thực hiện theo Điều 20 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 không thuộc phạm vi giao dịch dân sự, do vậy, chủ doanh nghiệp không được uỷ quyền việc kê khai thuế trong trường hợp này.