Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có thể thay thế thẻ CCCD và thẻ BHYT khi khám chữa bệnh không?
Nội dung chính
Tài khoản định danh điện tử có bao nhiêu mức độ?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định phân loại mức độ tài khoản định danh điện tử:
Phân loại mức độ tài khoản định danh điện tử
1. Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của công dân Việt Nam gồm những thông tin quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định này. Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của người nước ngoài gồm những thông tin quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
2. Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của cá nhân gồm những thông thì quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 Nghị định này.
3. Tài khoản định danh điện tử của tổ chức gồm những thông tin quy định tại Điều 9 Nghị định này là tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Như vậy, tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ: Mức độ 1 và mức độ 2. Việc phân loại mức độ tài khoản định danh điện tử được quy định như sau:
(1) Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 gồm các thông tin sau:
- Đối với tài khoản của công dân Việt Nam:
+ Số định danh cá nhân;
+ Họ, chữ đệm và tên;
+ Ngày, tháng, năm sinh;
+ Giới tính.
+ Ảnh chân dung;
- Đối với tài khoản của người nước ngoài:
+ Số định danh của người nước ngoài;
+ Họ, chữ đệm và tên;
+ Ngày, tháng, năm sinh;
+ Giới tính;
+ Quốc tịch;
+ Số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
+ Ảnh chân dung;
(2) Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 gồm các thông tin sau:
- Đối với tài khoản của công dân Việt Nam:
+ Họ, chữ đệm và tên;
+ Ngày, tháng, năm sinh;
+ Giới tính.
+ Ảnh chân dung;
+ Vân tay.
- Đối với tài khoản của người nước ngoài:
+ Số định danh của người nước ngoài;
+ Họ, chữ đệm và tên;
+ Ngày, tháng, năm sinh;
+ Giới tính;
+ Quốc tịch;
+ Số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
+ Ảnh chân dung;
+ Vân tay.
- Đối với tài khoản của tổ chức:
+ Mã định danh điện tử của tổ chức.
+ Tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có).
+ Ngày, tháng, năm thành lập.
+ Địa chỉ trụ sở chính.
+ Số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.
Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có thể thay thế thẻ CCCD và thẻ BHYT khi khám chữa bệnh không?
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về thông tin được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
7. “Thông tin được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử” là những thông tin của chủ thể danh tính điện tử được thể hiện trong các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và đã được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử theo đề nghị của chủ thể danh tính điện tử, gồm thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe, mã số thuế hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ sau khi thống nhất với Bộ Công an.
...
Theo khoản 5 Điều 13 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về sử dụng tài khoản định danh điện tử như sau:
Sử dụng tài khoản định danh điện tử
...
5. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với chủ thể danh tính điện tử là công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ Căn cước công dân; có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
...
Theo đó, khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để thay thế thẻ CCCD và thẻ BHYT khi khám chữa bệnh
Giấy tờ chứng minh nhân thân được xuất trình khám bệnh bảo hiểm y tế là gì?
Theo Công văn 7133/BYT-BH năm 2023 thì Bộ Y tế giải đáp về các loại giấy tờ khác được sử dụng để xuất trình khi khám chữa bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế mà thẻ không có ảnh như sau:
Về các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác: Hiện nay, ngoài thẻ căn cước công dân, một số văn bản pháp luật có quy định về giấy tờ tùy nhân, nhân thân như:
[1] Theo Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP có quy định các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân như: chứng minh nhân dân, hộ chiếu; sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh.
[2] Theo Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có quy định hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế chứng minh nhân dân.
[3] Theo Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định các giấy tờ chứng minh về nhân thân như: hộ chiếu; chứng minh nhân dân; giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
[4] Theo Thông tư 13/2019/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 28/2020/TT-BGTVT và Thông tư 41/2020/TT-BGTVT có quy định công dân Việt Nam khi làm thủ tục hàng không cho các chuyến bay trong nước, có thể xuất trình một trong các loại giấy tờ nhân thân như:
- Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời;
- Thẻ thường trú, thẻ tạm trú;
- Chứng minh nhân dân, giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân;
- Giấy chứng minh, chứng nhận của quân đội nhân dân;
- Thẻ đại biểu quốc hội; thẻ đảng viên; thẻ nhà báo;
- Giấy phép lái xe ô tô, mô tô;
- Thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia;
- Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn;
- Thẻ nhận dạng của các Hãng hàng không Việt Nam.