Nhà tu hành là gì? Mạo danh nhà tu hành có bị đi tù không?
Nội dung chính
Nhà tu hành là gì?
Định nghĩa nhà tu hành được quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 như sau:
Nhà tu hành là tín đồ xuất gia, thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo.
Như vậy, nhà tu hành được hiểu là tín đồ xuất gia, người thực hành cuộc sống tu hành riêng biệt, tuân thủ nghiêm ngặt giáo lý, giáo luật và các quy định của tổ chức tôn giáo mà họ theo.
Nhà tu hành là gì? (Hình từ internet)
Mạo danh nhà tu hành có bị đi tù không?
- Người mạo danh chức sắc, nhà tu hành tôn giáo bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:
Căn cứ tại Điều 16 Nghị định 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo quy định: Người mạo danh chức sắc, nhà tu hành tôn giáo bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, xử lý người mạo danh chức sắc, nhà tu hành để hoạt động tôn giáo được hướng dẫn tại Mục VII Thông tư 01/1999/TT-TGCP hướng dẫn Nghị định 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo do Ban Tôn Giáo Chính Phủ ban hành, theo đó:
Người mạo danh chức sắc, nhà tu hành để hoạt động tôn giáo làm giảm uy tín của tổ chức tôn giáo, làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tuỳ theo mức độ sai phạm có thể bị xử lý hành chính: cảnh cáo, quản chế hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, theo Điều 339 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác như sau:
Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Mạo danh nhà tu hành để lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Hành vi mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp pháp luật quy định có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:
Theo đó, mức phạt thấp nhất của tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm. Mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Mạo danh nhà tu hành nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác:
Người nào mạo danh xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử lý về Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:
Theo đó, mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Mức phạt cao nhất là phạt tù từ 02 - 05 năm nếu phạm tội thuộc trường hợp:
+ Làm nạn nhân tự sát;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Do đó, mạo danh nhà tu hành có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện một trong các hành vi nêu trên nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo?
Theo quy định tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì các hành vi sau sẽ bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo:
- Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
- Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
+ Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
+ Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
+ Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
+ Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
- Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Nhà nước có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như sau:
- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
- Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.
- Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.