Quyết định 165 về quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền BCHTW Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư?
Nội dung chính
Đã có Quyết định 165 về quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền BCHTW Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư?
Ngày 06/6/2024, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quyết định 165-QĐ/TW năm 2024 về quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Căn cứ Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư ban hành kèm theo Quyết định 165-QĐ/TW năm 2024 quy định quy trình xem xét, thi hành kỷ luật như sau:
Bước 1: Chuẩn bị
- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư hồ sơ vụ việc gồm: Tờ trình, báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và tài liệu có liên quan.
- Văn phòng Trung ương Đảng sao gửi hồ sơ vụ việc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trình đến các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư;
- Văn phòng Trung ương Đảng sao gửi hồ sơ vụ việc Bộ Chính trị trình đến các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo Quy chế làm việc.
- Thường trực Ban Bí thư phân công đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư nghe đại diện tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trình bày ý kiến trước khi tổ chức hội nghị xem xét kỷ luật
Nếu đảng viên vi phạm là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư thì đồng chí Tổng Bí thư hoặc đồng chí Thường trực Ban Bí thư nghe đảng viên vi phạm trình bày ý kiến.
Bước 2: Tiến hành
- Tổ chức hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định kỷ luật
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định kỷ luật
Trường hợp Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định không thi hành kỷ luật thì uỷ quyền cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông báo bằng văn bản đến tổ chức đảng, đảng viên có liên quan biết.
Bước 3: Kết thúc
- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định thi hành kỷ luật hoặc thông báo không kỷ luật.
- Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư triển khai quyết định kỷ luật, thông báo không kỷ luật đến tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hoàn chỉnh hồ sơ xem xét, thi hành kỷ luật và bàn giao Văn phòng Trung ương Đảng lưu trữ hồ sơ theo quy định.
-Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên có liên quan chấp hành quyết định thi hành kỷ luật.
Đã có Quyết định 165 về quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền BCHTW Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư? (Hình từ Internet)
Khi nào áp dụng hình thức kỷ luật giải tán tổ chức Đảng?
Căn cứ Điều 37 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng vi phạm:
Thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng vi phạm:
1. Cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng cấp dưới.
2. Kỷ luật giải tán một tổ chức đảng do cấp uỷ cấp trên trực tiếp đề nghị, cấp uỷ cấp trên cách một cấp quyết định. Quyết định này phải báo cáo lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
3. Chỉ giải tán một tổ chức đảng khi tổ chức đó phạm một trong các trường hợp: có hành động chống đường lối, chính sách của Đảng; vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng hoặc pháp luật của Nhà nước.
Theo đó, tổ chức đảng thuộc một trong các trường hợp sau thì áp dụng hình thức kỷ luật giải tán:
- Có hành động chống đường lối, chính sách của Đảng
- Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng hoặc pháp luật của Nhà nước.
Nội dung cơ bản của nguyên tắc tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam là gì?
Căn cứ Điều 9 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định nội dung cơ bản của nguyên tắc tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam như sau:
- Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên.
- Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ).
- Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.
- Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
- Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình.
- Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.
- Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.