10:03 - 12/11/2024

Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi mua bán hóa đơn khống

Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi mua bán hóa đơn khống. Công ty chúng tôi kinh doanh dịch vụ vận tải nội địa, giao nhận,làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu của khách hàng. Để có thể nhập/xuất cho mỗi lô hàng cho khách hàng, chúng tôi phải chi các khoản cho các bên liên quan mà không có hóa đơn (gọi là chi phí làm hàng). Một năm số chi phí này rất lớn. Nếu chi phí làm hàng này bị loại ra khỏi chi phí thì chúng tôi phải nộp thuế TNDN 20%. Liệu chúng tôi có thể kí hợp đồng thuê Sub. (1 đơn vị khác ) đứng ra làm thủ tục thông quan, giao nhận, trả chi phí thay chúng tôi và tự lo hóa đơn để hạch toán chi phí ? Nếu họ mua hóa đơn để hợp lý hóa chứng từ cho dịch vụ chúng tôi ủy thác thì liệu khi có vấn đề xảy ra về pháp luật (VD: mua bán hóa đơn) chúng tôi có bị liên đới hay không?

Nội dung chính

    Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi mua bán hóa đơn khống

    Tại Điều 108 Luật quản lý thuế sửa đổi 2012 quy định về xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế như sau:

    Người nộp thuế có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế sau đây thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn:

    Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán hàng hoá, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

    Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn

    Điều 23 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp như sau: “Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác”.

    Như vậy, mua bán hóa đơn là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Nếu như bạn có hành vi này thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

    Bạn có quyền ký hợp đồng với công ty khác đứng ra làm thủ tục thông quan, giao nhận, trả chi phí thay cho công ty của bạn và công ty đó tự lo hóa đơn để hạch toán chi phí nếu như họ có đủ điều kiện để hoạt động theo quy định của pháp luật.

     Nếu họ mua hóa đơn sai với quy định của pháp luật để hợp lý hóa chứng từ cho dịch vụ của công ty bạn ủy thác thì sẽ vi phạm pháp luật. Công ty bạn không liên quan gì thì sẽ không phải liên đới chịu trách nhiệm.

    Tại Điều 16 Nghị định 51/2010/NĐ-CP hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định về trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn như sau:

    + Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn;

    + Hàng hóa, dịch vụ bán không phải lập hóa đơn được theo dõi trên bảng kê;

    + Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn ghi số tiền bán hàng hóa, dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua tại cuống, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tên người mua trong hóa đơn này được ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn

    Vậy, nếu như Doanh nghiệp không thuộc trường hợp cung ứng hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn được quy định tại Điều 16 Nghị định 51/2010/NĐ-CP thì bắt buộc phải xuất hóa đơn mới được đưa vào chi phí hợp lý của Công ty.

    Trân trọng!

    119
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ