Tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm mũ mềm (trang phục của Dân quân tự vệ) quy định như thế nào?
Nội dung chính
Tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm mũ mềm (trang phục của Dân quân tự vệ) quy định như thế nào?
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/QS 1822:2021 trang phục dân quân tự vệ Ban hành kèm theo Thông tư 94/2021/TT-BQP, theo đó Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/QS 1822-3:2021 trang phục dân quân tự vệ - Phần 3: Mũ mềm, cụ thể như sau:
1 Phạm vi áp dụng
TCVN/QS 1822-3:2021 quy định các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra đối với sản phẩm mũ mềm được sử dụng cho Dân quân tự vệ.
2 Quy định chung
Các phương tiện đo, kiểm tra chỉ tiêu kỹ thuật của mũ mềm được quy định tại Bảng A.1 Phụ lục A.
3 Yêu cầu kỹ thuật
3.1 Yêu cầu chung
3.1.1 Yêu cầu ngoại quan
Loại mũ lưỡi trai, thành đứng, dây đai mũ đính khuy bọc ở hai đầu, hai bên thành mũ có tán 6 ô dê nhôm dẻo, phía trước ở giữa thành trán có tán một ô dê để đeo sao. Bên trong lưỡi trai được dựng bằng nhựa PVC cứng, phía trong thành mũ có lớp vải tráng nhựa được lót xung quanh. Phía sau thành mũ có khóa nhựa tăng giảm (hoặc nhám dính) để điều chỉnh độ rộng hẹp của vòng đầu.
3.1.2 Yêu cầu về nguyên liệu
- Mũ mềm được sản xuất bằng vải Gabađin Peco với tỷ lệ 65/35 màu xanh cô ban sẫm. Vải đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật được quy định tại Bảng B.1 Phụ lục B;
- Ô dê: Nguyên liệu nhôm dẻo, chỉ tiêu kỹ thuật được quy định tại Bảng B.16 Phụ lục B;
- Nhựa nguyên chất dùng làm cốt lưỡi trai được quy định tại Bảng B.9 Phụ lục B;
- Chỉ may Peco 60/3 cùng màu với nguyên liệu chính, đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật được quy định tại Bảng B.6 Phụ lục B.
3.2 Chỉ tiêu kỹ thuật
3.2.1 Kích thước cơ bản
Thông số kích thước cơ bản của mũ mềm được quy định tại Bảng C.3 Phụ lục C.
3.2.2 Yêu cầu về cắt
- Các chi tiết của sản phẩm khi cắt phải đảm bảo đúng canh sợi;
- Cầu mũ và thành mũ, lưỡi trai cắt dọc sợi.
3.2.3 Yêu cầu về các đường may
- Dùng kim số 14 để may, các mũi chỉ phải đều đặn, không bỏ mũi, sùi chỉ, nhăn vải, không sểnh tuột chỉ;
- Các đường may phải đảm bảo 5 mũi chỉ/1 cm. Đầu và cuối các đường may phải lại mũi chỉ 3 lần. dài 1 cm chồng khít lên nhau, cắt sạch chỉ thừa, không sểnh sót, bỏ mũi, sùi chỉ dăn dúm.
3.2.4 Yêu cầu về là
Mũ mềm được là trên bàn là hơi có nhiệt độ phù hợp với nguyên liệu.
4 Phương pháp kiểm tra
4.1 Tỷ lệ kiểm tra
Kiểm tra theo xác suất cho từng lô hàng, lấy mẫu ngẫu nhiên từ 5 % đến 10 % số lượng sản phẩm trong lô hàng để kiểm tra.
4.2 Kiểm tra yêu cầu chung
4.2.1 Kiểm tra ngoại quan
Kiểm tra ngoại quan bằng mắt thường phải đạt yêu cầu theo quy định tại 3.1.1.
4.2.2 Kiểm tra nguyên liệu
Nguyên liệu sản xuất phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm tra trước khi đưa vào sản xuất. Kiểm tra chủng loại, chất lượng nguyên vật liệu thông qua giấy chứng nhận hợp chuẩn; phiếu chứng nhận hợp cách hoặc biên bản kiểm tra chất lượng. Kết quả kiểm tra phải đạt yêu cầu theo quy định tại 3.1.2.
4.3 Kiểm tra chỉ tiêu kỹ thuật
Dùng phương tiện đo, kiểm tra được quy định tại Bảng A.1 Phụ lục A, kiểm tra chỉ tiêu kỹ thuật của mũ mềm. Kết quả kiểm tra phải đạt yêu cầu theo quy định tại 3.2.
5 Xử lý chung
Mũ mềm sau sản xuất kiểm tra phải đạt các yêu cầu theo quy định tại Tiêu chuẩn này. Trường hợp kiểm tra không đạt yêu cầu theo quy định tại Tiêu chuẩn này phải tiến hành kiểm tra lại với số lượng mẫu gấp đôi cũng lấy từ chính lô sản phẩm đó. Trường hợp kiểm tra lại vẫn không đạt yêu cầu thì không được đưa vào sử dụng.
6 Ghi nhãn, bao gói, vận chuyển, bảo quản
6.1 Ghi nhãn
Nhãn phải có đầy đủ các thông tin: Tên đơn vị sản xuất, cỡ số, năm sản xuất. Nhãn được dệt trên vải, thể hiện rõ ràng trên sản phẩm.
6.2 Bao gói
Mũ được xếp lồng vào nhau, 20 mũ được buộc thành một bó, sau đó xếp 10 bó vào trong một bao PP được quy định tại Phụ lục D.
6.3 Vận chuyển
Sản phẩm được vận chuyển bằng phương tiện vận tải thông dụng và được che đậy cẩn thận tránh mưa, nắng.
6.4 Bảo quản
Sản phẩm được bảo quản nơi khô ráo, tránh mưa, nắng; không để chung với các loại hóa chất, xăng dầu.