Quy định về việc giao nhận và bảo quản thuốc thú y
Nội dung chính
Việc giao nhận và bảo quản thuốc thú y được quy định như thế nào?
Việc giao nhận và bảo quản thuốc thú y được quy định tại Mục 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc thú y dự trữ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư 149/2016/TT-BTC như sau:
4.1. Vận chuyển
- Trước khi chuyển thuốc thú y lên các phương tiện vận chuyển hoặc đưa thuốc thú y vào kho phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ hướng dẫn cho người lao động, bảo đảm an toàn người và hàng hóa.
- Phương tiện vận chuyển thuốc thú y phải sạch sẽ, đảm bảo tránh nước, chống ẩm, tránh ánh sáng trực tiếp, duy trì được chất lượng thuốc thú y (sử dụng phương tiện được trang bị thiết bị lạnh đối với các loại vắc xin). Không vận chuyển thuốc thú y với hàng khác; không bốc xếp thuốc thú y khi trời mưa.
4.2. Vật tư, trang thiết bị dụng cụ
Đơn vị được giao nhiệm vụ dự trữ quốc gia thuốc thú y có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện phục vụ cho quá trình nhập, xuất và bảo quản thuốc thú y gồm:
4.2.1. Thiết bị, dụng cụ phục vụ bốc xếp hàng hóa, kiểm tra khối lượng khi nhập, xuất kho: xe nâng, xe đẩy, cân.
4.2.2. Vật tư dụng cụ vệ sinh kho: Chổi, xẻng, cây lau nhà, giẻ lau.
4.2.3. Bảo hộ lao động: Quần áo, đèn pin, áo mưa, giầy, ủng, mũ, găng tay, khẩu trang.
4.2.4. Thiết bị vật tư dùng cho bảo quản: Máy điều hòa, máy lạnh, quạt thông gió, pa lét gỗ hoặc nhựa dùng để làm kệ kê hàng; bạt chống bão, xô nhựa hứng nước, thùng carton, băng dính dùng làm vật tư thay thế.
4.2.5. Điện, nước: Điện, dây điện, bóng điện cho thắp sáng trong và ngoài kho, điện sử dụng cho thiết bị vật tư, phòng chống thiên tai, cháy nổ; nước phục vụ cho công tác vệ sinh và phòng cháy chữa cháy.
4.2.6. Dụng cụ phòng chống thiên tai, cháy nổ: Thang, bạt, dây thép, thừng, cột chống, bình cứu hỏa.
4.3. Quy trình nhập kho
4.3.1. Chuẩn bị kho
- Kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia phải riêng biệt, không bảo quản chung với các hàng hóa khác.
- Vệ sinh kho: Trước khi nhập hàng phải vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài kho đảm bảo sạch sẽ, khô ráo.
- Kê kệ: Dùng Kệ, Palét (gỗ hoặc nhựa) kê dưới nền kho để xếp hàng.
- Hàng hóa được sắp xếp gọn gàng, khoa học, để trên giá, kệ. Giá, kệ được kê cách mặt nền ít nhất 15-20 cm, cách tường ít nhất 20 cm; khoảng cách giữa các giá, kệ hoặc giữa các khối hàng tối thiểu 30 cm để đảm bảo độ thông thoáng, dễ nhập, xuất hàng, dễ vệ sinh tiêu độc; lối đi 1 - 2 m. Đối với thuốc sát trùng, dung tích kho là 3,5 m2/ tấn sản phẩm.
- Nghiệm thu kho hàng trước khi nhập hàng: Trước khi nhập hàng vào kho phải nghiệm thu kho hàng đảm bảo kho hàng đủ điều kiện theo quy định.
4.3.2. Nhập thuốc thú y vào kho
4.3.2.1. Kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan
- Hóa đơn bán hàng của nhà cung ứng.
- Phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất.
- Phiếu kiểm tra chất lượng của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương đối với từng lô hàng thuốc thú y dự trữ quốc gia.
- Biên bản nghiệm thu hàng hóa.
- Phiếu nhập kho dự trữ quốc gia.
- Hồ sơ nhập khẩu có liên quan đối với trường hợp mua hàng nhập khẩu.
4.3.2.2. Kiểm tra hàng hóa nhập kho
Hàng nhập kho phải đúng chủng loại, số lượng, quy cách đóng gói, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
4.3.2.3. Bốc xếp hàng qua cân hoặc kiểm đếm, chuyển hàng vào kho, xếp hàng trên kệ đã được kê theo quy định, đúng theo chỉ dẫn trên bao bì.
4.4. Bảo quản thuốc thú y trong quá trình lưu kho dự trữ quốc gia
4.4.1. Vệ sinh kho
- Vệ sinh trong kho: Mỗi tuần một lần quét dọn, vệ sinh phía trong kho, tường, vách kho, cửa ra vào, quạt thông gió.
- Vệ sinh ngoài kho: Thường xuyên vệ sinh hè kho, sân kho xung quanh từ nền ra 2,5 m.
4.4.2. Đảo hàng
- Định kỳ mỗi quý một lần. Khi đảo hàng chuyển 30% lượng hàng sang vị trí khoảng kho trống hoặc các giá kê có đủ khoảng trống; quét dọn, vệ sinh sạch sẽ khu vực chứa hàng; sau đó lần lượt chuyển hàng sang kệ bên cạnh và cuối cùng chuyển 30% lượng hàng đảo chuyển ban đầu vào vị trí.
- Yêu cầu khi đảo hàng: Đảm bảo hàng được đảo đều, hàng để trên chuyển xuống dưới. Kết hợp kiểm tra tình trạng bao bì, phát hiện và báo cáo các điểm không phù hợp.
4.4.3. Bảo quản thường xuyên
4.4.3.1. Kiểm tra thường xuyên:
- Kiểm tra hàng ngày: Nhân viên kho có trách nhiệm kiểm tra tình trạng kho hàng, nhiệt độ, độ ẩm; nếu có bất thường cần chủ động có biện pháp xử lý kịp thời hoặc báo cáo lên cấp trên.
- Kiểm tra hàng tuần (cuối tuần): Cuối tuần nhân viên kho cần đảm bảo việc kiểm tra hàng hóa, vật tư, ... trong kho đảm bảo đủ về mặt số lượng, cảm quan (nhãn mác, bao bì). Kết quả kiểm tra, các phát hiện, báo cáo về số lượng, cảm quan hàng hóa và điều kiện bảo quản phải được lập và lưu vào hồ sơ.
- Kiểm tra hàng tháng (cuối tháng): Cuối tháng kiểm tra tình trạng kho hàng, hàng hóa (ẩm, mốc, nhãn mác, bao bì của từng loại hàng hóa). Kết quả kiểm tra, các phát hiện, báo cáo về số lượng, cảm quan hàng hóa và điều kiện bảo quản phải được lập và lưu vào hồ sơ.
- Kiểm tra hàng quý: Ba tháng một lần kiểm tra và đảo hàng (đảm bảo hàng được đảo đều, hàng để trên chuyển xuống dưới và ngược lại). Kết hợp kiểm tra tình trạng nhãn mác, bao bì, phát hiện, báo cáo về số lượng, cảm quan hàng hóa và điều kiện bảo quản phải được lập và lưu vào hồ sơ.
- Kiểm tra hàng năm: Cuối năm kiểm tra số lượng, nhãn mác, bao bì, hạn sử dụng của từng loại hàng hóa và tình trạng kho hàng.
- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện phòng chống cháy nổ và lụt bão (đặc biệt chú ý mùa kho nóng; trước mùa mưa bão và trước, sau mỗi đợt mưa bão).
4.4.3.2. Kiểm tra đột xuất:
Kiểm tra khi có nghi ngờ, có thiên tai hoặc theo chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền; kết quả được ghi vào sổ theo dõi công tác bảo quản (hoặc lập biên bản theo yêu cầu).
4.5. Quy trình xuất hàng
4.5.1. Thủ tục xuất kho, cụ thể:
- Khi có quyết định xuất hàng, thủ kho phải chuẩn bị đủ sổ sách, hồ sơ, chứng từ của lô hàng.
- Trước khi xuất hàng phải kiểm tra tên, chủng loại, số lượng, chất lượng, mẫu mã, quy cách hàng hóa, số lô, hạn sử dụng hàng hóa và hồ sơ, tài liệu có liên quan.
- Xuất hàng theo nguyên tắc: Hàng nhập trước xuất trước, hàng nhập sau xuất sau.
- Xuất đúng số lượng, đúng chủng loại.
- Chuẩn bị các phương tiện, thiết bị phục vụ xuất hàng dự trữ quốc gia: Các phương tiện, thiết bị để chuyển hàng khi xuất kho, thiết bị cân, đo lường phải chuẩn bị đầy đủ và được kiểm định để bảo đảm hoạt động chính xác.
- Khi xuất hàng xong phải hoàn chỉnh các thủ tục, chứng từ giao nhận theo đúng quy định.
4.5.2. Công tác triển khai thực hiện: Khi có lệnh xuất hàng, đơn vị dự trữ phải tổ chức triển khai thực hiện kịp thời.
4.5.3. Công tác kiểm tra danh mục, quy cách, số lượng, chủng loại, chất lượng hàng hóa, phiếu kiểm tra chất lượng, hồ sơ tài liệu liên quan.
4.5.4. Hạ kiêu, bốc xếp qua cân, kiểm đếm, bốc giao lên phương tiện vận chuyển.
- Kiểm đếm hàng hóa, hạ thùng thuốc từ kiêu nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh đổ vỡ.
- Vận chuyển hàng ra cửa kho.
- Bốc xếp qua cân, kiểm đếm để kiểm tra khối lượng hàng hóa.
- Bốc hàng lên phương tiện vận chuyển, xếp hàng cẩn thận, ngay ngắn, đúng chỉ dẫn trên bao bì, đúng số lượng thùng/cây và đủ khối lượng theo quy định của từng loại phương tiện.
4.5.5. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát xuất kho:
Thủ trưởng đơn vị bảo quản và cán bộ được giao nhiệm vụ phải chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình xuất hàng nhằm đảm bảo việc xuất hàng thực hiện kịp thời, đúng quy định.
4.5.6. Đảm bảo an ninh, trật tự
Việc xuất hàng phải được đảm bảo an toàn, đúng quy định, tránh xảy ra mất mát hàng hóa.
4.5.7. Vệ sinh kho sau khi xuất hàng
Sau khi xuất hết hàng, thu gọn các vật liệu kê lót, dụng cụ và quét dọn vệ sinh kho sạch sẽ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
4.5.8. Thực hiện việc hoàn tất thủ tục hồ sơ với bên nhận hàng (nếu có).