12:03 - 12/11/2024

Pháp luật quy định về chỉ huy nổ mìn như thế nào?

Pháp luật quy định về chỉ huy nổ mìn như thế nào? Hiện tại đang làm việc tại phòng tổ chức, hành chính thuộc công ty TNHH MTV Cửu Long.

Nội dung chính

    Công ty tôi vừa tiếp nhận một dự án khai thác đá tại tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện tại công ty tôi lại gặp một khó khăn đó là không có người chỉ huy nổ mìn. Công ty đang gấp rút tìm người, tôi muốn hỏi pháp luật quy định về chỉ huy nổ mìn như thế nào? Có yêu cầu gì đối với người chỉ huy nổ mìn không? Văn bản nào quy định vấn đề này?

    Pháp luật quy định về chỉ huy nổ mìn như thế nào?

    Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định 71/2018/NĐ-CP thì: Chỉ huy nổ mìn là người được Giám đốc tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp bổ nhiệm để chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo hộ chiếu nổ mìn đã được phê duyệt.

    Theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định 71/2018/NĐ-CP thì chỉ huy nổ mìn phải có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật, cụ thể như sau:

    - Đối với chuyên ngành kỹ thuật: Vũ khí đạn, công nghệ hóa học về thuốc phóng, thuốc nổ, công binh, khai thác mỏ, kỹ thuật mỏ, địa chất, xây dựng công trình, giao thông, thủy lợi, địa vật lý, dầu khí hoặc khoan nổ mìn. Chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 01 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng;

    - Đối với chuyên ngành kỹ thuật khác quy định tại điểm a Khoản này, chỉ huy nổ mìn phải có thời gian trực tiếp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tối thiểu 02 năm đối với người có trình độ đại học trở lên và tối thiểu 03 năm đối với người có trình độ trung cấp, cao đẳng.

    Ngoài ra, theo Khoản 4 Điều 5 Nghị định này thì chỉ huy nổ mìn là đối tượng phải huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp. Nội dung huấn luyện đối với chỉ huy nổ mìn bao gồm:

    - Quy định pháp luật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam;

    - Yêu cầu an toàn khi tiếp xúc với vật liệu nổ công nghiệp; phân loại, kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy định về tiêu hủy và phương pháp tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn vật liệu nổ công nghiệp;

    - Các phương pháp nổ mìn; các biện pháp an toàn khi nổ mìn; ảnh hưởng của nổ mìn đối với công trình, môi trường và con người; xác định khoảng cách an toàn khi nổ mìn; xây dựng phương án nổ mìn; quy định về giám sát ảnh hưởng nổ mìn;

    - Phương pháp lập hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn điển hình và chỉ đạo thi công bãi nổ theo hộ chiếu nổ mìn hoặc thiết kế nổ mìn đã lập;

    - Công tác bảo quản vật liệu nổ công nghiệp tại khu vực nổ mìn;

    - Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ kho tới nơi sử dụng và ngược lại;

    - Nhận diện nguy cơ và đánh giá rủi ro về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, thiên tai trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

    - Ứng phó sự cố liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại Khoản 8 Điều này.

    Trên đây là những quy định về chỉ huy nổ mìn theo Nghị định 71/2018/NĐ-CP.

    11