Trách nhiệm của của mỗi người trong việc phòng, chống ma túy
Nội dung chính
Trách nhiệm của của mỗi người trong việc phòng, chống ma túy
Luật phòng, chống ma túy được Quốc hội thông qua ngày 09-12-2000 và sửa đổi bổ sung năm 2008 đã xác định phòng, chống ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Luật có các quy định trách nhiệm cho cá nhân, cũng như gia đình trong việc phòng, chống ma túy, cụ thể cá nhân, gia đình có trách nhiệm như sau:
1. Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma túy;
2. Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh;
3. Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma túy của thân nhân và của người khác;
4. Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện;
5. Phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền;
6. Phát hiện, báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma túy; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.
Như vậy trong trường hợp của bạn, khi phát hiện có hiện tượng người sử dụng ma túy cần nắm rõ tình hình và báo cho công an phường, xã nơi đó biết để có biện pháp xử lý đấu tranh, ngăn chặn một cách hữu hiệu.
Luật cũng quy định cá nhân, gia đình tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật. Trường hợp do tham gia phòng, chống ma túy mà bị thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước đền bù; trường hợp cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt của Nhà nước.