07:35 - 06/12/2024

Người mất năng lực hành vi dân sự có phải chịu trách nhiệm khi vi phạm pháp luật không?

Như thế nào là người mất năng lực hành vi dân sự? Người mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm pháp luật có phải chịu trách nhiệm không?

Nội dung chính

    Như thế nào là người mất năng lực hành vi dân sự?

    Căn cứ tại Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau:

    Mất năng lực hành vi dân sự
    1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
    Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
    2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

    Như vậy, người mất năng lực hành vi dân sự được hiểu là người không có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình do mắc các bệnh lý về tâm thần hoặc bệnh khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức.

    Người này sẽ được tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan.

    Người mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm pháp luật có phải chịu trách nhiệm không?

    (1) Đối với trách nhiệm dân sự 

    Căn cứ khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường khi người mất năng lực hành vi dân sự gây ra thiệt hại.

    Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
    ...
    3. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. 

    Như vậy, khi người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì họ sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thay vào đó, người giám hộ của người này sẽ có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại cho họ.

    (2) Đối với trách nhiệm hành chính 

    Theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012về những trường hợp vi phạm hành chính nhưng không bị xử phạt 

    Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
    5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.

    Tại khoản 15 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định về người không có năng lực trách nhiệm hành như sau:

    Giải thích từ ngữ
    ...
    15. Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
    ...

    Từ những quy định trên có thể kết luận rằng, người mất năng lực hành vi dân sự sẽ không phải chịu trách nhiệm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính mà mình gây ra.

    (3) Đối với trách nhiệm hình sự 

    Người bị mất năng lực hành vi dân sự là một trong những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015

    Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
    Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. 
    Mặt khác, tại Điều 447 và Điều 448 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định để xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mất năng lực hành vi dân sự hay không thì bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

    Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần, mất năng lực hành vi dân sự thì căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mình gây ra. 

    Tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp, người mất năng lực hành vi dân sự đều được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, đối với những người phạm tội trước khi bị kết án mới mất năng lực hành vi dân sự, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án sẽ quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

    Người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện giao dịch dân sự thì giao dịch đó có hiệu lực không?

    Căn cứ theo Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau: 

    Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
    1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
    2. Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:
    a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
    b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
    c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

    Như vậy, giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự không bị vô hiệu nếu giao dịch dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó.

    Ngoài ra, những giao dịch khác của người đó phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện thì mới được coi là có hiệu lực.

    377
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ