Nội dung khái quát kiến thức môn Đạo đức cấp tiểu học?
Nội dung chính
Môn Đạo đức là Môn Giáo dục công dân ở cấp tiểu học đúng không?
Căn cứ Mục 1 Chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT như sau:
ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC
Giáo dục công dân (môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp trung học phổ thông) giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển ý thức và hành vi của người công dân. Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, môn Giáo dục công dân góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, niềm tin, nhận thức, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản: Đạo đức và Giáo dục công dân là các môn học bắt buộc. Nội dung chủ yếu của môn học là giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật và kinh tế. Những nội dung này định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.
Theo đó, môn Giáo dục công dân ở cấp tiểu học được gọi là môn Đạo đức.
Nội dung khái quát kiến thức môn Đạo đức cấp tiểu học? (Hình từ Internet)
Nội dung khái quát kiến thức môn Đạo đức cấp tiểu học?
Căn cứ tiểu mục 1 Mục 5 Chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, nội dung khái quát kiến thức môn Đạo đức cấp tiểu học như sau:
Nội dung | Lớp 1 | Lớp 2 | Lớp 3 | Lớp 4 | Lớp 5 |
GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC | |||||
Yêu nước | Yêu thương gia đình | Quê hương em | Em yêu Tổ quốc Việt Nam | Biết ơn người lao động | Biết ơn những người có công với quê hương, đất nước |
Nhân ái | Quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình | Kính trọng thầy giáo, cô giáo và yêu quý bạn bè | Quan tâm hàng xóm láng giềng | Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn | Tôn trọng sự khác biệt của người khác |
Chăm chỉ | Tự giác làm việc của mình | Quý trọng thời gian | Ham học hỏi | Yêu lao động | Vượt qua khó khăn |
Trung thực | Thật thà | Nhận lỗi và sửa lỗi | Giữ lời hứa | Tôn trọng tài sản của người khác | Bảo vệ cái đúng, cái tốt |
Trách nhiệm | - Sinh hoạt nền nếp - Thực hiện nội quy trường, lớp | Bảo quản đồ dùng cá nhân và gia đình | Tích cực hoàn thành nhiệm vụ | Bảo vệ của công | Bảo vệ môi trường sống |
GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG | |||||
Kĩ năng nhận thức, quản lí bản thân | Tự chăm sóc bản thân | Thể hiện cảm xúc bản thân | Khám phá bản thân | Thiết lập và duy trì quan hệ bạn bè | Lập kế hoạch cá nhân |
Kĩ năng tự bảo vệ | Phòng, tránh tai nạn, thương tích | Tìm kiếm sự hỗ trợ | Xử lí bất hoà với bạn bè | Phòng, tránh xâm hại | |
GIÁO DỤC KINH TẾ | |||||
Hoạt động tiêu dùng | Quý trọng đồng tiền | Sử dụng tiền hợp lí | |||
GIÁO DỤC PHÁP LUẬT | |||||
Chuẩn mực hành vi pháp luật | Tuân thủ quy định nơi công cộng | Tuân thủ quy tắc an toàn giao thông | Quyền và bổn phận trẻ em |
Mục tiêu chương trình môn Đạo đức cấp tiểu học là gì?
Căn cứ Mục 3 Chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục công dân ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, mục tiêu chương trình môn Đạo đức cấp tiểu học như sau:
(1). Mục tiêu chung
Chương trình môn Giáo dục công dân góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm;các năng lực của người công dân Việt Nam, đặc biệt là năng lực điều chỉnh hành vi, năng lực phát triển bản thân, năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế - xã hội,nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.
(2). Mục tiêu cấp tiểu học
- Bước đầu hình thành, phát triển ở học sinh những hiểu biết ban đầu về chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và sự cần thiết thực hiện theo các chuẩn mực đó trong quan hệ với bản thân và người khác, với công việc, cộng đồng, đất nước, nhân loại và môi trường tự nhiên;
Thái độ tự trọng, tự tin; những tình cảm và hành vi tích cực: yêu gia đình, quê hương, đất nước; yêu thương, tôn trọng con người; đồng tình với cái thiện, cái đúng, cái tốt, không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu; chăm học, chăm làm; trung thực; có trách nhiệm với thái độ, hành vi của bản thân.
- Giúp học sinh bước đầu nhận biết và điều chỉnh được cảm xúc, thái độ, hành vi của bản thân; biết quan sát, tìm hiểu về gia đình, quê hương, đất nước và về các hành vi ứng xử; biết lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch cá nhân,hình thành thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập, sinh hoạt.