Trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ trong việc giải quyết, trả lời và báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri như thế nào?
Nội dung chính
Trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ trong việc giải quyết, trả lời và báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri như thế nào?
Trách nhiệm giải quyết, trả lời, báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của Văn phòng Chính phủ được quy định tại Điều 8 Quyết định 33/2017/QĐ-TTg Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cụ thể là:
- Văn phòng Chính phủ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết, trả lời kiến nghị của các bộ, cơ quan, địa phương; đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã được Thủ tướng Chính phủ giao, Ban Dân nguyện chuyển đến và Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyển trực tiếp đến các cơ quan ở địa phương; giúp Chính phủ xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của kỳ họp Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết, trả lời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Quy chế này, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu giải quyết, trả lời cử tri hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho một bộ, cơ quan, địa phương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu, giải quyết, trả lời cử tri. Bộ, cơ quan, địa phương được giao chủ trì phải gửi văn bản về việc giải quyết, trả lời cử tri đến Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Trường hợp phát hiện thông tin, số liệu về việc giải quyết, trả lời cử tri của các bộ, cơ quan, địa phương không chính xác hoặc không thống nhất với các tài liệu, báo cáo khác, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện được thông tin số liệu không chính xác hoặc không thống nhất, Văn phòng Chính phủ phải kịp thời trao đổi với các bộ, cơ quan, địa phương bằng văn bản, fax hoặc thư điện tử để rà soát, chuẩn xác lại.
- Trong quá trình phối hợp, theo dõi, đôn đốc, nếu nhận được thông tin phản hồi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc các bộ, cơ quan, địa phương giải quyết, trả lời cử tri không đúng quy định của pháp luật hoặc việc triển khai các công việc không đúng với cam kết đã trả lời, thông tin với cử tri, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra các thông tin phản hồi và trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin phản hồi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phải có văn bản đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phản hồi để biết. Trường hợp kiểm tra phát hiện thông tin phản hồi chưa chính xác, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phản hồi biết.
- Cập nhật thường xuyên, đầy đủ các thông tin, dữ liệu trên Hệ thống quản lý việc giải quyết kiến nghị của cử tri.