Quy định mới về cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ kế toán hằng năm từ ngày 01/7/2024?
Nội dung chính
Ai phải cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ kế toán hằng năm?
Tại Điều 3 Thông tư 292/2016/TT-BTCđược sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư 23/2024/TT-BTC có quy định đối tượng cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ kế toán hằng năm là Kế toán viên hành nghề và người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
Đối với người mới được cấp chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên, thì được đăng ký để hành nghề dịch vụ kế toán đến ngày 31 tháng 12 của năm sau năm được cấp chứng chỉ mà không bắt buộc phải cập nhật kiến thức, nhưng để đảm bảo điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán trong năm tiếp theo năm liền sau năm được cấp chứng chỉ, thì từ ngày 16 tháng 8 của năm được cấp chứng chỉ đến ngày 15 tháng 8 của năm liền sau năm được cấp chứng chỉ, người hành nghề phải có đủ giờ cập nhật kiến thức theo quy định tại Điều 5 Thông tư 292/2016/TT-BTC.
Quy định mới về cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ kế toán hằng năm từ ngày 01/7/2024? (Hình từ Internet)
Cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ kế toán hằng năm gồm có những nội dung gì?
Tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 292/2016/TT-BTC được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 1 Thông tư 23/2024/TT-BTC có quy định về nội dung cập nhật kiến thức như sau:
Nội dung, tài liệu cập nhật kiến thức
1. Về nội dung cập nhật kiến thức:
a) Các quy định của pháp luật về kế toán, thuế của Việt Nam; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán; kinh nghiệm thực hành kế toán; chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
b) Các quy định của pháp luật có liên quan về kinh tế, tài chính, kiểm toán; kỹ năng quản lý; chuẩn mực kiểm toán quốc tế; các kiến thức và thông tin khác liên quan đến nghề nghiệp.
2. Về tài liệu cập nhật kiến thức:
a) Tài liệu cập nhật kiến thức phải chứa đựng các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Tài liệu cập nhật kiến thức được trình bày dưới dạng văn bản hoặc dữ liệu điện tử.
Như vậy, cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ kế toán hằng năm gồm có những nội dung sau:
- Các quy định của pháp luật về kế toán, thuế của Việt Nam; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán; Kinh nghiệm thực hành kế toán; chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
- Các quy định của pháp luật có liên quan về kinh tế, tài chính, kiểm toán; kỹ năng quản lý; chuẩn mực kiểm toán quốc tế; các kiến thức và thông tin khác liên quan đến nghề nghiệp.
Giảng viên tham gia giảng dạy cập nhật kiến thức phải có kinh nghiệm bao nhiêu năm hành nghề dịch vụ kế toán?
Tại Điều 8 Thông tư 292/2016/TT-BTC có quy định về giảng viên tham gia giảng dạy cập nhật kiến thức như sau:
Giảng viên tham gia giảng dạy cập nhật kiến thức
Giảng viên tham gia giảng dạy các lớp học cập nhật kiến thức cho kế toán viên phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:
1. Có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm hành nghề dịch vụ kế toán.
2. Có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm công tác, nghiên cứu, giảng dạy liên quan tới nội dung cập nhật kiến thức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
3. Đang hoặc đã từng là thành viên của ban soạn thảo chuẩn mực kế toán.
Như vậy, giảng viên tham gia giảng dạy cập nhật kiến thức phải có kinh nghiệm tối thiểu là 05 năm hành nghề dịch vụ kế toán.
Thời gian cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ kế toán hằng năm là bao lâu?
Tại Điều 5 Thông tư 292/2016/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 23/2024/TT-BTC có quy định về thời gian cập nhật kiến thức như sau:
Thời gian cập nhật kiến thức
1. Thời gian cập nhật kiến thức tối thiểu 40 giờ trong năm trước liền kề năm đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, trong đó có tối thiểu 20 giờ cập nhật kiến thức về các nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
....
3. Số giờ cập nhật kiến thức hàng năm của kế toán viên được tính cộng dồn, từ ngày 16/8 của năm trước đến ngày 15/8 của năm sau.
Như vậy, thời gian cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ kế toán hằng năm là tối thiểu 40 giờ trong năm trước liền kề năm đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
Trong đó có tối thiểu 20 giờ cập nhật kiến thức về các quy định của pháp luật về kế toán, thuế của Việt Nam, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán.