Phương pháp chích gừng vào dược liệu trong chế biến thuốc cổ truyền được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Phương pháp chích gừng vào dược liệu trong chế biến thuốc cổ truyền được quy định như thế nào?
Chích gừng vào dược liệu là một trong những phương pháp phức chế dược liệu có sử dụng phụ liệu là gừng trong chế biến các vị thuốc cổ truyền nhằm tăng tính ẩm cho thuốc, tăng tác dụng chỉ ho, hóa đờm, giảm tính ngứa, kích thích cổ họng của thuốc; tăng mùi thơm, tác dụng của thuốc. Hoạt động chích gừng vào dược liệu để chế biến các vị thuốc cổ truyền phải đảm bảo đúng các kỹ thuật theo quy định của pháp luật để đảm bảo không làm hư hỏng, mất tác dụng của dược liệu.
Phương pháp chích gừng vào dược liệu trong chế biến thuốc cổ truyền được quy định tại Khoản 2 Điều 12 Phụ lục I về phương pháp chung chế biến các vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
a) Mục đích:
- Tăng tính ấm cho vị thuốc (tăng tính dương);
- Tăng tác dụng chỉ ho, hóa đờm;
- Làm giảm tính ngứa, tính kích thích cổ họng của vị thuốc;
- Làm sạch và thơm vị thuốc (xương động vật);
- Tăng cường thêm tác dụng cho các vị thuốc dùng để trị các chứng phong tà, rét lạnh, nhức đầu, nôn mửa, giúp kiện tỳ, kích thích tiêu hóa.
b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:
- Phun hoặc trộn đều nước gừng vào dược liệu, ủ khoản 60 phút cho thấm hết nước gừng, thỉnh thoảng đảo cho thấm đều, sao với lửa vừa, đến khi nhận thấy mùi thơm, dược liệu có màu vàng hoặc sẫm hơn, lấy ra, tãi cho nguội;
- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Trúc nhự, Thục địa, Đảng sâm, Bán hạ...
c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô (hàm ẩm < 12%), màu vàng, thơm nhẹ mùi gừng và mùi đặc trưng của vị thuốc.