Tết Thanh minh 2025 nên làm gì? Những điều kiêng kỵ vào Tết Thanh minh 2025
Nội dung chính
Nên làm gì vào Tết Thanh minh 2025?
Năm 2025, tết Thanh minh rơi vào ngày 4/4 (tức 7/3 âm lịch). Đây không chỉ là dịp con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên thông qua việc tảo mộ, dâng hương mà còn là cơ hội để mỗi người hướng về cội nguồn.
Vào ngày tết Thanh minh, người Việt thường tập trung sửa sang mộ phần, thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và làm mâm cúng ngay tại phần mộ hoặc tại nhà.
Nhiều người tin rằng, trong dịp này, nếu thực hiện đúng các phong tục truyền thống như tảo mộ, dọn dẹp nhà cửa và ban thờ hay làm lễ cúng có thể mang lại may mắn, mọi sự hanh thông.
(1) Tảo mộ
Tết Thanh minh là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu thuận với ông bà, tổ tiên thông qua các hoạt động khác nhau, trong đó có việc tảo mộ.
Công việc chính của tảo mộ là dọn cỏ, kiểm tra lại mộ phần của gia đình và quét dọn cho sạch sẽ, sau đó thắp hương, cắm hoa.
Khi tảo mộ, cần thành tâm, không cười đùa hay làm ồn ào để giữ sự trang nghiêm. Nếu gia đình ở xa thì có thể làm mâm cúng và thắp hương từ xa, gọi là cúng vọng tâm.
(2) Dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ
Một trong những điều nên làm vào dịp tết Thanh minh để cầu mong may mắn, bình an là dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa.
Trên bàn thờ, các gia đình nên lau bát hương, thay hoa cho gọn gàng, sạch sẽ để thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với chân linh của tổ tiên, ông bà.
(3) Làm lễ cúng
Tùy điều kiện, mỗi gia đình có thể làm lễ cúng tết Thanh minh 2025 ở ngoài mộ phần hay tại nhà, hoặc cả 2.
Trong đó, mâm cúng tại nhà thường bày các món mặn như: Xôi, gà luộc, canh măng, các món xào… hoặc các món chay.
Nếu không có điều kiện nấu cỗ, gia chủ có thể thắp hương với trái cây tươi, trà, một ít bánh, kẹo để tỏ lòng biết ơn tổ tiên.
Sau khi dâng lễ, mọi người thắp hương thành tâm và đọc văn khấn mời người đã khuất về hưởng tết Thanh minh cùng con cháu cũng như cầu mong gia đạo bình an, công việc thuận lợi.
Nên làm gì vào Tết Thanh minh 2025? Những điều kiêng kỵ vào Tết Thanh minh 2025 (Hình từ Internet)
Những điều kiêng kỵ vào Tết Thanh minh 2025?
Tết Thanh Minh là dịp quan trọng để con cháu bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, vì vậy có nhiều điều kiêng kỵ cần lưu ý để tránh phạm phải điều không may mắn:
(1) Không làm ồn ào, đùa giỡn tại nghĩa trang: Tết Thanh Minh là dịp tảo mộ, thể hiện sự trang nghiêm và thành kính. Việc cười đùa, nói chuyện lớn tiếng tại khu vực nghĩa trang bị coi là bất kính với tổ tiên và người đã khuất.
(2) Không dẫm lên mộ hay chạm vào đồ thờ cúng: Khi dọn dẹp mộ phần, cần tránh bước lên mộ vì đó là hành động thiếu tôn trọng. Đồng thời, không nên tự ý chạm vào bát hương hay các đồ thờ cúng của người khác để tránh ảnh hưởng đến phong thủy.
(3) Không mang theo vật nuôi hoặc trẻ nhỏ đến nghĩa trang: Theo quan niệm dân gian, nghĩa trang là nơi âm khí nặng, trẻ nhỏ và vật nuôi dễ bị ảnh hưởng. Nếu bắt buộc phải đưa trẻ đi cùng, nên chú ý bảo vệ và giữ cho bé không nghịch phá.
(4) Không mặc trang phục lòe loẹt hoặc quá phản cảm: Khi đi tảo mộ, nên chọn trang phục lịch sự, có màu sắc nhã nhặn như trắng, đen, xám để thể hiện sự trang trọng. Tránh mặc quần áo quá rực rỡ hoặc hở hang.
(5) Không tranh cãi, to tiếng khi đi tảo mộ: Đây là dịp để thể hiện lòng hiếu kính, nếu xảy ra tranh cãi hoặc xích mích sẽ mang đến điềm xui xẻo, ảnh hưởng đến sự bình yên của gia đình.
(6) Không tự ý đốt vàng mã tại nghĩa trang: Nếu muốn đốt vàng mã, cần làm đúng cách và đúng vị trí để tránh gây cháy nổ hoặc làm ảnh hưởng đến mộ phần xung quanh.
(7) Không chụp ảnh, quay phim bừa bãi tại nghĩa trang: Theo quan niệm dân gian, việc chụp ảnh tại nơi có âm khí nặng có thể vô tình ghi lại những điều không may mắn. Vì vậy, cần hạn chế chụp ảnh hoặc quay phim khi đi tảo mộ.
Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người như sau:
(1) Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
(2) Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
(3) Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
(4) Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
(5) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.