Tổng hợp hành vi vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử?
Nội dung chính
Tổng hợp hành vi vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử?
Doanh nghiệp tôi hoạt động trong lĩnh vực đồ gỗ mỹ nghệ, vừa qua doanh nghiệp tôi có nhờ đội ngũ IT viết một tạo một website để doanh nghiệp tôi có thể quảng bá những mặt hàng hóa. Anh chị cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì các hành vi vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử được quy định như thế nào?
Trả lời: Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
Tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử như sau:
- Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử;
- Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;
- Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
- Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.
Trên đây là quy định về các hành vi vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử.
Trường hợp thu thập thông tin người tiêu dùng trên website thương mại điện tử mà không cần sự đồng ý của họ
Theo như tôi được biết mọi hoạt động của các cá nhân, tổ chức thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng trên website thương mại điện tử thì phải có sự đồng ý của người tiêu dùng. Anh chị cho tôi hỏi trong trường hợp nào khi thu thập thông tin của người tiêu dùng trên website thương mại điện tử mà không cần sự đồng ý của người tiêu dùng? Mong anh chị giải đáp giúp tôi, cảm ơn anh chị rất nhiều.
Trả lời: Tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 70 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định xin phép người tiêu dùng khi tiến hành thu thập thông tin như sau:
- Trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này thương nhân, tổ chức thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng trên website thương mại điện tử (gọi tắt là đơn vị thu thập thông tin) phải được sự đồng ý trước của người tiêu dùng có thông tin đó (gọi tắt là chủ thể thông tin).
- Đơn vị thu thập thông tin phải thiết lập cơ chế để chủ thể thông tin bày tỏ sự đồng ý một cách rõ ràng, thông qua các chức năng trực tuyến trên website, thư điện tử, tin nhắn, hoặc những phương thức khác theo thỏa thuận giữa hai bên.
- Đơn vị thu thập thông tin phải có cơ chế riêng để chủ thể thông tin được lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép sử dụng thông tin cá nhân của họ trong những trường hợp sau:
+ Chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho một bên thứ ba;
+ Sử dụng thông tin cá nhân để gửi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và các thông tin có tính thương mại khác.
Tại Khoản 4 Điều 70 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định đơn vị thu thập thông tin không cần được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin trong các trường hợp sau:
- Thu thập thông tin cá nhân đã công bố công khai trên các website thương mại điện tử;
- Thu thập thông tin cá nhân để ký kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa và dịch vụ;
- Thu thập thông tin cá nhân để tính giá, cước sử dụng thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng.
Trên đây là quy định về trường hợp thu thập thông tin của người tiêu dùng trên website thương mại điện tử mà không cần sự đồng ý của người tiêu dùng.
Tiêu chí về sự đảm bảo đủ tin cậy đối với chứng từ điện tử
Hiện nay các giao dịch điện tử đã trở nên rất phổ biến và được nhiều người áp dụng trong kinh doanh buôn bán hàng hóa. Anh chị cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì tiêu chí về sự đảm bảo đủ tin cậy đối với chứng từ điện tử gồm những tiêu chí nào? Mong anh chị giải đáp giúp tôi, cảm ơn anh chị rất nhiều.
Trả lời: Tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định Chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại có giá trị pháp lý như bản gốc nếu đáp ứng cả hai điều kiện sau:
- Có sự bảo đảm đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ thời điểm thông tin được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng chứng từ điện tử;
- Thông tin chứa trong chứng từ điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.
Tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định tiêu chí về sự bảo đảm đủ tin cậy là khi một trong những biện pháp sau được áp dụng trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên trao đổi và sử dụng chứng từ điện tử:
- Ký chứng từ điện tử bằng chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hợp pháp cấp;
- Lưu trữ chứng từ điện tử tại hệ thống của một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử đã được cấp phép mà các bên thỏa thuận lựa chọn;
- Có sự bảo đảm từ phía thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng cho việc khởi tạo, gửi và lưu trữ chứng từ điện tử về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử trong quá trình gửi và lưu trữ trên hệ thống;
- Biện pháp khác mà các bên thống nhất lựa chọn.
Trên đây là quy định về Tiêu chí về sự đảm bảo đủ tin cậy đối với chứng từ điện tử